TS. Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu khai mạc
Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm có 09 thành viên do GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Văn Vịnh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng, đồng thời là Tổ trưởng Tổ chuyên gia chủ trì phiên họp.
Hiện nay, ở Việt Nam, việc tiếp tục nghiên cứu những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhưng chưa được xác lập thành các khu bảo tồn hoặc chưa đạt tiêu chí xác lập khu bảo tồn là rất cần thiết. Mặt khác, hầu hết các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam đều có diện tích lớn, có nơi lên đến hàng trăm nghìn ha. Vùng lõi của các khu dự trữ sinh quyển thường là các vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là vùng được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, trong và ngoài khu dự trữ sinh quyển vẫn còn nhiều vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, đây cũng là nơi mang lại sinh kế cho người dân, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các cơ chế quản lý và chính sách phát triển tầm vĩ mô về bảo tồn đa dạng sinh học đối với các vùng này chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi cũng đã được cộng đồng dân cư và địa phương quan tâm bảo vệ nhưng còn gặp nhiều khó khăn do việc bảo tồn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và tự phát, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Bộ Khoa học Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau” do ThS. Nguyễn Minh Đức làm chủ nhiệm; Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là Cơ quan chủ trì thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2020 với ba mục tiêu chính:
- Xác lập được cơ sở nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn về mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã;
- Xây dựng được các mô hình quản lý khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã;
- Xây dựng và đề xuất được bộ tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã.
ThS. Nguyễn Minh Đức thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ
I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ:
1. Sản phẩm dạng I:
- 03 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã: (1) Mô hình bảo tồn và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; (2) Mô hình bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch sinh thái quy mô làng, xã ấp Đồng Khởi, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển và (3) Mô hình nuôi cá Bống tượng (Oxyeleotris marmoratus Beleeker) quy mô làng, xã góp phần bảo tồn loài có giá trị kinh tế trong khu vực ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
2. Sản phẩm dạng II:
2.1. 01 Báo cáo về cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn phát triển mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã;
2.2. 01 Bộ tiêu chí, quy trình và hướng dẫn kỹ thuật thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã;
2.3. 01 Báo cáo đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã;
2.4. 01 Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, kinh tế - xã hội Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau.
3. Sản phẩm dạng III:
3.1. 01 bài báo quốc tế (ISI) và 02 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành, 06 bài đăng hội nghị quốc gia.
3.2. 01 sách chuyên khảo.
3.3. Tham gia đào tạo 02 thạc sỹ, 01 tiến sỹ.
II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao:
Tên sản phẩm
|
Thời gian dự kiến ứng dụng
|
Cơ quan dự kiến ứng dụng
|
Bộ tiêu chí, quy trình và hướng dẫn kỹ thuật thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã
|
Sau khi nghiệm thu
|
Các khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn
|
III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ:
- Bổ sung các ghi nhận mới về đa dạng sinh học Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau và Việt Nam.
- Cung cấp bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, kinh tế xã hội, môi trường cho Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau.
- Xây dựng bộ tiêu chí, quy trình và hướng dẫn kỹ thuật thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã.
- Đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã.
IV. Về hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ:
- Sản phẩm của đề tài là cơ sở cho việc quản lý và sử dụng các hệ sinh thái trong ở Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau.
- Đề tài đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau nói riêng.
- Góp phần nâng cao sinh kế cho người dân địa phương sống trong Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì; báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu. Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.