Thứ hai, 19/10/2020 08:15 GMT+7

Viện Ứng dụng công nghệ: Định hướng hoạt động nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới trong và sau đại dịch Covid-19

Sáng ngày 16/10, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng công nghệ (Viện) đã tổ chức Hội thảo “Định hướng hoạt động nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới trong và sau đại dịch Covid-19”. Đây là dịp để tập thể cán bộ, nhà nghiên cứu của Viện trao đổi, đánh giá về năng lực khoa học, công nghệ của Viện; cập nhật các chính sách và nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, làm cơ sở để định hướng hoạt động khoa học của Viện trong giai đoạn sắp tới.

Toàn cảnh Hội thảo

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Hùng - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ cho biết: Viện được thành lập ngày 16/10/1984 theo Nghị định 135/HĐBT với tên ban đầu là Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Trước thời kỳ đất nước mở cửa với mục tiêu nghiên cứu và hấp thụ các công nghệ hiện đại như công nghệ laser, dây dẫn quang, vi điện tử… nên được lãnh đạo Đảng và nhà nước tạo điều kiện có được cơ chế đặc biệt và đơn giản. Nay nhìn lại, ông cho rằng, nhiệm vụ của Viện không phải là thực hiện các công trình nghiên cứu đi kèm với bài báo quốc tế mà là để làm ra các công nghệ cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp… 
 

Ông Nguyễn Phú Hùng – Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ chia sẻ tại Hội thảo

Ông Nguyễn Phú Hùng cho biết thêm: Đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê tiến hành vào tháng 4/2020 cho biết: Khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động nhiều nhất với tỷ lệ Doanh nghiệp (DN) bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông - lâm - thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn, với 78,7%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid 19 cao, điển hình như: Ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ôtô đều có tỷ lệ trên 90%...

“Đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội Thế giới, cũng như Việt Nam, nó làm thay đổi gần như mọi hành vi và cách thức hoạt động, từ làm việc từ xa; học trực tuyến; khám chữa bệnh từ xa; ứng dụng robot vào sản xuất, khử khuẩn bệnh viện,….Vì vậy, Viện Ứng dụng công nghệ cũng cần phải có định hướng hoạt động cụ thể để thích nghi với sự thay đổi đó”, ông Nguyễn Phú Hùng nhấn mạnh.

Trong giai đoạn vừa qua, Viện đã tập trung vào giải quyết các nhu cầu bức thiết để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các ngành; bám sát các chương trình công tác của Bộ để xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa cho đất nước. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch vừa qua, Viện Ứng dụng công nghệ đã triển khai hệ thống khai báo y tế tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào tháng 4/2020 và tại bệnh viện Bạch Mai vào tháng 5/2020, thử nghiệm Robot lau nhà, khử khuẩn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào tháng 4/2020…
 


Ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN đã ghi nhận, biểu dương các kết quả mà Viện đạt được trong thời gian qua, trong đó đồng chí đặc biệt khen ngợi tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao của tập thể Viện đã góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, với truyền thống đoàn kết, đi đầu trong nhiều lĩnh vực KH&CN Viện cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, phối hợp với các đơn vị trong Bộ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới. Theo đó, Viện sẽ tập trung để xây dựng Viện trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến ở châu Á; Khẳng định vai trò của Viện là cơ quan tư vấn trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển khoa học và công nghệ về các lĩnh vực có liên quan; Tăng cường năng lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng, đào tạo nhân lực, gắn nghiên cứu với phát triển công nghệ và sản xuất thử nghiệm; Xây dựng được một số đơn vị khoa học và công nghệ trọng điểm trực thuộc, nhóm nghiên cứu mạnh có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe các tham luận tiêu biểu như: Định hướng phát triển các công nghệ và sản phẩm của Viện nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong trạng thái bình thường mới; Phòng thí nghiệm Vi chế tạo - định hướng phát triển trong thời hậu Covid 19; Chiến lược thích ứng trong hoạt động kinh doanh của Hanel PT trước, trong và sau dịch Covid 19, kiến nghị đề xuất của Hanel PT và một số thành viên Câu lạc bộ Keieijuku Việt Nam trong việc hợp tác với Nacentech nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới; Định hướng hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Công thương giai đoạn 2021-2025; Định hướng các hoạt động KH&CN của Trung tâm công nghệ vi điện tử và Tin học trong việc làm chủ công nghệ và sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới trong và sau đại dịch Covid 19; Gắn kết giữa Viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ trước tình hình mới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2297

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)