Thứ sáu, 18/09/2020 15:16 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chung tay thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Để câu nói “lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” đi vào thực chất và lan tỏa các giá trị của đổi mới sáng tạo trong xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ công tác giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc thúc đẩy Khu CNC Hòa Lạc trở thành cái lõi R&D của cả nước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đến thăm dự án VKIST. Ảnh: Hoàng Nam.
 

Đó là trọng tâm của buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, diễn ra vào ngày 10/9/2020. Không phải ngẫu nhiên mà địa điểm buổi làm việc này lại là Khu CNC Hòa Lạc, một trong ba vườn ươm công nghệ cao của Việt Nam và được đặt kỳ vọng sẽ trở thành những thành phố công nghệ trong tương lai. Không riêng gì Bộ KH&CN, cơ quan chủ quản của Khu CNC Hòa Lạc, mà cả Bộ KH&ĐT cũng đều mong mỏi Hòa Lạc sẽ là một trong những điểm khởi nguồn của công nghệ mới ở Việt Nam và lựa chọn nơi này là điểm xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, một đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập để hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng KH&CN.

Do đó, trong buổi làm việc này, khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hi vọng “Chúng tôi tiếp cận với KH&CN và đổi mới sáng tạo để trả lời câu hỏi ‘KH&CN tác động thế nào đến nền kinh tế và nền kinh tế tận dụng thể nào KH&CN để phát triển?’” Quan điểm đó đã nhận được sự chia sẻ của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, “nếu muốn tập trung cao độ vào phát triển sản phẩm của Việt Nam thì không thể không có R&D. Công việc đó doanh nghiệp không thể tự mình làm được, cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước để hoàn thiện công nghệ mới và ra được đến sản phẩm trên quy mô công nghiệp”.

Điểm khuyết thiếu

Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch Covid-19, cuộc họp bàn đã đề cập đến tình hình ứng phó dịch bệnh của Việt Nam, trong đó có câu chuyện về bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên công nghệ RT-PCR “chuẩn vàng”, một sản phẩm hợp tác giữa Học viện Quân y và Công ty Công nghệ sinh học Việt Á theo đơn đặt hàng của Bộ KH&CN. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét “Tôi nghĩ rằng việc làm ra một bộ kit xét nghiệm nhanh đạt tiêu chuẩn quốc tế ngay đợt đầu của đại dịch của hai đơn vị này thực chất có một điểm xuất phát thuận lợi, đó là họ đã có được công nghệ lõi từ trước và có kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, không phải muốn là có ngay”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng điểm qua một số yếu tố để Học viện Quân y có thể “đánh nhanh, thắng nhanh” trong khi phải chạy đua với thời gian làm ra bộ kit theo đúng yêu cầu của Bộ KH&CN: quy trình one step real-time RT – PCR đã được các nhà nghiên cứu của học viện thử nghiệm thành công trên bộ kit phát hiện virus Ebola bốn năm trước và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; các kinh nghiệm thu được từ các đề tài do Quỹ NAFOSTED và những đề tài thuộc nhiều chương trình KH&CN quốc gia khác của Bộ KH&CN đầu tư cho học viện; Việt Á cũng tham gia thực hiện nhiều đề tài sản xuất thử nghiệm trong các chương trình KC04, KC10… “Cả Học viện Quân y và Việt Á đều có chặng đường dài thử nghiệm trên hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư sẵn có nữa. Điều này chính là nền tảng để đến thời điểm cần thiết họ có thể tăng tốc và đưa ra sản phẩm có chất lượng”.

Câu chuyện về việc hợp tác phát triển và sản xuất thành công bộ kit đúng thời điểm và đạt tiêu chuẩn quốc tế của một đơn vị nghiên cứu với một doanh nghiệp như vậy đều có bóng dáng của nhà nước thông qua các chương trình KH&CN do Bộ KH&CN quản lý, điều hành. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ các cơ quan quản lý như Việt Á, chưa xây dựng được năng lực cho mình để có thể từng bước tham gia được vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI. “Đây là điều chúng tôi trăn trở suy nghĩ suốt nhiều lần ‘tại sao doanh nghiệp không lớn được, không gắn được với doanh nghiệp FDI, tại sao giá trị gia tăng không thuộc về chúng ta?’”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu hiện trạng và đưa ra một lý giải. “Tôi vẫn cứ cho rằng, vấn đề mấu chốt và cốt lõi là nền tảng công nghệ của chúng ta kém và chúng ta không nắm được công nghệ mới. Người ta không chuyển giao công nghệ mới đâu nên muốn thay đổi thì mình phải làm chủ công nghệ, bật lên từ công nghệ”.

