Mỗi năm, ngành chăn nuôi bò sữa thường xuyên phải đối mặt với những căn bệnh gây thiệt hại kinh tế mà cho đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Trong số đó, bệnh viêm vú được xem là căn bệnh gây thiệt hại lớn nhất cho ngành chăn nuôi bò sữa, bởi những hệ lụy của nó như làm mất khả năng cho sữa của bò, gây chết bò nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay tỷ lệ bò cái cho sữa mắc bệnh này lên tới 60%, phải thải loại vật nuôi nếu nhiễm bệnh ở mức nặng.
Đó là vấn đề mà các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi Quốc gia) vẫn đi tìm câu trả lời lâu nay nhưng chưa có lời giải nào triệt để. “Để ngăn ngừa bệnh này, chúng tôi thường phải dùng vào các loại thuốc lodin 0,1-0,2%, mỡ kháng sinh hoặc chất sát trùng tương đương khác... sau mỗi lần vắt sữa cho bò” – TS Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm cho biết. Những phương pháp này tuy có hiệu quả nhất định, nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ cho gia súc như làm tổn thương lớp da non, gây khô da. Ngoài ra, các chất khử trùng được sử dụng có độ bám dính kém, chỉ có thể duy trì tác dụng khử trùng trong vài ba giờ đồng hồ và cần phải sử dụng với số lượng lớn.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì xem xét tình trạng bò sữa
Ở một số nơi, người dân còn tự điều trị bệnh viêm vú ở bò bằng dùng kháng sinh tiêm bắp hoặc tiêm trực tiếp vào bầu vú. Tuy phương pháp này mang lại hiệu quả cao, nhưng sau khi tiêm thuốc kháng sinh, thời gian đầu bắt buộc phải đổ bỏ sữa bò do trong sữa có hàm lượng chất kháng sinh, không đảm bảo chất lượng. “Mặt khác, hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra ngày càng nhanh và mạnh, đòi hỏi phải có các loại thuốc kháng khuẩn và diệt khuẩn mới, cũng như phương pháp điều trị hiệu quả hơn” – ông Lưu chia sẻ.
Vốn là nơi có nhiều kinh nghiệm điều chế các loại thuốc, vật liệu an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp, khi biết đến những khó khăn mà ngành chăn nuôi bò sữa đang gặp phải, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghĩ rằng công nghệ nano bạc chính là chìa khóa giúp giải quyết vấn đề này. “Với nồng độ thấp, nano bạc vẫn có khả năng diệt nấm và vi khuẩn rất mạnh mà không gây hại cho con người, động vật” – PGS.TS Nguyễn Hoài Châu cho biết. Tuy phương pháp này đã được áp dụng khá rộng rãi và phổ biến trong ngành y tế trong vài năm trở lại đây nhưng lại chưa hề được áp dụng cho nghiên cứu điều trị căn bệnh phổ biến này ở bò sữa.
Gel và kem nano bạc nồng độ 50 – 250 ppm: A – gel không có bạc, B – kem nano bạc 50 ppm, C – kem nano bạc 100 ppm D – kem nano bạc 150 ppm, E – kem nano bạc 200 ppm, F – kem nano bạc 250 ppm
Chính vì vậy, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Môi trường đã quyết định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì trong Dự án KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp" nhằm tìm ra loại thuốc tối ưu giúp phòng trị bệnh viêm vú ở bò sữa hiện nay.
Khả năng diệt khuẩn cao
“Bệnh viêm vú do bò có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng trước tiên chúng tôi xác định được các loại vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh gồm Streptococcus agalactiae (liên cầu), Staphylococcus aureus (tụ cầu) và trực khuẩn gây mủ Bacillus pyogenes, E.coli.” – PGS.TS Nguyễn Hoài Châu phân tích. Việc vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy không đúng kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại không đúng cách, các bệnh truyền nhiễm… sẽ gây ra những tổn thương ở các núm vú của bò sữa. Vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong môi trường chăn nuôi xâm nhập vào núm vú tổn thương, gây ra viêm vú.
Sau nhiều lần thử nghiệm, các nhà khoa học xác định được hàm lượng nano bạc trong thuốc điều trị sẽ nằm trong khoảng từ 50mg đến 250mg/kg kem. Dung dịch hoạt chất diệt khuẩn nano bạc để trộn trong kem cũng phải được chuẩn bị sao cho nồng độ nano bạc phân tán trong dung dịch nằm trong khoảng từ 100 đến 500mg/l. “Nếu hàm lượng nano bạc nhỏ hơn 50mg/kg kem và nếu nồng độ nano bạc nhỏ hơn 100mg/l thì hiệu quả diệt khuẩn sẽ kém, dẫn đến hiệu quả điều trị bệnh việm vú ở bò sữa cũng không cao, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài”, PGS Châu liệt kê các trường hợp. Còn nếu hàm lượng nano bạc lớn hơn 250mg/kg kem hoặc nồng độ nano bạc cao hơn 500mg/l thì chất lượng kem sẽ không tốt, kem không đồng nhất, dễ vón thành đám nano bạc. “Chính vì thế, hàm lượng nano bạc tốt nhất là nằm trong khoảng từ 100mg đến 150mg/kg kem.”
