Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông.
Hiện cả nước có khoảng 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH và CN. Báo cáo của 235 doanh nghiệp với đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp KH và CN tạo việc làm cho 31.264 người lao động với thu nhập bình quân tháng 15 triệu đồng/người. Tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt 147.170,5 tỷ đồng, chiếm 2,39% GDP cả nước.
Các doanh nghiệp KH và CN đã chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hơn 90% số doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH và CN bằng toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp KH và CN cũng chú trọng xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH và CN và sản phẩm được tạo ra, với 138 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chín doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ, đang chờ kết quả. Thí dụ: Công ty cổ phần Robot Tosy đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới; Công ty TNHH Thiết bị y tế Bắc Việt sở hữu hơn 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng kiểu dáng công nghiệp; Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal sở hữu 15 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp... Nhiều doanh nghiệp KH và CN nghiên cứu và bổ sung kết quả mới vào danh mục sản phẩm KH và CN trên Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Ðiển hình như Công ty TNHH Dược Hanvet (Hưng Yên) bổ sung thêm 55 sản phẩm; Công ty TNHH MTV Vắc-xin Pasteur Ðà Lạt bổ sung 17 sản phẩm; Công ty cổ phần tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Hà Nội) bổ sung bốn giống cây trồng mới...
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp KH và CN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước để ứng phó với đại dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, trong đó nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống dịch. Thí dụ, Công ty cổ phần Sao Thái Dương hợp tác các nhà khoa học chế tạo hai bộ kít phát hiện vi-rút SARS-CoV-2; Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất na-nô từ thiên nhiên có khả năng ức chế vi-rút SARS-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho người bệnh mắc Covid-19; Công ty TNHH Châu Ðà sản xuất sản phẩm máy sản xuất khẩu trang tự động, đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh,...
Theo nhiều doanh nghiệp KH và CN, thời gian qua, hoạt động của doanh nghiệp KH và CN có nhiều thuận lợi. Việc được cấp chứng nhận "Doanh nghiệp KH và CN" giúp doanh nghiệp dễ thương mại hóa sản phẩm hơn do sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, giúp khách hàng yên tâm về chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, được giới thiệu quảng bá sản phẩm thông qua các hội thảo, triển lãm, kết nối cung - cầu, chợ công nghệ và thiết bị. Nhờ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, được vay vốn tín dụng đầu tư, sử dụng vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH và CN, cho nên doanh nghiệp tập trung được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho KH và CN, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh. Các tỉnh, thành phố ngày càng chú trọng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương thực hiện các hoạt động phát triển KH và CN thông qua việc ban hành và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc phát triển lực lượng doanh nghiệp KH và CN vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do sự phối hợp đầu tư tạo ra kết quả KH và CN mới, sản phẩm mới giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học chưa phổ biến. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới dừng lại ở giai đoạn tạo ra kết quả KH và CN mà chưa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường cho sản phẩm mới đó, trong khi giai đoạn thương mại hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm KH và CN của một số doanh nghiệp không quá nổi trội về công nghệ hoặc không có thị trường tiêu thụ, cho nên chưa mang lại lợi nhuận cao. Các sản phẩm của nước ngoài, nhất là của các nước tiên tiến xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước khiến sản phẩm của doanh nghiệp KH và CN bị cạnh tranh gay gắt.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN), để phát triển doanh nghiệp KH và CN giai đoạn tới, cần xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm KH và CN của doanh nghiệp KH và CN. Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành cơ chế phù hợp, tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận kết quả KH và CN mới để hình thành các doanh nghiệp KH và CN. Thúc đẩy hỗ trợ phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) từ các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ viện nghiên cứu, trường đại học. Thúc đẩy hoạt động của các cơ sở ươm tạo tại trường đại học, viện nghiên cứu và thu hút sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp KH và CN dẫn dắt các lĩnh vực. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm KH và CN, doanh nghiệp KH và CN để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng, giúp thương hiệu "doanh nghiệp KH và CN" trở thành thương hiệu mạnh./.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/science-news/tang-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-629545/