Thứ ba, 03/11/2020 07:34 GMT+7

Triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL giai đoạn 2021-2030

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do VN- EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. Các Hiệp định này góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... Tuy nhiên, để thâm nhập được các thị trường nêu trên, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ nhiều hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó có các yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu đối với người lao động, trách nhiệm xã hội...
 

Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình tập trung vào áp dụng một số HTQL/MH/CC phù hợp với trình độ quản trị doanh nghiệp và đặc thù của các doanh nghiệp.
 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo tiền đề cho những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh. Những tiến bộ về công nghệ số tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu riêng một cách dễ dàng với giá thành rẻ. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước.

Chương trình tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, đặc biệt là các tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ… được phối hợp, lồng ghép với Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các chương trình khác có liên quan của bộ, ngành, địa phương.

Nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các nội dung mới phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 06 nhóm giải pháp sau:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề xuất các giải pháp thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về năng suất chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ

Tăng cường hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng, chú trọng khai thác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á.

Triển khai Chương trình theo chiều rộng và chiều sâu

Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cải tiến NSCL, đổi mới sáng tạo và áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL; chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL cho doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai các mô hình điểm áp dụng một, một số hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến NSCL cơ bản, mở rộng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa việc áp dụng; Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL: Tập trung đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn cải tiến NSCL; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, thực hành cải tiến NSCL tại doanh nghiệp; Tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, chứng nhận SPHH phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ưu tiên đối với hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL có tính chất đặc thù cho ngành, lĩnh vực, nhất là các hệ thống quản lý tích hợp, kết hợp với các công cụ cải tiến NSCL thích hợp; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số; Xây dựng các mô hình tổng thể áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, kết hợp với công nghệ quản trị doanh nghiệp, công nghệ sản xuất… để mang lại những kết quả có tính đột phá về năng suất chất lượng; đặc biệt ưu tiên việc ứng dụng các công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Định hướng một số HTQL/MH/CC cải tiến NSCL áp dụng cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2030

Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình tập trung vào áp dụng một số HTQL/MH/CC phù hợp với trình độ quản trị doanh nghiệp và đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể như sau:

Các HTQL căn bản gồm: HTQL chất lượng( ISO 9001), HTQL An toàn thực phẩm (ISO 22000), HTQL an toàn thông tin (ISO/IEC 27001), HTQL năng lượng (ISO 50001), HTQL môi trường (ISO 14001), Trách nhiệm xã hội (ISO 26000); HTQL an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ISO 45001)... Các HTQL đặc thù cho ngành, lĩnh vực như: Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp dầu khí (ISO 29001), sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ (IATF 16949), viễn thông (TL 9000), thiết bị y tế (ISO 13485); phòng thí nghiệm (ISO/IEC 17025); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), HACCP, GMP; thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ; năng suất xanh...

Áp dụng “Quản lý tinh gọn Lean”; Áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện (TWI); Áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính (KPI)... Việc áp dụng các HTQL/MH/CC sẽ tiến tới thực hiện thông qua các công cụ phần mềm. Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ cho mô hình sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh như: phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm (PLM); sản xuất kỹ thuật số (DM); hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP); quản lý chuỗi cung ứng (SCM); hệ thống thực thi sản xuất (MES);... sẽ được tư vấn áp dụng cho các doanh nghiệp có khả năng sẵn sàng cho sản xuất thông minh.

 

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/trien-khai-chuong-trinh-quoc-gia-ho-tro-doanh-nghiep-nang-cao-nscl-giai-doan-2021-2030-d180252.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 2889

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)