Đẩy mạnh khởi nghiệp nông nghiệp
Trong khuôn khổ Tuần lễ kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020, ngày 01/11 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam diễn ra cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2020” với 12 dự án lọt vào vòng chung kết. Sự kiện do Ban Quản lý dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
12 đội tham gia vòng chung kết cuộc thi.
Phát biểu khai mạc Chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2020”, TS Vũ Ngọc Huyên – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Cuộc thi năm nay thu hút hơn 100 dự án của học sinh, thanh niên sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và sinh viên quốc tế; trong đó có nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo, khả thi, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ kết nối vạn vật, giải quyết vấn để thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kĩ thuật làm gia tăng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản…
Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ, khi thế giới đang sống và làm việc trong một thời đại mới, thời đại của công nghệ 4.0, các dự án tham gia khởi nghiệp không chỉ phải đáp ứng các yếu tố sáng tạo, khả thi và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đang tồn tại của xã hội như: Biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; “được mùa mất giá” mà còn phải kết hợp thêm yếu tố công nghệ vào trong dự án.
“Trong các nhóm dự án khởi nghiệp năm nay, yếu tố công nghệ đã được nhiều nhóm đưa vào như một xu thế tất yếu, đón đầu nông nghiệp số - xu hướng của thời đại mới, khi mà cuộc cách mạng 4.0 đã lan tỏa rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Hy vọng qua chương trình sẽ giúp cho thanh niên, sinh viên và kể cả các em học sinh thay đổi tư duy nhận thức về vấn đề việc làm, đó là không chỉ đi xin việc mà phải tự tạo việc làm cho chính bản thân, thông qua đó tạo việc làm cho những người khác để mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng”, ông Thắng khẳng định.
Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2020 có mục đích nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo sự lan tỏa đến đông đảo sinh viên; tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng, lựa chọn hỗ trợ tiếp tục phát triển; phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học… hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tôn vinh các dự án đón đầu công nghệ nông nghiệp số
Tại Chung kết cuộc thi, các đội thi trải qua 2 phần thi: Thuyết trình và đấu trí. Theo đó, 12 dự án tham gia vòng chung kết thuyết trình về dự án của mình, phần thuyết trình phải có sử dụng kết hợp với slide trình chiếu minh hoạ nội dung dự án. Sau đó, 4 đội thi được chọn vào vòng Đấu trí để tìm ra dự án đạt giải cao nhất.
Vượt qua các đội thi, dự án Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt giành chiến thắng chung cuộc, nhận giải thưởng trị giá 30 triệu đồng. Dự án được đánh giá là dự án có tính sáng tạo, khả năng nhân rộng cao, đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng và nâng cao nền nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng và Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan trao phần thưởng cho đội giải Nhất.
Vibale là dự án được triển khai từ năm 2019, đưa ra giải pháp sử dụng lá chuối đóng thành khay, hộp để thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn đang gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm có ưu điểm dễ dàng phân hủy, giảm thải rác thải ra môi trường, tăng sinh kế cho người nông dân. Với dây chuyền công nghệ hiện đại được chuyển giao, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu sắc của lá chuối, có thể bảo quản trong 12 tháng.
Các nhóm sự án xuất sắc sẽ được Ban tổ chức của Học viện và VCIC kết nối, hỗ trợ tham gia các Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, cuộc thi khởi nghiệp quốc tế; hỗ trợ kết nối và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế hỗ trợ, thương mại hóa sản phẩm.
Bạn Nguyễn Diệu Linh, Trưởng nhóm dự án Vibale cho biết: với việc sản xuất hộp đựng đồ ăn sử dụng nguyên liệu lá chuối thay thế cho túi ni lông và hộp xốp chia sẻ, hộp xốp phải mất nhiều năm mới bị phân hủy, đối với giấy từ 3 - 4 tháng, hộp làm từ bã mía phân hủy từ 60 - 120 ngày, còn đối với hộp lá chuối phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày.
“Ý tưởng nghĩ chỉ trong vòng 1 ngày nhưng khi nghiên cứu, định hình vật liệu, nhóm dự án phải mất đến 1,5 năm, phải đến tháng 12 năm nay mới đưa ra được sản phẩm thương mại hóa. Tiêu chí của nhóm là định hướng doanh nghiệp tạo tác động tốt cho xã hội, vì vậy bên cạnh hiệu quả kinh tế còn hướng đến việc mọi người sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường”, Diệu Linh cho biết.
Nguyễn Diệu Linh, đồng sáng lập dự án cho biết, hiện các sản phẩm của dự án đã được cung cấp trong một số nhà hàng phía Nam. Sắp tới, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ lá sen, mo cau.
Tại lễ trao giải, một dự án nhận giải Nhì là cải tiến và phát triển sản phẩm truyền thống từ gạo và hoạt chất thiên nhiên, hai dự án đạt giải Ba gồm, dự án Green life- đổi rác lấy quà và dự án công nghệ sinh học tái chế sản phẩm ni tơ dùng trong nuôi trồng thủy sản. Hai dự án nhận giải Khuyến khích gồm công ty du lịch thương mại Kimfly Travel và dự án sử dụng thảo mộc thay thế kháng sinh trong nuôi lợn sạch. Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật trong hỗ trợ kỹ thuật sản xuất bưởi diễn cho người dân nhận giải thưởng dự án được yêu thích nhất.
Một số hình ảnh:
Giải Nhì là dự án cải tiến và phát triển sản phẩm truyền thống từ gạo và hoạt chất thiên nhiên của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hai dự án đạt giải Ba gồm, dự án Green life - Đổi rác lấy quà và dự án công nghệ sinh học tái chế sản phẩm các ni tơ dùng trong nuôi trồng thủy sản.
02 đội đạt giải Khuyến khích và đội đạt giải Dự án được yêu thích nhất cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020”.
Ban Giám khảo cuộc thi là những nhà chuyên gia, chính sách cùng những nhà khởi nghiệp.
Các đội đoạt giải thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức.