Thứ tư, 02/12/2020 23:41 GMT+7

Gạo Điện Biên trên con đường khẳng định thương hiệu

Từ lâu, gạo tám Điện Biên đã nổi danh khắp tứ phương và trở thành một loại đặc sản của vùng núi Tây Bắc. Điểm chung rất đặc biệt của hai loại gạo nếp nương và tám Điện Biên là không phải chỉ khi nấu thành cơm mới có mùi thơm nức mũi mà từ khi còn là hạt gạo đã mang trong mình một mùi hương thoang thoảng. Hạt gạo quý có chất lượng cao như vậy là do đất đai nơi đây màu mỡ, mang nhiều chất dinh dưỡng của núi cao khắp nơi chảy vào thung lũng Mường Thanh, nhờ đó mà tinh túy đất trời hội tụ trong từng cây lúa, hạt gạo.

Khi chỉ dẫn địa lý bị “mượn danh”

Ngày 25/9/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Theo đó, các khu vực được đăng bạ chỉ dẫn địa lý gồm: 05 xã, phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ (Thanh Minh, Nam Thanh, Thanh Trường, Him Lam, Noong Bua); và 10 xã thuộc huyện Điện Biên (Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứt, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luông), cho hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7.



Logo chỉ dẫn địa lý gạo tám Điện Biên

 

Tuy nhiên, sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” từ khi được bảo hộ đến nay còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển giá trị. Công tác quản lý CDĐL sau khi được cấp giấy chứng nhận còn gặp nhiều khó khăn và chưa đưa vào thực tiễn. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên, tính đến đầu năm 2018, chưa có một tổ chức, cá nhân nào đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biện mặc dù UBND tỉnh cũng đã có nhiều quyết định ban hành, công văn thông báo về chỉ dẫn địa lý Điện Biên được bảo hộ. Bên cạnh đó, hiện nay, cơ cấu giống lúa đã có nhiều thay đổi, diện tích trồng giống được xác định CDĐL là Bắc Thơm số 7 và IR64 đã giảm mạnh so với những năm trước do người dân vẫn chạy theo các giống lúa mang lại năng suất cao, chất lượng tốt tuy nhiên do thiếu tính ổn định nên chỉ sau vài năm các giống lúa này thoái hóa, gây ảnh hưởng lớn đến thổ nhưỡng.

Việc hiểu biết, nắm bắt thông tin về sở hữu trí tuệ và sản phẩm gạo Điện Biên được xác lập quyền của các hộ canh tác lúa, các hộ xay sát và kinh doanh gạo nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý còn hạn chế. Tìm trên google cụm từ khóa Gạo Điện Biên, rất dễ để nhận thấy sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” vẫn chưa được tận dụng hết giá trị và phát triển như kỳ vọng. Tình trạng xâm phạm quyền vẫn diễn ra phổ biến của các nhà sản xuất, thu mua, chế biên, kinh doanh gạo Điện Biên.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý tại Điều 129, theo đó, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý gồm: Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý; Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó.



Hình ảnh tìm kiếm trên Google

 

Chỉ dẫn địa lý chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến khiến cho danh tiếng của sản phẩm không được nhiều người tiêu dùng biết đến, gây nhầm lẫn thậm chí còn có những cái nhìn sai lệnh về sản phẩm địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, tiêu thụ dựa vào thương lái, chưa có hệ thống bài bản cùng với việc "bị" mượn danh, khiến thương hiệu gạo vẫn "nhạt nhòa" trên thị trường. Theo khảo sát thực tế có đến hàng trăm đơn vị trong và ngoài tỉnh giới thiệu và bán sản phẩm gạo Điện Biên với nhiều chủng loại với nhiều mức giá. Đặc biệt theo như Quyết định công nhận chỉ dẫn địa lý Gạo Điện Biên chỉ dùng cho sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 và IR 64, nhưng trên thị trường lại dùng cho rất nhiều chủng loại gạo khác nhau và đều cam kết là gạo Điện Biên với tên “Tám Điện Biên”, “Séng Cù Điện Biên”,… một số đơn vị còn ghi rõ thông tin về việc gạo Điện Biên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, một số nơi giá gạo còn rẻ hơn so với giá bán ở nơi sản xuất. Dẫn đến, sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng, mai một và giảm uy tín danh tiếng sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cả người sản xuất và kinh doanh sản phẩm CDĐL “Gạo Điện Biên”.


Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp vào cuộc

Ngày 30/6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký hợp đồng giao chủ trì thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Gạo Điện Biên” của tỉnh Điện Biên” với Trung tâm Nghiên cứu Đất và phân bón vùng trung du, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của dự án là thiết lập và vận hành mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên qua đó đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm.

Ngày 06/7/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-SKHCN Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Theo đó Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” đối với sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 sản xuất tại xã Thanh An - huyện Điện Biên và tham gia mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên của dự án với quy mô 50ha.



Mô hình sản xuất của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green

 

Mục tiêu thống nhất triển khai mô hình liên kết sản xuất và phát triển trong vùng CDĐL gạo Điện Biên theo chuỗi khép kín từ khâu trồng lúa, thu hoạch và bảo quản, xay sát, đóng gói sản phẩm, kiểm soát đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đưa ra thị trường tới người tiêu dùng. Dự án đã góp phần nâng cao công tác xây dựng và triển khai hệ thống các công cụ quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên đối với CDĐL, xây dựng và triển khai hệ thống thương mại hóa sản phẩm, tổ chức kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm mang CDĐL gạo Điện Biên.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên đã có Công văn số 406/SKHCN-SHTT ngày 8/6/2020 về việc phối hợp thực hiện quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo của tỉnh Điên Biên và Công văn 421/SKHCN-SHTT ngày 15/6/2020 về việc đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo IR64 và Bắc thơm số 7 của tỉnh Điện Biên.

Nội dung của 02 công văn công bố quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo đối với Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và thông báo cho các tổ chức, cá nhân suất kinh doanh gạo mà chưa được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì chỉ được sử dụng chữ “Điện Biên” trong phần xuất xứ hàng hóa của nhãn hàng hóa được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (ví dụ: sản xuất tại cánh đồng Mẫu Lớn, HTX Thanh Yên, Huyện Điện Biên, Tỉnh Điện Biên). Việc sử dụng “Điện Biên” trên nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho khách hàng là vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Theo chia sẻ của bà Hoàng Hiên – người sáng lập và Giám đốc Công ty Safe Green, sản phẩm khi đưa ra thị trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, giá bán của sản phẩm gạo mang CDĐL “Điện Biên” đã tăng giá 20-30%, trước khi chưa tham gia mô hình chuỗi giá trị thì giá bán bằng các cơ sở sản xuất kinh doanh khác từ 20.000-23.000 đồng/kg tùy vụ. Sau khi tham gia sản xuất và áp dụng quy trình thì giá bạn hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg. Giá thu mua thóc cam kết với các hộ nông dân tham gia chuỗi cao hơn thị trường từ 10-15%. Công ty cũng nhận được một số lời đề nghị từ các nhà xuất khẩu.



Sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”

 

Hiện nay chuỗi liên kết hoạt động tương đối ổn định, nhận thức nông dân cũng thay đổi theo hướng tích cực, cùng đồng hành với doanh nghiệp theo hướng bền vững. Tuy vẫn còn rất nhiều vấn đề, rất nhiều khó khăn vướng mắc, cần phải có sự chung tay vào cuộc từ tất cả mọi người, từ người tiêu dùng, người nông dân, các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính quyền các cấp,… và đặc biệt là từ chính những doanh nghiệp, tổ chức tập thể sản xuất kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Nhưng chúng ta hi vọng một tương lai không xa, sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” có thể phát huy và nâng cao chất lượng, danh tiếng, giá trị truyền thống, để gạo Điện Biên không chỉ là một sản phẩm đặc sản gắn với địa danh mà còn là một thương hiệu, một giá trị văn hóa, du lịch gắn với vùng đất lịch sử, là niềm tự hào của người dân Điện Biên nói riêng và của cả Việt Nam nói chung./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2894

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)