Thứ tư, 23/09/2020 11:54 GMT+7

Việt Nam có lợi thế ứng dụng AI trong y tế

Ba điểm mạnh để Việt Nam ứng dụng AI đó là: đội ngũ triển khai các sản phẩm ứng dụng mạnh, dữ liệu y tế sẵn sàng và nhu cầu thực tế lớn.

Thông tin được chuyên gia chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến sáng 23/9, tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia KC 4.0 cùng đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp... Ngoài đầu cầu tại Bộ Khoa học và Công nghệ, sự kiện còn kết nối các chuyên gia tại Australia.
 

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Giang Huy.
 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" ở các lĩnh vực trong cuộc sống. Với lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này được phân tích dựa trên các thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.

Theo Thứ trưởng, tọa đàm được tổ chức với mong muốn kết nối các nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của những người làm công nghệ thông tin với y tế và ngược lại các bác sỹ, người làm trong ngành y quan tâm đến ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn vào việc khám, chữa bệnh.

Ông cũng kỳ vọng thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện sẽ tập trung kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam, Australia và tạo điều kiện hình thành nhiều dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

"Cuối năm 2020 chúng ta vẫn còn ở trong Covid-19, việc ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số càng có ý nghĩa hơn đối với việc phòng, chữa bệnh, giúp doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau đại dịch", ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Sau phần phát biểu của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, các diễn giả đã có bài trình bày làm rõ vai trò của AI trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tiến sỹ David Hansen, Giám đốc nghiên cứu,Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử - CSIRO chia sẻ, việc ứng dụng y tế số giúp thúc đẩy dịch vụ y tế hiệu quả hơn.

Ông cho biết, Trung tâm y tế số của Australia đang tập trung vào ba lĩnh vực nghiên cứu, gồm: y sinh (đây là những nghiên cứu lâm sàng kinh điển dựa trên kiểu gene, hình ảnh lâm sàng); dữ liệu khoa học, hồ sơ, bệnh án; các báo cáo về hình ảnh lâm sàng, cận lâm sàng và dịch vụ y tế.

AI được ứng dụng trong các nghiên cứu về tế bào, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ví dụ các công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy có thể hỗ trợ công cụ phân tích dữ liệu thông minh. Hệ thống sẽ tích hợp dựa trên kho dữ liệu lớn, cung cấp hình ảnh lâm sàng cho bác sĩ giúp bác sĩ phân tích, đưa ra các chẩn đoán nhanh chóng. Các bác sỹ cũng có thể dựa trên hệ gene, sử dụng thuật toán để thấy được diễn biến mô hình bệnh, chỉ thị sinh học, các thông tin trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, nghiên cứu để phân tích hình ảnh trên não bộ, xử lý dữ liệu về ung thư...

Những ví dụ thực tế được Tiến sỹ David Hansen minh họa cho thấy, AI thực sự là công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu thông minh, giúp các bác sỹ thực hiện tốt hơn công việc khám, điều trị bệnh.

Chung quan điểm này, PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi trung ương,Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, người có nhiều năm nghiên cứu, đã chỉ ra tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyên ngành lao và bệnh phổi.

PGS Nhung phân tích căn nguyên khiến các bệnh nhân bị nhiễm bệnh lao, phổi và chiến lược chấm dứt bệnh lao của quốc gia đến năm 2030. Căn nguyên của đích đến này là phải phát hiện bệnh sớm và việc chấm dứt bệnh lao là có thể nếu áp dụng các công nghệ hiện đại. "Có bằng chứng cho thấy Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao. Nếu áp dụng các công nghệ hiện đại chúng ta có thể giảm tới 70% trong vòng 4 năm can thiệp", ông nói và cho biết còn 10 năm nữa để Việt Nam có thể đạt mốc chấm dứt bệnh lao. Điều kiện cốt yếu là cần áp dụng công nghệ đó là dữ liệu lớn, X-quang, trí tuệ nhân tạo...

Theo đó AI sẽ hỗ trợ trong sàng lọc X-quang lao phổi, dự báo dịch tễ học không gian, hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị, hỗ trợ quản lý tác dụng phụ của thuốc... Đích đến cuối cùng là phát hiện sớm và điều trị dứt điểm, giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
 

PGS Nguyễn Viết Nhung kỳ vọng các ứng dụng AI sẽ hỗ trợ chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: Giang Huy.
 

Ở góc nhìn của người phát triển công nghệ, Tiến sỹ Bùi Đức Toàn, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại VinAI Research cho biết, AI sẽ hỗ trợ tích cực trong phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm.

Đơn cử như việc phân tích não trẻ em của trẻ 6 tháng tuổi. Đây là bài toán khó vì độ tương phản giữa các vùng não để nhận ra các khối u não của trẻ nhỏ khó hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Tuy nhiên AI sẽ giúp khôi phục ảnh bị thiếu, tận dùng hình ảnh của độ tuổi lớn hơn, bổ trợ và cung cấp ngược lại cho độ tuổi này để bác sỹ có chẩn đoán nhiều bệnh, chính xác.

