Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Đặng Quang Huấn, Chánh Thanh tra Bộ; ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cùng với hơn 230 đại biểu gồm đại diện đến từ các đơn vị trong Bộ, lãnh đạo và thanh tra đến từ 41 Sở KH&CN của các tỉnh thành trong cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực KH&CN. Theo Thứ trưởng, việc tổ chức hội nghị tập huấn thanh tra chuyên ngành thường niên là một trong những nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ KH&CN rất quan tâm, tạo điều kiện, nhằm cập nhật bổ sung quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, cung cấp kỹ năng kinh nghiệm cho các thanh tra viên, tổng kết lại hoạt động đạt được, đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan thanh tra địa phương trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Thứ trưởng mong muốn Hội nghị tập huấn đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực bằng việc tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đại diện, các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ các cơ quan của Bộ và các Sở. Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ sẽ tổng kết, có kế hoạch tham mưu cho Lãnh đạo Bộ định hướng xây dựng chính sách KH&CN nói chung và hoạt động thanh tra chuyên ngành nói riêng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Đặng Quang Huấn, Chánh Thanh tra Bộ- cơ quan chủ trì Hội nghị kỳ vọng, thông qua những chia sẻ của các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực chuyên ngành như tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu công nghiệp, các thanh tra viên có thêm cơ hội cập nhật và nắm được những thay đổi từ các chính sách, pháp luật của các lĩnh vực chuyên ngành liên quan nói trên để vận dụng một cách có hiệu quả các quy định, chính sách này trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị với vai trò là cơ quan phối hợp tổ chức trong lĩnh vực chuyên ngành sở hữu công nghiệp, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho rằng, trong những năm gần đây, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các lực lượng thanh tra, đặc biệt Thanh tra Bộ KH&CN và Thanh tra Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trên cả nước trong công tác thực thi và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ thể có liên quan.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội nghị
Với Thanh tra Bộ KH&CN, kể từ sau khi Bản ghi nhớ phối hợp giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Thanh tra Bộ KH&CN được ký lần đầu tiên vào ngày 27/12/2019, các hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị được triển khai có định hướng dài hạn và mang tính định kỳ.
Cụ thể, Cục SHTT đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ, đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN giải quyết khiếu nại lần 2 về xác lập quyền sở hữu công nghiệp (trung bình khoảng 50 đơn khiếu nại lần 2 hằng năm) trong công tác giải quyết khiếu nại lần 2; thường xuyên tham dự các buổi đối thoại với người khiếu nại do Lãnh đạo Bộ chủ trì với Thanh tra Bộ là đơn vị làm đầu mối tổ chức. Trong quá trình đối thoại, Thanh tra Bộ và Cục SHTT đã có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả để đi đến thống nhất trong nhận thức, nhận xét, đánh giá về khả năng bảo hộ và phạm vi bảo hộ của đối tượng SHCN. Cục SHTT cũng tham gia các đoàn thanh tra chuyên ngành về SHCN, tham gia cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn đánh giá hành vi xâm phạm và yếu tố xâm phạm quyền SHTT, trong đó bao gồm một số vụ việc phức tạp liên quan đến sáng chế, tên thương mại, hàng hoá giả mạo về SHTT, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quyền tài sản liên quan đến SHTT,... Trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật về SHTT như xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14/6/2019 và trong Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào cuối năm 2021), Cục SHTT và Thanh tra Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng các nội dung về thực thi và bảo vệ quyền SHTT đáp ứng cam kết với các đối tác và giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Với Thanh tra KH&CN các địa phương, Cục SHTT thường xuyên thực hiện công tác giải đáp pháp luật, tư vấn chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, cung cấp thông tin về tình trạng bảo hộ và ý kiến chuyên môn xác định hành vi xâm phạm và yếu tố xâm phạm quyền SHTT. Trong giai đoạn 2016-2020, Cục SHTT đã cung cấp 706 ý kiến chuyên môn về các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các cơ quan thực thi quyền SHTT gồm Thanh tra KH&CN, Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Hải quan, Tòa án và các cơ quan, tổ chức khác, trong đó số ý kiến chuyên môn được cung cấp cho Thanh tra KH&CN là 49 ý kiến, chiếm khoảng 6,9% tổng số ý kiến được cung cấp, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác thanh tra KH&CN của các địa phương.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến bảo vệ và thực thi quyền SHTT trong Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao rõ rệt hiệu quả thực thi pháp luật SHTT, làm giảm đáng kể tình trạng xâm phạm quyền SHTT, Cục SHTT sẵn sàng hợp tác với Thanh tra Bộ và Thanh tra các Sở KH&CN trong các công tác đào tạo, bồi dưỡng về SHTT cho các lực lượng thanh tra; giải quyết các đơn khiếu nại về xác lập quyền sở hữu công nghiệp và giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ... để hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được cải thiện trên phạm vi cả nước.
Kết thúc bài phát biểu, Cục trưởng Đinh Hữu Phí chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Đại diện các đơn vị trong Bộ KH&CN và các Lãnh đạo Sở chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị