Chính sách chuyển đổi số trong lĩnh vực công tại Việt Nam
Ngày 29/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chính sách thứ 8 thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội:
- Tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số. Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp
Cũng theo Nghị quyết:
Một số mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Cơ hội và thách thức Chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Việt Nam
Việt Nam có một nền kinh tế mở, ngày càng hội nhập sâu và rộng trong dòng chảy kinh tế và KH&CN thế giới. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới FTA, cùng với đó các hiệp định, thỏa thuận về tiêu chuẩn hóa và công nhận sự phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng lẫn nhau giữa Việt Nam và các thành viên tham gia các hiệp định buộc doanh nghiệp Việt phải cạnh với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài rất gay gắt. Không chỉ riêng với các ngành hàng xuất khẩu và ngành hàng tiêu dùng trong nước, chúng ta còn được chứng kiến ngay cả những ngành truyền thống như nông nghiệp, vận tải tại Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh từ những công ty khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số thông minh từ nước ngoài như amazon, facebook, uber, grab... Việc phục vụ khách hàng phải nhanh, chính xác, đồng thời phải cắt giảm đáng kể chi phí dựa trên nền tảng kết nối và kinh tế chia sẻ. Doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó. Doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập sâu, muốn đứng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thế giới phải tính đến sự chuyển dịch công nghệ trong tương lai và sẵn sàng cho việc quản trị và vận hành nền tảng số, thậm chí phải đi tắt một bước nếu không sẽ mất toàn bộ thị trường vào tay các đối thủ mạnh.
Khóa học “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử” do Chương trình Initiative for Integration (IAI) Programme tài trợ đào tạo cho các cán bộ thuộc các cơ quan Chính phủ Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hợp tác Việt Nam- Singapore (ảnh minh họa: VISTIP)
Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp và tư vấn chuyển đổi số trong lĩnh vực công thuộc Trường Đại học quốc gia Singapore, tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa- SMEs và doanh nghiệp siêu nhỏ), tùy thuộc vào lĩnh vực của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, doanh nghiệp Việt sẽ phải chuyển đổi số theo những tiến trình và cách thức khác nhau. Đa phần các doanh nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi số thường gặp không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên là nhân sự trong doanh nghiệp phải nắm bắt được việc áp dụng các tiến bộ công nghệ số, tiếp theo là phải sẵn sàng chi phí cho việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp và hiệu quả làm nền tảng cho việc chuyển đổi số và đại bộ phận dân chúng phải sẵn sàng cho việc sử dụng các thiết bị thông minh cho nhu cầu kết nối tiêu dùng của mình. Về điều này thì Việt Nam có lợi thế khi mà tốc độ phát triển về internet, điện thoại di động, các thiết bị liên lạc cầm tay thông minh thường cao hơn so với mặt bằng chung các nước trong khu vực.
Khi chuyển đổi số những nhà cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải đưa ra những giải pháp cung cấp những nền tảng giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ kinh doanh, doanh nghiệp cần hiểu được nội tại và nhu cầu cốt lõi của chính doanh nghiệp mình. Ngoài những doanh nghiệp sản xuất chế biến chế tạo lớn phải chuyển đổi số thì những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tới toàn bộ xã hội và thuộc về nhu cầu thiết yếu của dân chúng (daily needs for public) sẽ phải dịch chuyển càng sớm càng tốt như: Logistics giao nhận vận tải và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, fintech (công nghệ tài chính), dịch vụ tài chính ngân hàng, sản xuất phân phối, sản xuất và kinh doanh thực phẩm,...
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019, doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư có trọng điểm trọng tâm vào nhân tố con người, mục tiêu, quy trình, nền tảng và dịch vụ trọng tâm... Quy trình chuyển đổi số gồm 3 giai đoạn: 1) xác định giá trị cốt lõi của tổ chức, doanh nghiệp; 2) tăng tốc chuyển đổi số bằng các dự án thí điểm làm chủ công nghệ số; 3) nhân rộng việc chuyển đổi số cho toàn bộ hoạt động, và nâng cao năng lực đồng bộ để toàn bộ doanh nghiệp trở thành “doanh nghiệp số” .
Lời giải phù hợp nhất cho các doanh nghiệp là tiếp cận những giải pháp có thể giải quyết ngay được những vấn đề trước mắt, từ đó từng bước làm chủ công nghệ và liên tục cải tiến mô hình tránh bị lạc hậu trong thời gian ngắn do sự chuyển đổi phát triển quá nhanh của công nghệ, việc chuyển đổi số giữa lĩnh vực công và tư cũng nên đồng bộ về nền tảng công nghệ để việc chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu thu được tiện ích, tránh chồng chéo và lãng phí khi cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư cùng xây dựng một hệ thống dữ liệu riêng rẽ.
Việc chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực công và trong cộng đồng doanh nghiệp Việt theo mục tiêu đến 2025 như đã nêu sẽ là một bước tiến hiệu quả của hội nhập KH&CN nói riêng cũng như hội nhập kinh tế nói chung của Việt Nam.