Thứ hai, 14/12/2020 15:47 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi phục vụ sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 4 triệu ha, trong đó diện tích chịu ảnh hưởng của lũ tiềm năng hàng năm lên tới trên 2 triệu ha (vào những trận lũ trung bình trở lên) phần thượng Đồng bằng và xâm nhập mặn vùng hạ Đồng bằng với tiềm năng cũng trên 2 triệu ha. Đồng bằng là một vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp (lúa, trái cây) và thủy sản (nước ngọt, lợ và mặn) với giá trị xuất khẩu các mặt hàng này cao nhất cả nước.


Chênh lệch mực nước lớn nhất tại các vị trí vùng ĐTM ứng với các kịch bản Nhóm 4- Lũ 2011

 

Trong hơn chục năm qua, diện tích lúa ở ĐBSCL không ngừng tăng lên theo sự hoàn thiện dần của công trình thủy lợi, trong đó sự gia tăng đáng kể là vụ lúa Thu-Đông, đạt đến khoảng 850.000 ha hàng năm, chủ yếu ở vùng lũ, còn trong các hệ thống ngọt hóa giữ ổn định, ít dao động hàng năm tùy theo nguồn nước.

Trong thời gian gần đây, do phát triển mạnh mẽ ở thượng nguồn Mê Công, nguồn nước trên đồng bằng đang có nhiều biến động nhất là lũ giảm mạnh (lũ vừa và nhỏ xảy ra thường xuyên hơn, chiếm đến trên 90% thời gian trên Đồng bằng), xâm nhập mặn thường xảy ra sớm;do đó vấn đề sản xuất nói chung và vụ Thu Đông nói riêng lại cần phải được cân nhắc kỹ hơn phù hợp với điều kiện hiện tại và trong tương lai, trong tổng thể hài hòa giữa các vùng trên đồng bằng, nhất là các vùng thượng (ngập lũ hàng năm) và vùng hạ ven biển (xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài).

Trên thực tế, do thời gian qua (từ 2003 đến nay) lũ về Đồng bằng nhỏ, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất trong mùa mưa lũ trên toàn Đồng bằng, và các địa phương đã tận dụng cơ hội này để phát triển lúa Thu Đông. Việc phát triển đê bao để sản xuất Thu Đông đã dẫn đến một sự chuyển đổi sản xuất trong vùng bao đê, trong đó mô hình sản xuất đa dạng với hiệu quả cao dần thay thế từng phần mô hình độc canh cây lúa, trong đó vùng Chợ Mới (An Giang) là một ví dụ. Thêm vào đó, điều kiện phát triển kinh tế xã hội được cải thiện rõ rệt, an toàn và chủ động hơn; theo đó hạ tầng nông thôn như đường xá, trường học, nhà trẻ, bệnh viện/trạm xá, khu dân cư được phát triển rất nhanh. Cơ hội đầu tư lớn đã được hình thành theo quá trình kiểm soát lũ, bao đê.

Việc gia tăng diện tích Thu Đông ở vùng lũ chủ yếu vẫn theo kế hoạch của địa phương, theo nguyện vọng của nhân dân, phần lớn nằm ngoài quy hoạch của nhà nước. Tuy vậy, việc gia tăng nhanh cũng đã kéo theo nhiều bất cập, chủ yếu hạ tầng thủy lợi, như đê còn chưa đủ vững ở một số vùng, trạm bơm còn thiếu và tạm bợ; đồng thời sinh ra những tác động đến các vùng khác như dâng nước ở một số vùng trên Đồng bằng, gia tăng dòng chảy ở một số cửa thoát lũ (Tiền Giang,...) và vài vấn đề về môi trường trong vùng bao đê.

Song song với quá trình phát triển đê bao, các quy hoạch và kế hoạch của nhà nước cũng đã được thiết lập, như quy hoạch lũ, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất lúa Thu Đông,... với mục đích là hỗ trợ và kiểm soát quá trình phát triển. Trên thực tế, các quy hoạch và thực tế sản xuất vẫn còn những khoảng cách rất lớn, nhất là việc phát triển vượt ra ngoài phạm vi quy hoạch. Sự bất cập này có thể nằm ở tính dự báo của các quy hoạch, trong đó các điều kiện tác động thay đổi quá nhanh, và cũng từ sự năng động vượt tầm kiểm soát của các địa phương. Cho đến lúc này, việc phát triển lúa Thu Đông như thời gian qua nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, vẫn chưa gây ra vấn đề gì lớn trên Đồng bằng. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Thủy Lợi miền Nam phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài GS.TS. Tăng Đức Thắng thực hiện đề tài.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1) Đã tính toán sự thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn thủy lực trên về Đồng bằng (trạm Kratie) theo số liệu phát triển lưu vực cập nhật đến 2016 làm cơ sở cho phân tích chế độ nước trên ĐBSCL cả mùa lũ lẫn mùa kiệt, làm tài liệu tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế trong tương lai; ứng dụng dự báo nguồn nước (dòng chảy và xâm nhập mặn);

2) Từ phân tích thay đổi dòng chảy thượng lưu, đã tính toán được mức giảm lũ về Đồng bằng (giảm gần một cấp), làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch và hạ tầng trên Đồng bằng trong thời gian tới.

3) Làm rõ thay đổi các yếu tố thủy văn thủy lực và dòng chảy lũ trên đồng bằng, trong đó luận giải sự thay đổi cấu trúc dòng chảy lũ tràn xuyên biên giới trên các vùng ĐTM;

4) Đã làm rõ thay đổi cấu trúc dòng chảy lũ vùng huyện Hồng Ngự - TP Hồng Ngự, lý giải tại sao xói lở kênh Hồng Ngự đã gia tăng trong thời gian qua;

5) Luận giải rõ cơ sở khoa học xây dựng cụm công trình kiểm soát ven sông Hậu (từ Châu Đốc về đến Long Xuyên), các tuyến tràn lũ dự phòng, tuyến thoát lũ Tứ Thường,... khi phát triển sản xuất quanh năm tối đa trên toàn Đồng bằng, được ứng dụng cho việc bố trí trong tổng thể phát triển TGLX, nhất là sản xuất vụ Thu Đông trong vùng này;

6) Bộ mô hình mô phỏng thủy lực và chất lượng nước (dựa trên phần mềm MIKE11, chất lượng nước) do đề tài xây dựng làm công cụ cho nghiên cứu đề tài và đào tạo cán bộ khoa học; sẽ được sử dụng trong các nghiên cứu trong tương lai;

7) Ý tưởng và cơ sở khoa học của giải pháp xây dựng các trạm bơm lấy nước ngọt trên vùng mặn được đề tài đề xuất đã và sẽ là giải pháp quan trọng về phát triển nguồn nước trong tương lai cho Đồng bằng, đã được ứng dụng cụ thể cho vùng Tiền Giang.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13859/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2455

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)