Ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc về sự phối hợp của UBND TP Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ. Buổi làm việc có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo các bộ, sở, vụ hai đơn vị.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ điều hành buổi làm việc. Ảnh: MH.
Bí thư Thành uỷ nêu những điểm cần hai bên thảo luận, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách khoa học công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô. Làm thế nào để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, trong đó tập trung vào các giải pháp đồng bộ tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ; các giải pháp thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về khoa học công nghệ... Mục tiêu để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
Trong báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nêu tại buổi làm việc, ngoài các kết quả đã đạt được, ông nhấn mạnh mục tiêu Hà Nội phát triển để trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Hà Nội là nhóm đi đầu trong các nghiên cứu cơ bản về khoa học máy tính, vật liệu mới, y học và toán, vật lý... Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, sau 5G...
Để làm được, có 8 kiến nghị Hà Nội đề xuất tới Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh chính sách tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung vào việc nghiên cứu. Bộ hỗ trợ để Hà Nội xây dựng "Mạng lưới sáng kiến"; chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ phục vụ hoạt động khoa học của thành phố và phát triển Sàn giao dịch công nghệ... Ông Quý cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn giao quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học sử dụng vốn nhà nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ luôn đồng hành cùng Hà Nội tìm giải pháp, có hành động cụ thể để khoa học và công nghệ Thủ đô đột phá, trở thành đầu tàu cả nước. "Bộ sẽ chung sức với Hà Nội, hoạch định chiến lược dài hạn, cùng phối hợp chỉ đạo điều hành, tháo gỡ chính sách, tạo các cơ hội, giải pháp thông qua đó tác động tới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với các mục tiêu Thành ủy đặt ra, trong đó Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đây cũng là mục tiêu và trách nhiệm của khoa học công nghệ", ông Chu Ngọc Anh nói.
Trước 8 kiến nghị của thành phố, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có chương trình hành động cụ thể. Trước mắt tập trung chương trình trọng điểm về doanh nghiệp và sản phẩm. "Mạng lưới sáng kiến Hà Nội" sẽ được tập trung để xây dựng trong cuối năm 2020.
Nhìn vào tiềm lực, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hàng nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiềm năng. So sánh với các kết quả đạt được, ông Vương Đình Huệ cho rằng có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực vốn có. Vì vậy ông Huệ muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Hai bên sẽ hợp tác tập trung vào tham vấn đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm triển khai cơ chế đặc thù, cần sớm hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia khoa học công nghệ đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ của Thành phố. Ông cũng đặt hàng trong tháng 10/2020 có thể ra mắt "Mạng lưới sáng kiến Hà Nội".
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/ha-noi-se-tro-thanh-trung-tam-khoa-hoc-hang-dau-dong-nam-a-4130398.html