Căn nguyên của SD/SXHD được xác định do vi rút dengue với 4 típ huyết thanh (DEN1-DEN4). Vi rút dengue có vật liệu di truyền là RNA nên thiếu hụt hoạt động chỉnh sửa (DNA polymerase), do đó ước tính sẽ xuất hiện tỷ lệ lỗi khoảng từ 10-3 đến 10-5 đột biến trên nucleotide trong 1 chu kỳ nhân lên và khả năng xảy ra rất nhiều đột biến kép (5,7,8). Cho dù phần lớn vi rút đột biến đều không có khả năng gây nhiễm, nhưng cũng tạo ra quần thể vi rút chứa các vi rút đa dạng về di truyền (có thể gọi là quasi species- tương tự loài). Cơ chế của sự chọn lọc còn chưa rõ, nhưng khả năng ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, đặc biệt trong nhiễm thứ phát của tính tương tự loài cần được làm rõ (8–11).
Tại Việt Nam, sự lưu hành của 4 típ huyết thanh của vi rút dengue cũng được ghi nhận, trong đó vi rút DEN1 và DEN2 là vi rút gây dịch nổi trội trong những năm gần đây (2,12–15). Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia có số mắc và số tử vong do SXHD cao nhất trong khu vực Đông nam Á và Tây Thái bình dương, trong khuôn khổ nhiệm vụ hợp tác quốc tế Việt Nam- Nhật bản- Phillipines, nhóm nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương do PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học phân tử (tính tương tự loài - Quasi-species) của vi rút dengue đang lưu hành tại Việt Nam và Philipin” với mục tiêu nghiên cứu:
Xác định đặc điểm phân tử (tính tương tự trong loài- Quasi species) của vi rút dengue, các yếu tố ảnh hưởng đến tính thấm thành mạch, so sánh sự lưu hành các phân típ huyết thanh, các kiểu gen của DENV tại Việt Nam và Philipin; Nghiên cứu đề xuất giải pháp dự báo phòng chống dịch.
Nghiên cứu về “đặc điểm sinh học phân tử (tính tương tự loài - Quasi-species) của vi rút Dengue đang lưu hành tại Việt Nam và Philipin” trong giai đoạn 2014-2016 đã cho thấy:
- Xu hướng đồng lưu hành 4 tip vi rút dengue trong các mùa dịch được ghi nhận tại Việt Nam và Philippines. Kiểu gen của từng tip huyết thanh mang tính địa phương cho từng quốc gia. Sự thay đổi (tiến hoá) về mặt di truyền của các kiểu gen của vi rút dengue chưa được ghi nhận trong giai đoạn nghiên cứu.
- Chưa phát hiện bằng chứng về sự liên quan giữa biểu hiện tăng tính thấm thành mạch và sự thay đổi di truyền của virut dengue. Mức độ nghiêm trọng (diễn biến nặng của bệnh) được ghi nhận tại các bệnh nhân nhiễm vi rút dengue thứ phát, vi rút DEN-2 có xu hướng gây bệnh nặng hơn so với các tip vi rút khác. Tuy nhiên khả năng tăng độc lực của vi rút DEN-2 kiểu gen Cosmopolitant được xác định trong nghiên cứu này chưa được chứng minh.
- Kháng thể bảo vệ tồn lưu trong cộng đồng cảm nhiễm tại Hà nội đạt 34%, tập trung chủ yếu tại nhóm tuổi 20-40 tuổi, giá trị trung bình KT đặc hiệu của DEN-1, DEN-2 và DEN-3 đều giảm sau mùa dịch liên quan đến hiện tượng trung hoà với vi rút lưu hành gây dịch, vì vậy việc tiếp tục lưu hành bệnh SXHD trong cộng đồng là hiện thực và diễn biến nặng liên quan đến cơ chế kháng thể tăng cường (ADE) cần được cảnh báo. Các phương pháp dự báo và phòng chống dịch cần dược thực hiện đồng bộ phát triển trên cơ sở các dữ liệu về dịch tễ, côn trùng, thời tiết và mặt bằng kháng thể trong cộng đồng.
*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14884/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.