Thứ ba, 06/10/2020 10:51 GMT+7

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, bứt phá từ ý tưởng

Từ ngày 2 - 4/10, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam- VCIC” phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình huấn luyện cho các nhóm dự án vòng 2 chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020.

Cuộc thi "Khởi nghiệp Nông nghiệp" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam khởi xướng và tổ chức từ năm 2014 với sứ mệnh lan tỏa, thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên, tạo mô trường cho các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp để các em định hình được cho mình hướng đi, định hướng cho tương lại trong quá trình lập thân, lập nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tính mới của cuộc thì năm nay là tất cả các cá nhân, tổ chức, không giới hạn độ tuổi, khuyến khích tính mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ và khả năng thương mại hoá cũng như hướng tới thị trường quốc tế. Các đội thắng giải tiếp tục tham gia các giải thi quốc tế và tiếp cận các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 

Các diễn giả tham gia tọa đàm. 
 

Từ 2014 đến nay, chương trình đã thu hút gần 1.300 ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi đến từ các trường cao đẳng, đại học và nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, các dự án từ chương trình "Khởi nghiệp nông nghiệp" đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi "Khởi nghiệp quốc gia"; nhiều dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng; tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động ở các địa phương, tạo tiếng vang lớn trong xã hội.

Chương trình huấn luyện khởi nghiệp dành cho các dự án được lọt vào vòng 2 Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 có 8 chuyên đề khởi nghiệp gồm: Khởi nghiệp tinh gọn; Chia sẻ câu chuyện thành công với với doanh nghiệp VCIC; Vai trò của cơ sở dữ liệu công nghệ với việc phát triển sản phẩm mới; Marketting và định vị thương hiệu; Sức mạnh của bộ sản phẩm truyền thông; Mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường; Làm thế nào để có được một dự án suất sắc.

Trong khuôn khổ Chương trình huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp, vào chiều 2/10, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Giới thiệu cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ ươm tạo và chia sẻ câu chuyện thành công của một số doanh nghiệp VCIC”.

Chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp với các bạn học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Khắc Nhật - Đồng sáng lập Học viện Agile; Đồng sáng lập CodeGym cho biết: Startup đều bắt đầu từ những mục tiêu chưa thực sự rõ ràng, nguồn lực hạn chế, rủi ro cao khiến người sáng lập rất cô đơn trên con đường tìm kiếm bạn đồng hành, trong khi đó, bất cứ doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp cũng đều muốn tiến xa. Vậy để các Startup có thể tiến xa thì mỗi người cần phải có những kỹ năng nhất định. Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là bước đệm quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lí do ngoài ý muốn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường làm giàu của mình đó là bản thân bạn phải có sự sáng tạo vượt bậc. Bởi vì chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ, chỉ có sự sáng tạo hơn người mới có thể giúp bạn nhìn thấu toàn bộ thị trường hiện tại, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Kế hoạch này không nhất thiết phải bao gồm những ý tưởng kinh doanh chưa ai biết đến hay ý tưởng mới hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, mà nó phải tạo nên sự đột phá và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn.

Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho bạn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới – mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.

Một trong những yếu tố quan trọng khác khi bạn muốn khởi nghiệp đó là vốn khởi nghiệp kinh doanh. Đây là nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là đòn bẩy cho sự thành công của bạn. Tuy nhiên, nhiều bạn quên đi điều cốt lõi rằng khởi nghiệp cũng tương tự như bất kỳ nghề nghiệp nào, đều phải bắt đầu từ việc có tư duy đúng đắn và được đào tạo bài bản để có kiến thức, kỹ năng làm nghề.

Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm chị Nguyễn Phương Thảo - đồng sáng lập Công ty Cổ phần Nguyên Khôi Xanh cũng đã chia sẻ về sự thành công của mình trên con đường khởi nghiệp. Chị Thảo cho biết, Công ty thời gian vừa qua đã tập trung vào việc tạo ra thực phẩm hữu cơ không gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là những mục tiêu mà chị Nguyễn Phương Thảo hướng tới trong việc nghiên cứu và triển khai “Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu”. Với mô hình này chị Thảo đã nhận được giải thưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019 do VCIC phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Sau hơn hai năm xây dựng, mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín của Nguyên Khôi Xanh đã cung cấp nhiều loại thực phẩm theo hướng hữu cơ ra thị trường bao gồm: Thịt lợn trắng, lợn rừng, gà, vịt, trà hoa hồng và các loại hoa khác. Ðể sản phẩm có chất lượng cao, mô hình luôn tạo cho vật nuôi, cây trồng sức đề kháng tự nhiên khỏe mạnh từ việc sống trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất. Về thức ăn, người sản xuất đã phối trộn thức ăn tự nhiên theo tỷ lệ khoa học được ủ chín bằng men vi sinh, kết hợp một số loại thảo dược được trồng trong trang trại. Điều đặc biệt, sản phẩm của Nguyên Khôi Xanh đã được thị trường chấp nhận và trở thành nhà cung ứng uy tín chon các chuỗi siêu thị cao cấp ở Hà Nội và TP. HCM.
 

