Thứ năm, 12/11/2020 08:08 GMT+7

Thị trường KH&CN: tăng trưởng nhưng vẫn còn điểm nghẽn chuyển giao

Trong năm năm vừa qua thị trường KH&CN đã đạt được các chỉ tiêu quan trọng là gia tăng giá trị giao dịch trên thị trường; gia tăng tỉ trọng giao dịch nhóm các sản phẩm hàng hóa, tài sản trí tuệ hoặc công nghệ; tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường công nghệ là 16.7%, tăng so với chỉ tiêu đặt ra.

Ông Phạm Đức Nghiệm phát biểu tại tọa đàm.
 

Tuy nhiên ông Phạm Đức Nghiệm cũng cho biết, việc thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ giữa viện trường với doanh nghiệp vẫn là một bài toán khó. Chỉ 5,7% doanh nghiệp được hỏi cho biết tìm đến viện trường khi có nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm được chú ý bởi nó cho thấy vẫn có nhiều rào cản khiến viện, trường và doanh nghiệp chưa thể gặp nhau.

Điểm nghẽn hiện nay là sau khi các đề tài nghiên cứu kết thúc, các công nghệ chưa sẵn sàng chuyển giao, hầu hết chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm chứ chưa được đánh giá khả năng thích ứng trên thị trường, thiếu đơn vị môi giới, xúc tiến chuyển giao. Mặt khác, để có thể đưa công nghệ đi giao dịch thì đòi hỏi phải thẩm định, đánh giá, kiểm định về các thông số kỹ thuật, thông số tài chính, đầu tư vào công nghệ đó, cũng như tính ổn định, yếu tố rủi ro có thể gặp phải khi ứng dụng vào sản xuất nhưng cho đến nay đây vẫn là điểm cần khắc phục.

Về mặt pháp lý, nghị định 70/2018/NÐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN để xử lý, phân chia kết quả nghiên cứu được chuyển giao, tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cũng tạo ra điểm nghẽn khi có điểm “đang đi ngược lại” Luật KHCN. Cụ thể, PGS Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng ban ứng dụng công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, luật KH&CN quy định giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan thực hiện chủ trì, còn nhà KH được tối thiểu 30% nhưng trong điều 41, nghị định 70, quy định tài sản hình thành [từ kết quả của đề tài nghiên cứu mà nhà nước chi trên 30% tổng kinh phí*] nộp lại ngân sách (tương ứng với tỷ lệ vốn nhà nước đóng góp vào nhiệm vụ). “Chính vì thế cuối cùng cơ quan chủ trì thực ra lại không có quyền gì cả. Trong điều kiện môi trường KH&CN của Việt Nam còn nhiều khó khăn, việc tiến hành thương mại hóa lại càng khó khăn hơn thì người khổ nhất là nhà khoa học, họ làm mà không được gì thì họ có làm không? Đó là mấu chốt tắc nghẽn”, PGS Phan Tiến Dũng nói.
 

PGS Phan Tiến Dũng phát biểu tại Tọa đàm.
 

Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết tọa đàm ghi nhận các ý kiến kiến nghị để tổng hợp và tiếp tục báo cáo. Ông cũng chia sẻ với các nhà khoa học và nhà quản lý về bài học kinh nghiệm từ luật Bayh Dole của Mỹ [trong việc phân chia quyền với kết quả nghiên cứu từ ngân sách] rất rõ ràng rành mạch chứ không phát sinh nhiều quy định như ở Việt Nam.

Luật Bayh Dole mà ông nhắc tới được đánh giá là một trong những cú hích quan trọng giúp thúc đẩy chuyển giao, kinh doanh kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của các viện trường ở Mỹ. Từ khi ban hành năm 1980, Luật này xác định trong trường hợp sáng chế được tạo ra với tài trợ từ ngân sách nhà nước, các trường đại học có quyền đăng ký sáng chế, quản lý và khai thác các sản phẩm trí tuệ như tài sản của nhà trường (nhà nước chỉ giữ lại quyền nhất định như mua bán để nếu trong trường hợp cần thiết thì nhà nước sẽ chuyển cho đơn vị khác sử dụng). Kể từ ra đời, Luật Payh Dole không chỉ tạo ra sự thay đổi ở nước Mỹ (nếu chỉ tính riêng 250 trường dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn được Cục Sáng chế Hoa Kỳ cấp 56.138 sáng chế, cho đến năm 2006, chỉ riêng Đại học Stanford đã thu về 597 triệu USD tiền chuyển giao công nghệ), điều khiến nhiều nước như Anh, Nhật Bản, Trung Quốc làm hình mẫu để đưa ra các luật thúc đẩy chuyển giao công nghệ tương tự.

Ông cho biết, ngay thời gian trước mắt, các đơn vị chức năng sẽ hướng dẫn các cơ quan quản lý khoa học địa phương và các viện trường thực hiện thông tư hướng dẫn Nghị định 70 và các quy định pháp luật có liên quan để các đơn vị thực hiện đúng với các văn bản hiện hành. Bên cạnh đó, sẽ cần phải có thêm các hướng dẫn cụ thể về phương pháp, cách thức xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN để xác định giá trị chuyển giao.

* Đối với các nhiệm vụ mà nhà nước bỏ ra dưới 30% kinh phí, thì tài sản hình thành từ nhiệm vụ đó được chuyển giao không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì cho dù tổ chức chủ trì là doanh nghiệp, tổ chức KHCN hay nhà nghiên cứu để các đơn vị chủ động chuyển giao.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/thi-truong-khcn-tang-truong-nhung-van-con-diem-nghen-chuyen-giao/20201112084810936p882c918.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2544

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)