Chủ nhật, 16/08/2020 08:47 GMT+7

Các chương trình KH&CN đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong 10 năm qua, hơn 1100 đề tài dự án thuộc 6 chương trình KH&CN cấp quốc gia trực tiếp dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), gần 1500 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình trọng điểm, các nhiệm vụ độc lập phục vụ vùng DTTS&MN đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo vùng này.
Đó là những đánh giá chính về hiệu quả của KH&CN đối với phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS&MN trong Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MNgiai đoạn 2011-2020. Báo cáo đã được trình bày và thảo luận trong buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2011-2020, tổ chức ngày 14/8.
 
 
Các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc.
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, đã có 6 chương trình liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi như Chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, với 1115 đề tài, dự án KH&CN và 1483 nhiệm vụ. Sau 10 năm thực hiện, các chương trình và nhiệm vụ đã được triển khai đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các chương trình đã huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, gắn bó với thực tiễn của địa phương. Chẳng hạn, chỉ riêng chương trình Nông thôn miền núi đã giúp các địa phương tiếp nhận và làm chủ công nghệ nâng cao năng suất chất lượng lúa gạo; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap; phát triển các cây trồng đặc sản địa phương. Chương trình đã chuyển giao được trên 2300 lượt công nghệ mới, xây dựng được trên 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 3000 lao động thường xuyên và 9000 lao động thời vụ, đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 4000 cán bộ quản lý, tập huấn cho hơn 90.000 lượt nông dân.
 
Chính vì vậy, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa; cơ sở hạ tầng được tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
 
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những tồn tại trong việc ban hành chính sách cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện, cũng như những hạn chế trong hiệu quả của các đề tài, chương trình Khoa học và Công nghệ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ví dụ như, chưa có hệ thống văn bản riêng về hoạt động KH&CN phục vụ phát triển cho các vùng này nên việc thu hút nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp vào hoạt động KH&CN còn khó khăn; chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn nên nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu có xu hướng suy giảm về chất lượng; công tác triển khai ứng dụng, duy trì và nhân rộng mô hình vào thực tiễn sản xuất còn gặp khó khăn về vốn và nhân lực có trình độ kỹ thuật; việc tổ chức sản xuất tiêu thụ sản xuất chưa được phát triển theo “chuỗi”; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn thấp so với nhu cầu của hầu hết các địa phương trong cả nước…
 
Bởi vậy, Báo cáo đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều luật trong các Luật KH&CN số 29/2013/QH13 nhằm có các quy định đặc thù để phát triển khoa học và công nghệ phục vụ đồng bào dân tộc và vùng miền núi, đồng thời tiếp tục bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ.
 
Đại diện cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan luôn hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN trong nhiều chương trình, nhiệm vụ KH&CN cho vùng DTTS&MN, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT nhất trí cần có những chương trình KHCN riêng, đặc thù cho vùng này bởi “tiềm năng phát triển còn rất nhiều". Ông khẳng định, "dù khó khăn còn nhiều nhưng nếu có một chương trình riêng khai thác thì khu vực sẽ phát triển bền vững hơn” bởi vì "đây chính là nơi giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng" - hầu hết sản phẩm chủ lực, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu như cây ăn quả (60% diện tích tại các khu vực này), còn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như cà phê, chè, hồ tiêu, cao su, gỗ đều nằm ở vùng này 100%.
 
Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đánh giá Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra “sát và trúng” những vấn đề đang đặt ra cần khoa học và công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, bà cũng góp ý, "các nghiên cứu cho vùng này cần đặt định hướng ứng dụng nhiều hơn" và thực chất hơn, đề thực sự góp phần vào sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà cũng kiến nghị, cần hệ thống lại chặt chẽ các nội dung đề tài nghiên cứu về vùng dân tộc thiểu số và miền núi để có các đề tài nghiên cứu sâu, tránh sự trùng lặp, chồng chéo, gây lãng phí trong nghiên cứu.
 
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng góp ý, Báo cáo cần làm rõ, trong những mô hình khoa học công nghệ đưa vào vùng nông thôn miền núi 10 năm qua có những mô hình nào phù hợp và cần đánh giá cụ thể hơn việc triển khai khoa học công nghệ vào từng vùng cụ thể. Ông cũng chỉ ra những vấn đề cụ thể cho thấy rất cần áp dụng những mô hình phù hợp để giải quyết những bài toán thiết thực mà người dân đang cần, ví dụ như vùng dược liệu ở nhiều vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển rộng nhưng chưa gắn kết được với thị trường; các giải pháp cấp nước sinh hoạt ở vùng Tây Bắc được triển khai nhiều như khoan giếng, làm hồ treo nhưng hiệu quả còn ít, chưa đảm bảo được nhu cầu thực tế của đồng bào.
 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ lĩnh hội những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn giám sát để cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã giải quyết những bài toán khó khăn chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, chính sách KH&CN và nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, tuy nhiên khi đi vào cuộc sống thì vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan. Bộ sẽ có những xem xét, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung một số điểm trong Luật Khoa học và Công nghệ nhằm có những quy định đặc thù để phát triển KH&CN phục vụ kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hiệu quả hơn.
 

 
Ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội phát biểu tại buổi làm việc.
 
Phát biểu tổng kết lại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao các nội dung trình bày, thảo luận dù thời gian cho công tác chuẩn bị rất ngắn. Ông đánh giá, khối lượng đồ sộ các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhờ đó đã trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, “thay đổi bộ mặt” cho khu vực này trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của các chương trình cũng như cụ thể hóa rõ các nội dung luật sẽ sửa đổi để làm sao "rút ngắn được khoảng cách phát triển, đời sống, thu nhập cho đồng bào".
 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2722

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)