Thứ tư, 21/10/2020 07:45 GMT+7

Năng suất - yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định đã khẳng định như trên tại Hội nghị thường niên lần thứ 61 của Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia (WSM) theo hình thức trực tuyến diễn ra từ ngày 20 - 21/10/2020.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị còn có sự tham dự của TS. AKP Mochtan, Tổng thư ký Tổ chức năng suất Châu Á (APO); TS. Hà Minh Hiệp, Chủ tịch WSM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; TS. Kyoo-Sung Noh, Phó Chủ tịch WSM, Chủ tịch & CEO, Trung tâm Năng suất Hàn Quốc (KPC); Bà Vũ Thị Tú  Quyên, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ), Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Lãnh đạo và đại diện đến từ các tổ chức năng suất quốc gia 20 nền kinh tế thành viên APO; Ban thư ký ASEAN; Ngân hàng phát triển Châu Á; Trung tâm Khoa học và Công nghệ Antioquia, Colombia, Viện Kaizen Ethiopia (EKI); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Kaizen Zambia (KIZ), Hiệp hội Năng suất liên lục địa Châu phi (PAPA), Ngân hàng thê giới (WB), Chưng trình giải quyết các vấn đề về con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT).


Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Xuân Định ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ to lớn từ APO và các nền kinh tế thành viên thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các khóa đào tạo nâng cao năng lực được tổ chức hàng năm; hỗ trợ xây dựng tổ chức chứng nhận chuyên gia về năng suất và trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất,…  Đồng thời cho biết, với sự hỗ trợ của APO và các chuyên gia đến từ Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và đang trong giai đoạn cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành. “Đây được xem sẽ là bản kế hoạch tổng thể đầu tiên về năng suất tại Việt Nam, giúp định hướng phát triển các hoạt động về năng suất trên cả nước một cách toàn diện” Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, thời gian qua, năng suất đã được coi là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Vai trò của năng suất càng được khẳng định khi nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, nhiều nước phát triển đã định hướng cách thức phục hồi nền kinh tế nhanh nhất, đó là thông qua phát triển công nghệ và cải tiến năng suất.

Tại Việt Nam, việc nâng cao năng suất đã được nhìn nhận là vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, nhiều hoạt động, chương trình năng suất đã được triển khai. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất làm trọng tâm phát triển kinh tế. Điều này đã được thể hiện qua các chính sách quan trọng như: Nghị quyết 01; Nghị quyết 05; Chỉ thị 07/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2020; Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”,…

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Tiến sĩ AKP Mochtan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. AKP Mochtan nhấn mạnh đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các nền kinh tế thành viên mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới, do đó, APO sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung triển khai các chương trình, dự án mới đối với tổ chức năng suất quốc gia (NPO) nhằm mục đích đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch. Trong đó, APO sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực quan trọng do các nền kinh tế thành viên lựa chọn và đề xuất.

Theo đó, TS. AKP Mochtan mong muốn các đại biểu sẽ cùng nhau đưa ra các sáng kiến, giải pháp mới để giải quyết nhu cầu cấp bách của các nền kinh tế thành viên; đề xuất các mục tiêu, dự án, thảo luận chi tiết về việc điều chỉnh các chương trình năm 2021 và 2022 theo Tầm nhìn mới năm 2025.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp bày tỏ vui mừng chào đón các đại biểu của APO đến tham dự Hội thảo lần thứ 61 của WSM. Đồng thời cho biết, Đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát ở một số nước, việc hạn chế đi lại đã được nới lỏng. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. WSM sẽ là cơ hội, tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác giữa các NPO để có những ứng phó kịp thời, hữu hiệu trong thời điểm đại dịch COVID-19 kéo dài.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch WSM, TS. Hà Minh Hiệp, Hội nghị đã trao đổi, đánh giá kết quả triển khai các chương trình, dự án trong năm 2019, 2020, đi đến thống nhất các chương trình, dự án sẽ triển khai trong năm 2021 và 2022 theo định hướng của Tầm nhìn 2025 của APO, đặc biệt là kế hoạch chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm thành lập APO vào năm 2021. Hội nghị cũng đã thảo luận và đưa ra được nhiều hoạt động hợp tác giữa APO và các đối tác mới như ADB, ACCSQ, JICA, EKI, KIZ, CTA,…

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2288

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)