Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP Thu Giang
Đó là ý kiến của ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức sáng 25/11.
Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng ngành công nghiệp vật liệu có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, các loại vật liệu sản xuất trong nước chưa thực sự trở thành nguồn nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành công nghiệp sản xuất, cũng như chưa đáp ứng được các mục đích sử dụng khác cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay Đảng ta chưa có một nghị quyết hoặc kết luận tổng thể lãnh đạo về phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu.
Từ đó, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị ban hành các quyết sách lãnh đạo phát triển ngành công nghiệp vật liệu đất nước trong thời gian tới.
Giải bài toán khó
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, khi thị trường thế giới có biến động, như đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn.
“Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường. Tuy nhiên cần phải có tổ chức và cách làm phù hợp”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Nước ta có tài nguyên phong phú, nhưng tài nguyên phải được khai thác đúng đắn. KHCN trước hết cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên nước ta sẵn có. Nước ta có trữ lượng bauxite, volfram, titanium… rất lớn, nhưng phải tìm ra công nghệ khai thác và chế biến hiệu quả hơn thì mới có thể phát huy, làm giàu cho quốc gia.
Nước ta không có lợi thế để trồng bông, nhưng ngành dệt may dù phải nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn đang có lợi thế cạnh tranh khi giá nhân công còn rẻ. Về lâu dài, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ mất dần. Ngành cần phải tìm ra các loại nguyên liệu thay thế cạnh tranh từ nguồn thực vật phong phú của xứ sở nhiệt đới.
Trong khi nhiều loại nông sản của nước ta xuất thô hoặc mới chỉ qua sơ chế, phần lớn vật tư như phân bón, nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả của ngành. Như vậy, phải chăng KHCN cũng cần phải chú trọng nghiên cứu phát triển vật liệu phục vụ ngành lợi thế của đất nước.
Theo ông Cao Đức Phát, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho KHCN, trong đó có KHCN về công nghiệp vật liệu. Tuy nhiên, cần bàn về cơ chế và chính sách để nguồn lực của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả hơn. Cần có cơ chế để phát triển và phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học ở các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh quốc gia bền vững.
Sức mạnh ấy phải được xây dựng trên nền tảng phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nước, đồng thời tiếp thu và phát triển tri thức của thế giới cho phù hợp với điều kiện của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP Thu Giang
KHCN: Khâu theo chốt để phát triển công nghiệp vật liệu
Nhấn mạnh việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.
Hiện nay, năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế do đó phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vật liệu gang chế tạo đạt dưới 30%; vật liệu nhôm, vật liệu đồng khoảng 5%; hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi...
Trong hoạt động khoa học và công nghệ, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là hướng nghiên cứu ưu tiên, được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết số 20- NQ/TW; Quyết định 418/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020...
Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực công nghiệp vật liệu nói riêng.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển riêng về vật liệu đã có 16/58 công nghệ ưu tiên (chiếm 27,5% tổng số) và 19/114 nhóm sản phẩm (chiếm 16,6% danh mục sản phẩm khuyến khích phát triển).
Trong hoạt động nghiên cứu, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và công nghệ tự động hoá. Từ năm 2001 đến nay, Bộ KH&CN đã bố trí riêng 01 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác.
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN còn quan tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp vật liệu thông qua hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Giai đoạn 2011-2020 đã công bố 2.069 TCVN với tỉ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế xấp xỉ 72%, 50 QCVN; đã có 6.031 bằng độc quyền sáng chế; 348 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 20.705 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong lĩnh vực vật liệu…
Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN), hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực vật liệu đang gặp phải một số tồn tại, hạn chế như: Đa số các kết quả nghiên cứu mới dùng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia có vai trò dẫn dắt thị trường; một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ; không ít các sản phẩm nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn về ứng dụng và phát triển sản phẩm….
Dẫn kinh nghiệm của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn coi trọng phát triển công nghiệp vật liệu, ông Nguyễn Đình Hậu đề xuất Đảng, Nhà nước cần khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp vật liệu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là kim chỉ nam, là cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vật liệu.
Đồng thời tiếp tục dành sự ưu tiên trong phát triển KHCN nói chung, KHCN lĩnh vực vật liệu nói riêng, coi đây là khâu theo chốt để phát triển công nghiệp vật liệu; nghiên cứu làm chủ công nghệ, tạo ra các chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất vật liệu; tăng cường tiềm lực KHCN cho các tổ chức, doanh nghiệp…
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Can-them-cac-quyet-sach-ve-KHCN-phat-trien-cong-nghiep-vat-lieu/415096.vgp