Thứ tư, 07/10/2020 16:24 GMT+7

Hội thảo "Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây của hợp tác xã vùng Đồng bằng sông cửu Long"

Ngày 3/10/2020, tại thành phố Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây của hợp tác xã vùng Đồng bằng sông cửu Long (ÐBSCL)".

Toàn cảnh hội thảo

Theo thông tin chung, tính đến tháng 8/2020, vùng ÐBSCL có 231 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao, chiếm 10,6% HTX nông nghiệp của vùng. Trong đó, các HTX trồng trọt có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất 86,2%. Các công nghệ cao được áp dụng gồm: kỹ thuật canh tác, nuôi trồng (81,8%), công nghệ sinh học (12,1%), tự động hóa (5,6%)... Theo phản ánh từ các HTX, việc ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, chế biến gặp khá nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn so với tiềm lực tài chính của HTX; công nghệ phức tạp trong khi các thành viên HTX thiếu kiến thức, kỹ năng ứng dụng; diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng đại trà… Bên cạnh đó, hiện nay nước ta vẫn chưa quy định cấp chứng nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX; nhiều máy móc, thiết bị chưa có trong danh mục hỗ trợ (thiết bị đo nước tự động; hệ thống giám sát sâu rầy; thiết bị theo dõi, đánh giá chất lượng nước…).

Tại Hội thảo, các địa biểu cũng đã đề xuất các chính sách khuyến khích HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó bao gồm các lĩnh vực: Công nghệ Sinh học trong nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, công nghệ tự động hóa và sản xuất vật tư nông nghiệp, công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh nông sản.

Bên cạnh đó hội thảo cũng xác lập các sản phẩm chủ lực cần ưu tiên như: các công nghệ ưu tiên hỗ trợ lúa gạo và trái cây đặc trưng cho vùng cũng như các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn và quy cách GAP, nâng cao nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tuyên truyền về lợi ích của các mô hình đến với người dân trong vùng.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với HTX thông qua việc quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất vùng quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, lãi suất ưu đãi… Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm vấn đề hỗ trợ tài chính cho HTX để ứng dụng công nghệ cao, tăng định mức hỗ trợ HTX lên từ 30-50%. Về phía các HTX, cần nâng cao năng lực trong xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh trung hạn và hằng năm; đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật để ứng dụng công nghệ cao, chuyên gia tư vấn, quản trị HTX…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Công tác phía Nam

Lượt xem: 2173

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)