Ông Phạm Đức Nghiệm –Giám đốc Ban QLDA VCIC và ông Nguyễn Tất Thắng – Trưởng BTC Cuộc thi trao chứng nhận cho học viên. 
 

Tham gia chương trình chia sẻ câu chuyện thành công, ông Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA cho biết: “Thông qua các chương trình do VCIC tổ chức, chúng tôi đã được nhận hỗ trợ tại các buổi tập huấn về xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp tinh gọn, tuyên bố giá trị và định vị thị trường, quy trình công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu, bằng sáng chế; thương mại hóa công nghệ. Nhất là việc hỗ trợ gọi vốn cho các công ty khởi nghiệp. Đó là những hỗ trợ rất thiết thực đối với những startup như chúng tôi. Sự hỗ trợ này tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó mọi người có thể thấy rằng sản phẩm của mình là hữu ích”.

Ông Phạm Đức Nghiệm – Giám đốc VCIC chia sẻ: “Trong 5 năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, VCIC đã xây dựng được mối quan hệ đối tác với các tổ chức, hiệp hội đầu tư, xúc tiến thương mại quốc tế như Hàn Quốc, Úc, Hà Lan, Đan Mạch,… và các nhà đầu tư tư nhân uy tín trong nước. Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức chính là nhiệm vụ cốt lõi của VCIC, đồng thời chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới triển khai chương trình VCIC Connect – chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường quốc tế nhằm mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Nhiều công ty đã nhận được sự hỗ trợ của VCIC như hỗ trợ về tập huấn các khóa đào tạo liên quan đến xây dựng mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ về tư vấn phát triển công nghệ, kết nối chuyên gia, truyền thông và xúc tiến đầu tư, xây dựng kênh bán hàng,… mở ra những cơ hội hợp tác đa phương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Nghiệm đã chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam gặp phải. Theo ông Nghiệm, hiện nay khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang gặp đó là chính sách chưa đồng bộ, thiếu chính sách thu hút nguồn lực từ xã hội, sự tham gia của các chủ thể, trường đại học, viện nghiên cứu còn rất hạn chế. Chính sách hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, các cá nhân, đầu tư thiên thần cần phải được cụ thể hóa trong các quy định chuyên ngành về tín dụng và đầu tư. Các nước phát triển đều có chính sách riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng ở Việt Nam đang áp dụng chung và nhiều thủ tục rườm rà.

Bên cạnh đó, khó khăn về chuyên gia, mạng lưới chuyên gia đỡ đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa được hình thành. Doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ cần tiền mà rất cần các dịch vụ hỗ trợ về tri thức và chuyên gia. “Được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, VCIC đang xây dựng và sớm đưa vào vận hành hệ thống kết nối chuyên gia phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam”.

“Ý tưởng, tiền là quan trọng nhưng dám ước mơ, có tinh thần quyết tâm đi đến cùng để biến ý tưởng, giấc mơ thành hiện thực thì các bạn trẻ mới có thể khởi nghiệp thành công”, ông Phạm Đức Nghiệm khẳng định.

Kết thúc chương trình đào tạo, ông Nguyễn Tất Thắng và ông Phạm Đức Nghiệm đã trao giấy chứng nhận và chúc mừng các thí sinh đã hoàn thành xuất sắc chương trình huấn luyện. "Chúc các thí sinh chuẩn bị tốt hồ sơ dự án và các kỹ năng cần thiết để tham dự đêm chung kết cuộc thi được tổ chức vào 28 tháng 10 tới đây. Hy vọng từ bệ phóng này sẽ có nhiều ý tưởng lớn khai phóng được tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó góp phần thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu", ông Phạm Đức Nghiệm chia sẻ thêm khi phát biểu tổng kết chương trình huất luyện.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-nong-nghiep-but-pha-tu-y-tuong-d179211.html

Lượt xem: 2157

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)