Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển thị trường KH&CN cho biết: Mục tiêu của chương trình là tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao vai trò của nhà nước và các chủ thể của thị trường KH&CN.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường hằng năm bình quân đạt 20-25%, trong đó các ngành ứng dụng công nghệ cao có giá trị giao dịch công nghệ trung bình đạt 30-35%. Tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ trên thị trường KH&CN đạt 20-25% vào năm 2030. Nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Tăng tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo hàng năm đạt bình quân 15-20%. Tăng nguồn cung công nghệ trên thị trường, trong đó tỷ trọng công nghệ nhập khẩu từ các nước tiên tiến đạt 35-40% và tỷ trọng nguồn cung công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong tổng số nguồn cung công nghệ có nguồn gốc trong nước đạt 40%. Phát triển hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp và các công cụ để kết nối thị trường. Tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN trong nước theo hướng xã hội hóa với sự tham gia và đóng góp của khu vực tư nhân đạt 50%, đẩy mạnh xúc tiến thị trường KH&CN quốc tế, kết nối các sàn giao dịch trong nước với mạng lưới quốc tế.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; Thúc đẩy phát triển nhu cầu về hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi về giải pháp để thực hiện. Đa số các ý kiến cho rằng để thúc đẩy chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 cần thúc đẩy nhu cầu và nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp, làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp, nhất là các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước; Phát triển hệ thống hạ tầng của thị trường và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường KH&CN.
Trước đó, trong giai đoạn 2015-2020, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (gọi tắt là chương trình 2075) do Thủ tướng phê duyệt đã mang lại hiệu quả tác động về kinh tế - xã hội và tính liên kết, lan tỏa mạnh mẽ: Tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường thông qua các sự kiện như kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN. Huy động được các nguồn đầu tư, góp phần mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài thông qua một số dự án thương mại hóa công nghệ và tài sản trí tuệ của các nhà khoa học. Những thành công này chính là cơ sở để Chương trình 2075 cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ ở thị trường trong nước và nước ngoài, tăng trưởng 15%/năm các giao dịch mua bán công nghệ thành công; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai giao dịch trực tuyến trên thị trường KH&CN./.