Thứ sáu, 30/10/2020 14:40 GMT+7

Tọa đàm Triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Ngày 28/10/2020, tại Trường Đại học Đà Lạt, thành phố Lâm Đồng, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, Ban Chủ nhiệm chương trình KC 4.0 đã phối hợp với Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức buổi Tọa đàm giới thiệu và triển khai chương trình.

Tham dự Hội thảo có ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC- 4.0; ông Trần Đỗ Đạt, Phó giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; cùng hơn 30 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, sở KH&CN, sở Y tế  và các tổ chức KH&CN thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tại Tọa đàm, các đại biểu được thông tin về Chương trình KC 4.0 và trao đổi, giải đáp các thắc mắc xung quanh việc đề xuất đề tài, dự án thuộc Chương trình. GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 đã giới thiệu một số kết quả đã đạt được của Chương trình KC 4.0/19-25 trong gần 2 năm thực hiện và giới thiệu một số xu thế công nghệ mới trên Thế giới có liên quan đến công nghệ của công nghiệp 4.0 để từ đó nêu một số định hướng cho các năm tới.

Cũng tại Tọa đàm, với phần trình bày của mình, GS.TS.Nguyễn Thanh Thủy, cũng đã tóm tắt một số thành tựu y tế, y dược của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh vào việc ứng dụng công nghệ của công nhiệp 4.0 như công nghệ nội soi can thiệp, hỗ trợ sinh sản, ứng dụng AI trong phân tích xử lý ảnh y tế, phát triển các phần mềm cá thể hóa điều trị, xây dựng CSDL ảnh kết hợp với AI trong hỗ trợ điều trị, chẩn đoán và tiên lượng bệnh…

Cuối cùng, trong đề xuất kêu gọi các nhiệm vụ cho năm 2022, các thành viên của Ban chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 nhấn mạnh, ưu tiên các đề xuất: gắn với các hệ tri thức Việt số hóa; có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội và đặc biệt liên quan thế mạnh của vùng; đề xuất có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN;...đặc biệt là các đề xuất liên quan đến các mô hình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và triển khai mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng theo định hướng chuyển đổi số, thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4.

Chương trình cũng kỳ vọng sẽ nhận được nhiều đề xuất tham gia của các tổ chức KH&CN khu vực Nam Trung Bộ và  Tây Nguyên, đặc biệt là các đề xuất có sự phối hợp của doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu; các đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; các đề xuất nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 nằm trong Danh mục của Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03/12/2018 của Bộ KH&CN.
 

Ban Tổ chức chụp ảnh với một số đại diện các đơn vị tham dự tọa đàm.


 

Nguồn: Vụ Công nghệ cao, Ban Chủ nhiệm chương trình KC 4.0/19-25

Lượt xem: 2506

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)