Thứ tư, 09/12/2020 17:12 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng thiết bị vận hành cống điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời

Chiều 4/12, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng diễn ra hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị vận hành cống điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời cho cống Bãi Vẹt (1 cửa) và cống Đông Cung (2 cửa)” do thạc sĩ Phạm Thị Ngoan, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ làm chủ nhiệm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Thanh Tùng chủ trì hội nghị.
 

Hiện công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quản lý 212 cống điều tiết nước trên toàn hệ thống phục vụ tưới - tiêu nước cho trên 32.000ha đất sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão cho lưu vực, ngăn xâm nhập mặn, cấp nước phục vụ sinh hoạt - sản xuất công nghiệp và cấp nước phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản… Trong đó, 140/140 cống dưới bờ Đa Độ được vận hành thủ công, chỉ có 20/72 cống dưới đê vận hàng bằng điện lưới. Tuy nhiên, việc vận hành cống thủ công tốn nhiều công sức, không đảm bảo trữ lượng và chất lượng nước trong hệ thống cũng như không đảm bảo thời gian tiêu thoát nước phòng chống thiên tai, bão lũ. Số lượng cống vận hành bằng điện lưới lại bộc lộ nhiều hạn chế như: chi phí kéo đường dây cung cấp điện cao do xa khu dân cư, chi phí điện cao, thường xuyên mất điện trong mùa mưa bão, cường độ dòng điện lớn gây nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng công nhân…

Nhằm khắc phục những thực trạng trên, thạc sĩ Phạm Thị Ngoan và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm tại thực nghiệm tại cống Bãi Vẹt (1 cửa, thiết bị nâng V3 - quay tay) và cống Đống Cung (2 cửa, thiết bị nâng V5 - quay tay), qua đó xây dựng hoàn thiện quy trình ứng dụng thiết bị vận hành cống điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời cho các hệ thống cống còn lại của công ty gồm: tính toán vận tốc nâng hạ cửa van trong các tình huống, lựa chọn động cơ, hộp giảm tốc, thiết kế bản mạnh điều khiển tự động, tủ điều khiển, tính toán điện năng tiêu thụ và lựa chọn pin năng lượng, hiệu chỉnh thiết bị, tích hợp điều khiển từ xa thông qua website, điện thoại, hệ thống camera giám sát.

Kết quả ứng dụng thiết bị tại 2 cống thể hiện các ưu điểm: Sử dụng 100% năng lượng tái tạo; vận hành tự động hóa bằng hệ thống điều khiển từ xa, cập nhật số liệu 24/7; dễ dàng chuyển đổi vận hành thủ công; chủ động, phù hợp với các điều kiện thời tiết không thuận lợi, không phụ thuộc vào nguồn điện lưới, an toàn điện và phòng chống cháy nổ; giải phóng sức lao động của công nhân, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động; giám sát vận hành theo thời gian thực; giảm chi phí quản lý, vận hành từ 10-20%; không tốn diện tích mặt đất.
 

Thành viên Hội đồng khoa học kiểm tra hệ thống tại cống Đống Cung.
 

Tại hội nghị, Hội đồng khoa học đánh giá cao khả năng ứng dụng, nhân rộng của đề tài vào thực tế công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy nông tại công ty nói riêng và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung; đồng thời đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu tích hợp khả năng tự động vận hành của hệ thống theo cảm biến mực nước, thời gian thực và các tình huống phát sinh…

Nguồn: Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 2838

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)