Doanh nghiệp mà hai Bộ trưởng nhắc đến ở đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng năng động bậc nhất của nền kinh tế và cũng là nơi cần nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất khi không có nhiều kinh phí đầu tư cho R&D như một số “ông lớn” như Viettel, FPT hay Phenikaa… Do đó, theo quan điểm của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những đầu tư cho nghiên cứu và hỗ trợ tạo dựng kết nối trường, viện – nhà sản xuất như thế này vẫn còn chưa đủ để đảm bảo làm chủ được công nghệ mà còn phải thêm một khâu hỗ trợ khác để sản phẩm đầu ra đạt được những tiêu chuẩn như mong muốn. “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta không chỉ là số lượng đầu tư cho các bên, cũng không phải là số bằng sáng chế mà cuối cùng phải ra sản phẩm công nghệ cao”, ông phân tích. “Tuy nhiên chúng tôi thấy là để có được sản phẩm như vậy thì vẫn còn thiếu khâu cuối cùng, đó là hạ tầng kiểm tra thiết bị và hoàn thiện cho ra sản phẩm. Một mình doanh nghiệp không thể tự giải quyết được khâu đó.

Cùng tháo gỡ vướng mắc

Những điểm khuyết thiếu như vậy đã tồn tại trên con đường phát triển và gia nhập chuỗi giá trị lớn hơn của các doanh nghiệp mà chưa có giải pháp thỏa đáng. Đây là lý do mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “chưa bao giờ từ KH&CN và đổi mới sáng tạo lại được lặp đi lặp lại nhiều thế. Bất kể chỗ nào cũng nói về nó, các định hướng chủ trương phát triển đều phải nói về nó” nhưng từ ý chí đến thực tế còn một khoảng cách dài.

Để có giải pháp tháo gỡ thỏa đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT sẽ có những hợp tác mới giai đoạn 2021-2025. Một trong những tâm điểm của kế hoạch hành động này là: Bộ KH&CN đề xuất đầu tư nhóm dự án về hạ tầng đổi mới sáng tạo với bốn dự án KH&CN gắn liền mục tiêu “đổi mới sáng tạo thực sự trở thành cột trụ cho động lực phát triển kinh tế”. Đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hỗ trợ cho các kết quả nghiên cứu để góp phần cùng doanh nghiệp đưa nó thành công nghệ và sản phẩm chất lượng cao.

Một là, dự án đầu tư phát triển hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ KH&CN) lý giải: ‘Để hỗ trợ các ngành công nghiệp, Việt Nam cần một hạ tầng chất lượng quốc gia với ba mảng: xây dựng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hạ tầng liên quan đến đo lường, đánh giá sự phù hợp. Trong đó, Viện Đo lường quốc gia Việt Nam là thành tố rất quan trọng, là nơi tập trung các chuẩn quốc gia hàng đầu. Nếu hoàn thiện được hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong 41 lĩnh vực đạt trình độ trong khu vực đạt top 4 Asean thì Việt Nam có điều kiện đảm bảo độ chính xác đo lường trong lĩnh vực công nghiệp thu hút những hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo sản phẩm của những tập đoàn lớn”. Bộ KH&CN hi vọng, khi được triển khai đồng bộ, dự án sẽ tạo điều kiện nâng cao vấn đề đảm bảo đo lường của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.

