1. Thỏa ước La Hay là gì?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với đó là các hoạt động thương mại quốc tế ngày càng trở nên sôi nổi, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) tại nhiều quốc gia đã và đang trở thành một nhu cầu tất yếu của nhiều doanh nghiệp để bảo vệ thành quả sáng tạo của mình liên quan đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu.
Do nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ KDCN nên để được bảo hộ tại nhiều quốc gia, chủ sở hữu KDCN phải nộp nhiều đơn tại nhiều nước theo nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, với các quy định khác nhau về hình thức và nội dung, bằng nhiều ngôn ngữ, sử dụng nhiều loại tiền tệ và phải đóng các loại phí, mức phí khác nhau. Bên cạnh đó, với thời điểm nộp đơn và gia hạn khác nhau, việc xác lập quyền và quản lý quyền được bảo hộ trở nên rất phức tạp.
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) được ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928 là một điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, cung cấp một cách thức đăng ký quốc tế KDCN đơn giản và tiết kiệm nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên.
Với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu KDCN không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến một cơ quan duy nhất (Văn phòng quốc tế của WIPO) trong đó chỉ định đến các quốc gia mong muốn được bảo hộ. Để dễ dàng hơn trong việc hình dung cách thức hoạt động của Thỏa ước La Hay, chúng ta có thể so sánh hai cách thức nộp đơn theo đường quốc gia và theo Thỏa ước La Hay như ở hình sau:
So sánh hai cách thức nộp đơn theo đường quốc gia và theo Thỏa ước La Hay
Hiện nay Thỏa ước La Hay có 74 thành viên bao gồm 91 quốc gia (tính đến ngày 15/9/2020), trong đó có nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản,... Để trở thành một hệ thống được nhiều quốc gia tham gia như hiện nay, Thỏa ước La Hay đã trải qua nhiều lần sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của pháp luật về KDCN trên thế giới và dần trở nên linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, có ba lần sửa đổi lớn nhất là lần sửa đổi tại London (Anh) ngày 02/6/1934 (Văn kiện London); Văn kiện ký tại La Hay ngày 28/11/1960 (được sửa đổi tại Stockholm, Thụy Điển năm 1967) và Văn kiện ký tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 02/7/1999.
Văn kiện London 1934, Văn kiện La Hay 1960 và Văn kiện Geneva 1999 trên thực tế là ba Văn kiện độc lập. Mỗi Văn kiện về bản chất là một thỏa ước quốc tế đầy đủ. Việc đăng ký quốc tế KDCN có thể thực hiện theo một, hai hoặc cả ba Văn kiện tùy thuộc vào quốc gia thành viên của người nộp đơn và quốc gia thành viên được chỉ định trong đơn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Văn kiện La Hay 1960 và Văn kiện Geneva 1999 còn hiệu lực do Văn kiện London 1934 đã bị đóng băng kể từ ngày 01/01/2010.
Trên cơ sở đánh giá sự ưu việt và hoàn thiện hơn của Văn kiện Geneva 1999 so với các Văn kiện còn lại, Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện này. Ngày 30/9/2019, bên lề Kỳ họp lần thứ 59 của Đại hội đồng WIPO, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay (Văn kiện Geneva 1999) đến Tổng Giám đốc WIPO, theo đó Thỏa ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập cả 3 điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến nộp đơn quốc tế (Nghị định thư Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế, Hiệp ước Hợp tác sáng chế PCT và Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN).
Với việc tham gia Văn kiện Geneva 1999, Việt Nam sẽ chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu ảnh hưởng từ các Văn kiện còn lại. Như vậy, cá nhân, tổ chức Việt Nam có thể nộp đơn và chỉ định các nước tham gia Văn kiện Geneva 1999 và cá nhân, tổ chức của các nước tham gia Văn kiện Geneva 1999 có thể chỉ định Việt Nam.
2. Quyền nộp đơn
Cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay nếu cá nhân, tổ chức đó thỏa mãn một trong số các điều kiện sau:
Quyền nộp đơn theo Thỏa ước La Hay
3. Ưu điểm của Thỏa ước La Hay
Thỏa ước La Hay, cụ thể là Văn kiện Geneva 1999 có nhiều ưu điểm, có thể tóm gọn lại ở những điểm chính sau đây.
- Đơn giản:
Hệ thống La Hay cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ KDCN của mình với thủ tục tối thiểu: chỉ cần nộp một hồ sơ đơn duy nhất tới một cơ quan duy nhất, sử dụng một ngôn ngữ, một loại tiền tệ duy nhất (đồng Francs Thụy Sĩ) với chỉ một danh mục phí. Bên cạnh đó, với việc gia hạn đăng ký quốc tế thống nhất tại một thời điểm cũng như sửa đổi đăng ký quốc tế một cách tập trung với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế, việc quản lý quyền được đơn giản hóa tối đa.
- Linh hoạt:
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay cho phép chủ đơn chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia, đồng thời cho phép tự chỉ định quốc gia xuất xứ (trừ trường hợp quốc gia xuất xứ tuyên bố không cho phép tự chỉ định). Người nộp đơn Việt Nam có thể tự chỉ định Việt Nam.
Thỏa ước La Hay cho phép nộp 100 KDCN trong cùng một đơn với điều kiện các KDCN cùng thuộc một nhóm của Bảng phân loại quốc tế Locarno và các quốc gia được chỉ định trong đơn cho phép.
Đơn có thể sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha.
- Tiết kiệm:
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay có thể chỉ định bảo hộ ở nhiều nước chỉ với một khoản phí cơ bản, phí công bố chung. Ngoài ra, các loại phí giảm đáng kể đối với KDCN từ thứ hai trở đi. Hơn nữa, chủ đơn không cần phí thuê luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp ở từng nước được chỉ định trong trường hợp không có thông báo từ chối bảo hộ từ các nước đó. Chi phí dịch thuật, công chứng và các chi phí khác cũng được giảm thiểu tối đa, đồng thời tiết kiệm được thời gian theo đuổi đơn và quản lý quyền vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất tại một thời điểm và có một đăng ký quốc tế chung được quản lý tập trung.
Chính những lợi ích nêu trên của hệ thống La Hay là động lực chính thúc đẩy Việt Nam nộp Văn kiện gia nhập thỏa ước La Hay (Văn kiện Geneva 1999). Kể từ đây, Chủ sở hữu KDCN ở Việt Nam có cơ hội được bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia (tính đến ngày 15/9/2020 Văn kiện Geneva 1999 có 65 thành viên) trong đó có nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Singapore,…, từ đó có thêm cơ hội kinh doanh tại nhiều thị trường tiềm năng. Ngoài ra, việc gia nhập Thỏa ước La Hay không những đảm bảo cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mà còn góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời khuyến khích hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước./.