Khả năng nâng cao chất lượng ảnh y tế cũng được đơn vị này ứng dụng trong Covid-19 đối với hình ảnh Xray từ thiết bị cầm tay CXR (được sử dụng để phát hiện Covid-19 trong giai đoạn sớm). VinAI đã xây dựng phương pháp nâng cao hình ảnh Xray từ ảnh thu được trên thiết bị cầm tay CXR, bổ sung, khôi phục thông tin thiếu trong ảnh để cung cấp thông tin giúp bác sỹ chẩn đoán tốt hơn.

4 nội dung ứng dụng AI trong y tế

Trong phần thảo luận, các diễn giả làm rõ hơn vai trò của AI trong y tế. Theo đó PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung tiếp tục nêu về những kỳ vọng của công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành y đạt được mục tiêu đề ra, trong đó có chấm dứt bệnh lao tới năm 2030 và chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh khác, trong đó có Covid-19.
 

Các đại biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy.
 

TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho biết, hiện AI được ứng dụng ở 4 lĩnh vực (chẩn đoán bệnh, điều trị, quản lý thông tin theo dõi sức khỏe và đào tạo).

Cụ thể trong chẩn đoán bệnh, hệ thống VinDr do Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData) phát triển, ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực và chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú, đã được thử nghiệm tại 3 bệnh viện lớn của Việt Nam (108, Đại học Y; Vinmec); ứng dụng trong chẩn đoán lao và bệnh phổi; hỗ trợ đánh giá tiên lượng trong điều trị Covid-19 giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng, kết hợp cùng xét nghiệm PCR từ đó nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả.

Theo TS Oanh, ngành Y tế cũng xác định 9 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
 

TS Trần Thị Mai Oanh thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Giang Huy.
 

Theo bà Oanh, trí tuệ nhân tạo có vùng áp dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân. AI tạo ra hiệu quả nhưng cũng đặt ra bài toán về tính pháp lý và đạo đức bác sỹ. Bà Oanh coi đây là vấn đề cần tính toán tới khi ứng dụng AI, nhìn ở vấn đề an toàn người bệnh, ví dụ sử dụng robot trong điều trị để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh.

"Để ứng dụng AI một cách hợp lý, nên có khung pháp lý. AI cần được coi như một loại hình dịch vụ y tế và có quy trình hướng dẫn về chuyên môn. Điều này phân định trách nhiệm rõ ràng giữa bác sỹ, bệnh nhân và công nghệ", bà Oanh nhấn mạnh, cần có quy chuẩn để áp dụng. Ngoài ra, đại diện Viện Chiến lược, Bộ y tế cũng đề cao chất lượng dữ liệu, từ đó mới có thể xây dựng các thuật toán tốt.

Để ứng dụng AI, TS David Hansen, Giám đốc nghiên cứu,Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử - CSIRO cho biết, phải xác định chính xác vấn đề mong muốn AI giải quyết là gì. Phải đảm bảo đủ nhân lực cần gồm đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lâm sàng để giải quyết các việc khác nhau trong các dự án. Khi đã có đủ các điều kiện này, nhân tố mang tính chìa khóa quyết định thành công là dữ liệu. Các giải pháp có thể đưa ra dựa nhiều vào chất liệu dữ liệu đang có. Vậy trong lĩnh vực y tế đã có những dữ liệu nào, từ đó mới tính đến xây dựng thuật toán và kiến trúc nền tảng công nghệ.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy cũng cho biết, cách đây 3 năm Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kế hoạch tổng thể phát triển trí tuệ nhân tạo và Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2019-2025 và các đề tài nghiên cứu ứng dụng AI trong y tế. Từ đó đến nay cũng có nhiều hoạt động về trí tuệ nhân tạo được tổ chức thường niên.
 

GS Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy.
 

Chiến lược quốc gia phát triển AI cũng định hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tăng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Từ định hướng này, các chính sách nghiên cứu, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang từng bước hướng tới, trong đó y tế là một trong những lĩnh vực được chú trọng.

Theo ông, Việt Nam có lợi thế để ứng dụng AI trong y tế bởi ba điểm mạnh đó là: đội ngũ triển khai các sản phẩm ứng dụng mạnh và "sẵn sàng dấn thân", dữ liệu y tế cũng sẵn sàng và nhu cầu thực tế rất lớn. Từ thực tế này cho thấy khả năng phát triển và ứng dụng AI trong y tế là khả quan.

Tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế" nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình AI4VN, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-co-loi-the-ung-dung-ai-trong-y-te-4165932-tong-thuat.html

 

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 4126

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)