Ngày 30 tháng 9 năm 2019 Việt Nam đã nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) theo Văn kiện Geneva 1999 và Thỏa ước La Hay chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019, đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế KDCN (gọi tắt là Hệ thống). Kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2019, các cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam thông qua Hệ thống, đồng thời, các cá nhân, tổ chức trong nước cũng có thể sử dụng Hệ thống để đăng ký bảo hộ KDCN tại các nước là thành viên của Thỏa ước La Hay. Lợi ích của việc sử dụng Hệ thống này là giúp việc đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia trở nên đơn giản và tiết kiệm do chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong đó chỉ định tới các nước mà người nộp đơn mong muốn KDCN của mình được bảo hộ mà không phải nộp từng đơn riêng lẻ đến từng quốc gia. Người nộp đơn chỉ cần khai một bộ hồ sơ duy nhất bằng một trong ba ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, nộp các khoản phí đăng ký một lần bằng một loại tiền tệ duy nhất (đồng tiền Franc Thụy Sĩ - CHF).
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN hoặc có quan tâm đến đăng ký bảo hộ KDCN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh xu thế tất yếu của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ KDCN nói riêng tại nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là các hoạt động thương mại quốc tế ngày càng trở nên sôi nổi. Đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam bảo vệ thành quả sáng tạo của mình liên quan đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm nhờ đó gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các báo cáo viên từ Phòng Hợp tác quốc tế và Trung tâm Thẩm định KDCN của Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày những vấn đề tổng quan và chuyên sâu về Hệ thống La Hay, trong đó có thực tiễn quốc tế sử dụng Hệ thống, các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay, thẩm định đơn đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam, chuẩn bị hồ sơ đơn đăng ký quốc tế KDCN, cách thức nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay.
Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất trong hội thảo là các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay. Những tuyên bố này đã được Việt Nam đưa ra trong Văn kiện gia nhập, nhằm mục đích bảo lưu những quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam có sự khác biệt với các quy định của Văn kiện Geneva 1999. Trong tương lai, những tuyên bố này có thể được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với quá trình phát triển của xã hội và sự thay đổi của pháp luật quốc gia.
Cách thức nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN qua Hệ thống La Hay cũng là một nội dung được các đại biểu quan tâm trao đổi. Khác với hệ thống Madrid cho đăng ký nhãn hiệu quốc tế, người nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN qua Hệ thống La Hay không cần nộp đơn quốc gia trước đó. Đơn có thể được nộp trực tiếp đến trụ sở của Văn phòng quốc tế hoặc nộp trực tuyến qua hệ thống nộp đơn điện tử của WIPO. Ngoài ra, người nộp đơn cũng có thể lựa chọn hình thức nộp đơn gián tiếp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò trung gian tiếp nhận và gửi hồ sơ đơn của người nộp đơn Việt Nam tới Văn phòng quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện sở hữu công nghiệp cũng rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho các báo cáo viên về quy trình thẩm định đơn đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam, đặc biệt là cách thức, thời hạn phản hồi Thông báo từ chối bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Toàn cảnh hội thảo
Thông qua Hội thảo, các đại biểu tham dự đều nhận thức rõ về lợi ích của Hệ thống La Hay và việc Việt Nam gia nhập Hệ thống La Hay đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn trong nước và quốc tế trong việc đăng ký bảo hộ KDCN. Các đại biểu cũng hiểu rõ hơn quy trình, thủ tục, cách thức chuẩn bị và nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN, từ đó có thể tận dụng tối đa các tính năng ưu việt của Hệ thống và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình./.