Tham dự diễn đàn có trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến (trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh); các chuyên gia cố vấn chiến lược, các nhà tư vấn công nghệ hàng đầu khu vực cùng đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, công nghệ thông tin và viễn thông, năng lượng, vận tải và logistics, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, sản xuất... Triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh cũng được tổ chức bên lề diễn đàn với sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ảnh VISTIP)
Với 5 hội thảo chuyên đề và 01 phiên cấp cao toàn thể tập trung vào các lĩnh vực then chốt trong xây dựng đô thị thông minh như: quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, dịch vụ thông minh bao gồm:
Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề "Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị" tập trung vào thảo luận về các vấn đề như: quy hoạch vùng liên kết hệ thống đô thị thông minh; tối ưu hóa tài nguyên và quy hoạch phát triển kinh tế môi trường bền vững vùng đô thị, phát triển liên kết vùng trên cơ sở các đặc trưng đô thị, xây dựng tầm nhìn dài hạn và quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh, nâng cao khả năng dự báo để chủ động thích ứng với các biến động, thiết lập chiến lược xây dựng kế hoạch tổng thể cho thành phố thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo, hợp tác liên thành phố trong xây dựng đô thị thông minh và một số tham vấn về mô hình phát triển đô thị thông minh tại Busan, Hàn Quốc…
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề "Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh" tập trung thảo luận về các vấn đề như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và IOT, công nghệ điện toán đám mây trong xây dựng thành phố thông minh, phát triển nền tảng số, chuyển đổi số, cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và Chính phủ điện tử, xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông, tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố, chiến lược phát triển mạng Wi-Fi cho đô thị thông minh, trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh, các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị thông minh…..
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì Hội thảo chuyên đề 2 "Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh" (ảnh VISTIP)
Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề "Phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" chia sẻ về dịch vụ tài chính số hướng tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ thông minh; mô hình cảng điện tử và thanh toán trực tuyến, các giải pháp giao hàng thông minh tại các đô thị lớn của Việt Nam và Đông Nam Á, tập trung thảo luận về các vấn đề như: nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng dịch vụ số của người dân, một số giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển xác thực, định danh số, phát triển các tiện ích đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sự tham gia của giới trẻ và không gian sáng tạo, khởi nghiệp…
Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề "Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị" chia sẻ các thông tin liên quan đến hệ thống lưu trữ năng lượng, năng lượng tái tạo phân tán, khu công nghiệp khu kinh tế thông minh với năng lượng hiệu quả, giải phóng lưới điện số, ngành công nghiệp carbon giảm khí phác thải trong xây dựng tòa nhà; tập trung thảo luận về các vấn đề như: vai trò của các bên liên quan trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả cho các đô thị, cơ hội và thách thức trong phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và hiệu quả nguồn lực cho các đô thị, quản lý và giám sát tiêu thụ năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà và giải pháp công nghệ….
Hội thảo chuyên đề 5 với chủ đề "Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị" chia sẻ các thông tin liên quan đến hệ thống giao thông đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ số và AI trong quản lý vận tải công cộng, phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện, hệ thống giám sát điều hành giao thông thông minh; tập trung thảo luận về các vấn đề như: giao thông thông minh với những thách thức và giải pháp cho các đô thị thông minh, tối ưu hóa hạ tầng giao thông nhằm cải thiện hiệu quả quản lý, ứng đụng công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết các thách thức về giao thông, kinh nghiệm xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, cơ hội và thách thức trong phát triển xe điện và hệ thống phương tiện công cộng.
Các đại biểu tham quan Triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh bên lề Diễn đàn( ảnh VISTIP)
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, những năm qua tại Việt Nam, hệ thống đô thị ngày càng khẳng định vai trò trung tâm dẫn dắt thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế... Tuy nhiên hệ thống đô thị của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng cũng như chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp; nhiều vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông chưa được giải quyết. Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống người nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư, tiêu thụ tài nguyên rất lớn dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quá tải tác động tiêu cực đến môi trường và ổn định xã hội. Câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia có thể tối ưu trong sử dụng nguồn lực ngày càng hạn hẹp mà vẫn tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội? Năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên (Việt Nam có 3 thành phố tham gia ASCN là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng) để thực hiện sứ mệnh đó.
Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn (ảnh VISTIP)
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có “người cùng chơi” có “tầm nhìn”, “chiến lược”, “tiềm lực” hướng tới mục tiêu cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việc phát triển đô thị thông minh phải được làm có lộ trình, có trọng điểm, không nên làm theo phong trào và phải phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng địa phương cụ thể. Việc phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số và tận dụng các thành tựu mới nhất về khoa học và công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với mục tiêu phát triển chung của cộng đồng ASEAN.