Hàm lượng dầu oliu cũng quyết định đến độ đông đặc của kem. Hàm lượng dầu tốt hơn cả là nằm trong khoảng từ 100g đến 700g/kg kem. Hàm lượng sáp ong trong kem thì nên khoảng từ 10g đến 200g/kg kem. Ngoài ra, “cũng như trong tất cả tá dược sử dụng cho các dạng thuốc khác, tá dược tạo kem bôi vú ở bò sữa còn là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình giải phóng, hấp thu dược chất và trị liệu” – ông Châu chia sẻ.
Sau một thời gian kiểm tra tác dụng của kem bôi trên các chủng vi sinh vật gây bệnh dùng trong nghiên cứu khả năng kháng khuẩn do Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học (USA) cung cấp, các nhà khoa học đã quyết định tiến hành thử nghiệm trên tổng số 100 bò đang khai thác sữa và 50 bò cạn sữa tại Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2017.
Kết quả cho thấy, kem có thành phần nano bạc ở nồng độ 50-250ppm có khả năng diệt các loài vi khuẩn gây bệnh viêm vú. Cụ thể, kem giúp phòng được 93,62% tỷ lệ viêm vú cận lâm sàng và viêm vú cận lâm sàng do nấm và E.coli gây ra; kem có tác dụng hiệp đồng với kháng sinh khi kết hợp với ceftiofer hiệu quả điều trị đạt 93,33%. Quá trình điều trị không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bầu vú và không làm tăng tỷ lệ viêm vú ở bò sữa, đặc biệt sau khi điều trị, tiếp tục duy trì sử dụng kem có thành phần nano bạc bôi ở bên ngoài núm vú và bầu vú để phòng bệnh viêm vú tái phát trở lại. “Thêm vào đó, kem nano bạc có thể hạn chế các loại vi khuẩn gây viêm vú và nấm, hạn chế tối đa bệnh viêm vú lâm sàng, cận lâm sàng sau khi bò đẻ 1-2 giờ, đồng thời hạn chế các loài vi khuẩn và nấm có khả năng gây viêm vú ở bò sữa mà ít ảnh hưởng tới sức khỏe núm vú” – PGS Châu cho biết. Với kết quả này, kem nano bạc giúp điều trị bệnh viêm vú ở bò sữa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002002, được công bố ngày 25.4.2019.
Dù kết quả khả quan là vậy, nhưng theo TS Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, để có thể áp dụng hiệu quả loại kem này trên quy mô lớn, có rất nhiều điều cần phải lưu ý.
“Hiện tại, chúng tôi đang cho triển khai sử dụng kem nano bạc đồng loạt trên diện rộng đối với bò trong giai đoạn khai thác sữa và cạn sữa ở Trung tâm để phòng và ngăn ngừa bệnh viêm vú ở bò sữa” – TS Lưu cho biết. Nhưng không phải cứ bôi là được ngay, người sử dụng cần lưu ý một số điểm như cần xoa kem lên tay vắt sữa, bôi lên vú bò sau vắt sữa để có thể giảm khả năng mắc bệnh viêm vú; cần bôi kem lên các vết thương hở, vết loét, vết nứt nẻ và vết nhiễm trùng trên bò và bê. Để phòng bệnh viêm vú bò sữa, người chăn nuôi cần bôi kem nano bạc cho bò sữa trước khi đẻ 15 ngày và toàn bộ thời gian trong giai đoạn vắt sữa. Đồng thời, cần sử dụng kết hợp kem nano bạc trong điều trị bệnh viêm vú với kháng sinh để mang lại hiệu quả cao.
“Cũng giống như các loại thuốc điều trị bệnh khác, việc dùng kem nano bạc không có gì gây trở ngại” – TS Tăng Xuân Lưu cho biết. “Tuy nhiên nếu muốn áp dụng vào thực tế quy mô lớn, nhà khoa học cần kiên trì thuyết phục, thậm chí là cầm tay chỉ việc để người chăn nuôi có thể thực sự hiểu, biết và thấy được tác dụng của kem nano so với các sản phẩm mà họ đã sử dụng từ trước đến nay.”