Đổi mới sáng tạo - động lực giúp DN tăng trưởng
Theo TS Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, năng suất của nền kinh tế có 3 yếu tố chính là năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp). TFP cũng chính là những đóng góp từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào năng suất. Thời gian qua, khi mà dư địa để tăng năng suất từ năng suất lao động và năng suất vốn không còn nhiều, việc tăng TFP chính là động lực để thúc đẩy tăng năng suất trong doanh nghiệp (DN) cũng như năng suất của nền kinh tế nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch tổng thể quốc gia thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là yếu tố giúp tăng cường giá trị, tăng TFP trong nền kinh tế Việt Nam.
“Hiện nay Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, giúp cho Bộ xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Và theo nhiều nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế thì hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện nay đang là một trong những động lực để nâng cao năng suất, hướng các quốc gia tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng đã dịch chuyển trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo từ viện trường sang DN, đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nói.
TS Hà Minh Hiệp cho biết, hiện Việt Nam có 4 nhóm DN đang là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: DN có quy mô lớn; nhóm DN nhỏ và vừa; DN công nghệ và công nghệ cao; DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hiện Tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới đã phát triển các công cụ, hệ thống để giúp quản lý, khuyến khích hệ thống đổi mới sáng tạo trong DN. Tổng cục TCĐLCL cũng đã báo cáo Bộ KH&CN xuất bản nghiên cứu và các tài liệu hướng dẫn giúp DN thực hiện việc quản lý đổi mới sáng tạo.
TS Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.
Tích cực hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất
Về những kết quả đã đạt được, TS Hà Minh Hiệp cho biết, thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã xây dựng một hệ thống, mô hình để hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới tổ chức quản lý, đổi mới tiếp thị thông qua các chương trình, dự án, quỹ tài trợ của Bộ KH&CN.
Trong đó, có rất nhiều DN nhỏ và vừa đã được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ này. Đặc biệt, nhiều chuyên gia quốc tế của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) mà Việt Nam là thành viên đã tham gia tích cực hỗ trợ cho các DN trong việc đổi mới tổ chức quản lý. Về hoạt động đổi mới sản phẩm của DN , theo khảo sát từ dự án First của Bộ KH&CN, có một tín hiệu rất đáng mừng là 85% DN của Việt Nam đã tự thực hiện các hoạt động đổi mới sản phẩm, thể hiện sự chủ động rất cao từ phía cộng đồng DN. TS Hiệp cho rằng, cần có cơ chế chính sách để đưa các hoạt động đổi mới sáng tạo từ các viện trường kết nối với DN để DN được sử dụng những kết quả này. TS Hiệp cũng nêu một ví dụ điển hình là tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, thông qua việc đổi mới công nghệ sản phẩm đèn Led đã giúp tăng 59% năng suất lao động, áp dụng mô hình sang các dây chuyền khác giúp tăng năng suất từ 10 đến20%...
Cũng theo TS Hiệp, Tổng cục TCĐLCL đã triển khai hệ thống tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn (các công cụ cải tiến năng suất như Balance Score Card, LEAN, TPM, 6 Sigma, KPI, TQM, CRM, Kaizen, KSS, Visual Management) để giúp DN nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN trong 10 năm qua đã có chương trình nâng cao năng suất chất lượng cho DN (Chương trình 712) để giúp DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa được phổ biến, cập nhật các hệ thống tiêu chuẩn cũng như các công cụ quản lý.
“Tháng 8/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung đào tạo coaching tại DN để hướng dẫn cụ thể cho DN, hướng tới các công cụ, giải pháp chuyển đổi số”- TS Hiệp nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết thêm, trên tinh thần chỉ đạo của Bộ KH&CN, từ năm 2019, Tổng cục TCĐLCL đã có đề nghị APO giúp Việt Nam xây dựng một chương trình, kế hoạch thúc đẩy năng suất quốc gia. Tại Hội nghị hồi tháng 6/2019, đại diện Tổng cục cũng đã nêu đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10/2020, TS Hà Minh Hiệp cho biết, kế hoạch tập trung vào 4 trụ cột lớn gồm: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước, hệ thống giáo dục, đào tạo và mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia với DN nội địa.
Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng nêu ra 4 trụ cột chính nhằm nâng cao năng suất chất lượng của Việt Nam, gồm: nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tăng năng suất; nâng cao vai trò dẫn dắt thúc đẩy năng suất của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước; phát triển nguồn nhân lực cho các hoạt động nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN nhỏ và vừa.
Riêng về trụ cột nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN nhỏ và vừa, cần tăng cường phổ biến công nghệ tiên tiến trên thế giới, phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam; Nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận để tạo độ tin cậy của chất lượng sản phẩm; Cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc liên kết được với các tập đoàn đa quốc gia.
Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN thông qua đào tạo bồi dưỡng nghề/đào tạo lại người lao động; thông qua các tổ chức tư vấn, hỗ trợ (như Viện năng suất Việt Nam) xây dựng các chương trình nâng cao năng lực quản trị chung để DN tăng khả năng hấp thụ công nghệ.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/bon-tru-cot-chinh-nham-nang-cao-nang-suat-chat-luong-cua-viet-nam-d181068.html