Hai là, dự án đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiêu chuẩn trung tâm đo lường, thử nghiệm hàng đầu khu vực trong một số lĩnh vực trọng điểm. Dự án có mục tiêu tăng cường đầu tư trong một số lĩnh vực trọng điểm về đo lường, thử nghiệm hoàn chỉnh, đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn, chuẩn mực của hệ thống phòng thử nghiệm hiện đại, tương đương tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian qua, Trung tâm kỹ thuật này đã phục vụ hiệu quả cho vấn đề phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… đều cần phải trải qua quá trình đánh giá sự phù hợp của Trung tâm. Trong giai đoạn tới, với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao thì Trung tâm cần đầu tư một số lĩnh vực mới như an toàn thực phẩm, sản phẩm biến đổi gene, năng lượng, vật liệu mới…

Ba là, đầu tư hoàn thiện mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Trong bối cảnh quốc gia láng giềng là Trung Quốc xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành nhiều tổ máy điện hạt nhân thì việc đầu tư hệ thống này có ý nghĩa quan trọng để có thể cảnh báo kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân và có ngay phương án đối phó. Mục tiêu của dự án là trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện trung tâm điều hành quốc gia ở Hà Nội và ba trạm quan trắc cấp vùng ở Hà Nội, Đà Lạt, TP HCM cùng với việc xây dựng một trạm vùng mới tại Đà Nẵng; bên cạnh đó sẽ hoàn thiện thiết bị quan trắc cho hai trạm địa phương tại Lạng Sơn và Lào Cai, xây dựng mới 15 trạm địa phương khác.

Bốn là, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm và doanh nghiệp công nghệ cao. Trung tâm là một đơn vị thực hiện các nhiệm vụ: R&D, dịch vụ KHCN và phát triển công nghệ cao, đồng thời là đầu mối để liên kết, tăng cường năng lực R&D giữa đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Khu với các doanh nghiệp trong Khu CNC và cả trong, ngoài nước. Mục tiêu hoạt động của Trung tâm là thực hiện nghiên cứu, liên kết để nghiên cứu nhằm tạo ra các công nghệ cao và sáng chế, liên kết các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm CNC nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể về phát triển KT-XH trong từng giai đoạn. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ đóng vai trò liên kết với các đơn vị, trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, bộ, địa phương và cùng các nhà khoa học, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế xây dựng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, hình thành doanh nghiệp spin off, doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn lớn.
 

Các kỹ sư của Viettel thử nghiệm thiết bị thông tin quân sự. Ảnh: Trần Thọ/QĐND
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhóm dự án đó là nền tảng quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa của nó: “Đây là những việc hai bộ có thể làm tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó Hòa Lạc sẽ góp phần đem lại những công trình mang tính dẫn dắt và tạo sự đồng bộ trong các tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, qua đó chúng ta có thể thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư cho công nghệ và đưa R&D trở thành cái lõi của doanh nghiệp cả nước.

Với quan điểm là sẽ luôn ủng hộ hết mình cho dự án có thể mang đến bước phát triển đột phá cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, Bộ KH&CN cần tạo ra những dự án có ý nghĩa như những ‘cú đấm thép’ với sự phát triển KT-XH để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

"Mục tiêu của chúng ta không chỉ là số bằng sáng chế mà phải là phát triển những sản phẩm công nghệ cao ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, để có được sản phẩm như vậy, chúng ta cần hạ tầng kiểm tra thiết bị và hoàn thiện sản phẩm.

Công việc đó, doanh nghiệp không thể tự giải quyết được, mà cần có sự hỗ trợ của nhà nước."

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

 

"Bốn dự án về hạ tầng đổi mới sáng tạo - một trong những trọng điểm của sự hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT trong giai đoạn 2021-2025 là nền tảng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam; và các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNC nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể về phát triển KT-XH trong từng giai đoạn."

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

 

Hai Bộ đã phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, và cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ:

Phối hợp tích cực trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách pháp luật như xây dựng Luật đầu tư đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và nhấn mạnh về các nội hàm ưu đãi đầu tư về hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng cũng như với doanh nghiệp KHCN, CNC và ĐMST;

Xây dựng các nội dung liên quan về chính sách ưu đãi cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, cũng như cắt giảm các thủ tục kinh doanh cho các đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST, phối hợp với các nội dung khác trong nghị định nhằm hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật đầu tư;

Phối hợp xây dựng các nội dung trong các Nghị định nhằm hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật đầu tư; Tích cực phối hợp để đưa nội hàm KH&CN vào các đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020, cụ thể hóa các nhiệm vụ trong tâm phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020;

Tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ODA, viện trợ nước ngoài, phối hợp để tạo điều kiện thu hút và triển khai các dự án FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ 4.0.

 

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 20446

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)