Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN.
Đó là một số nội dung trao đổi của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN với Khoa học và Phát triển trước thềm Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ 23.
Nhìn vào bức tranh KH&CN trong những năm qua, có thể thấy một số đổi mới quan trọng và ấn tượng như chính sách KH&CN đã tiếp cận được những xu hướng rất mới trên thế giới, đầu tư tư nhân cho KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng đầu tư cho KH&CN trong cả nước. Thứ trưởng có thể đánh giá một cách tổng thể về những chỉ đạo xuyên suốt đem lại sự thay đổi này?
Điều trước tiên có lẽ đó là một tinh thần lắng nghe và cầu thị từ phía Đảng bộ, lãnh đạo Bộ KH&CN. Trước đây, trong các văn kiện chỉ đạo của Đảng, chính sách KH&CN thường được đặt trong vai trò là “đi cùng các ngành” để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nhưng đến hiện nay trong định hướng về hoạt động KH&CN, trong các văn kiện chỉ đạo đã tập trung nhấn mạnh nội dung KH&CN là không những đi cùng mà còn phải “đi trước”, đưa ra dự báo và có nghiên cứu trước để định hướng cho phát triển gắn với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Do đó, để dự báo được các bài toán cụ thể, chúng tôi đã xác định ngành KH&CN phải lắng nghe, ghi nhận những đầu bài từ phía doanh nghiệp, sau đó tổ chức các nhà khoa học, các chuyên gia đề xuất những giải pháp và cùng doanh nghiệp tham gia giải quyết.
Trong thời gian vừa qua chúng ta có thể nhìn thấy rõ những biến đổi mới của đời sống kinh tế thể hiện trong các định hướng chính sách lớn của ngành KH&CN rất nhanh chóng. Một điển hình trong đó là chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN đề xướng (trong khuôn khổ Đề án 844) hiện nay đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương. Thời điểm bắt đầu xây dựng đề án này vào năm 2014, thì VCCI cũng đã có chương trình khởi nghiệp nhưng Bộ KH&CN nhận thấy đó là khởi nghiệp chung chưa tính đến các yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái cho các ý tưởng sáng tạo dựa vào các kết quả nghiên cứu và rất cần phải thúc đẩy lực lượng này.
Điển hình thứ hai là chủ trương tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngay khi nhận thấy cuộc cách mạng này mới bắt đầu được đề cập trên thế giới, Bộ KH&CN là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu các xu hướng mới như cơ sở dữ liệu lớn, robot, kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, 3D... và xác định Việt Nam cũng không thể đứng ngoài con đường mà các nước trên thế giới đang đi. Bộ đã chủ động đặt ra và nhận lấy bài toán cần giải: với xuất phát điểm của một đất nước có những lĩnh vực mới chỉ đang ở cuộc cách mạng lần thứ hai hoặc cuộc cách mạng lần thứ ba, vậy làm sao để Việt Nam vận dụng được ưu thế của CMCN lần thứ tư để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực của mình và không bỏ lỡ thời cơ do cuộc cách mạng này mang lại? Từ đó, Bộ đề xuất với Chính phủ xây dựng Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 về việc tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư, sau đó Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 về việc tiếp cận cuộc cách mạng này.
Tinh thần lắng nghe, phân tích toàn diện để đưa ra dự báo kịp thời được thể hiện trong những định hướng chính sách mang tính dài hạn, đồng thời được cụ thể hóa sinh động cả trong những chính sách mang tính thời sự để giải quyết ngay bài toán mà đất nước đang cần. Năm 2020, đất nước ta phải đối mặt với biến động rất lớn trăm năm mới có một lần do đại dịch Covid-19 đem đến. Với tất cả sự chuẩn bị từ trước đó nhiều năm, Bộ KH&CN đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, từ các nhóm nghiên cứu cơ bản trong các viện, trường đến các công ty sản xuất và các nhà khoa học công nghệ thông tin để nghiên cứu chế tạo ngay những sản phẩm phục vụ tức thời cho công cuộc chống dịch như: bộ kit thử Covid-19, robot phục vụ y tế, dùng ứng dụng CNTT truy vết những người mắc Covid-19.
Để thực hiện được thắng lợi tất cả các nhiệm vụ đó, chúng ta có được thuận lợi lớn là cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy Bộ KH&CN và Ban cán sự đảng Bộ KH&CN, việc thực hiện nhịp nhàng cùng quyết tâm của toàn bộ ngành KH&CN, từ trung ương tới các sở KH&CN địa phương, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cũng như phối hợp đồng bộ với các bộ ngành khác.
Trong Đảng bộ Bộ KH&CN, cơ chế phối hợp để chỉ đạo được tiến hành như thế nào để đảm bảo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị và chuyên môn đã đề ra, thưa ông?
Đảng bộ Bộ KH&CN đã luôn kịp thời chủ động và triển khai các nghị quyết của các Hội nghị BCHTW Đảng, chỉ thị từ các cơ quan cấp trên, và được sự hỗ trợ rất lớn của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự cũng luôn phổ biến những nghị quyết trung ương một cách nhanh nhất để đảng ủy Bộ kịp thời tổ chức học tập, phổ biến tới từng đảng viên.
Nhiệm kỳ vừa qua cũng cho thấy sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Đảng ủy với Ban cán sự đảng Bộ KH&CN. Ban thường vụ giúp Đảng ủy Bộ tập hợp lãnh đạo các đơn vị quan trọng nhất của Bộ, thường xuyên họp, cho ý kiến và giải quyết những vấn đề của Đảng Bộ và giúp Đảng ủy thực hiện tốt cơ chế phối hợp với Ban cán sự Đảng trong mọi công tác: Đảng ủy thường xuyên được Ban cán sự xin ý kiến về các định hướng, nhiệm vụ lớn, chủ trương lớn về phát triển KH&CN, như định hướng phát triển CMCN lần thứ tư, hay các dự án quan trọng của các đơn vị trong Bộ. Sự đoàn kết, thống nhất, kịp thời chia sẻ thông tin và làm việc một cách dân chủ công khai là những bài học rút ra từ thành công trong hoạt động của Đảng ủy và Ban thường vụ năm năm vừa qua.
Về phía đội ngũ của Đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua gồm 49 đảng bộ và chi bộ trực thuộc và hơn 1900 đảng viên, về cơ bản phần lớn đã đóng vai trò là những hạt nhân nòng cốt, hoạt động tốt, đóng góp rất nhiều cho việc lãnh đạo chỉ đạo, hoàn thành chuyên môn của từng đơn vị, và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Ban thường vụ Đảng ủy Bộ. Vai trò của các tổ chức đảng cơ sở là rất quan trọng, đặc biệt trong công tác lựa chọn con người, đánh giá cán bộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó công tác quy hoạch, tổ chức đào tạo bồi dưỡng, phát triển quần chúng cũng đều được quan tâm chăm lo. Trong thời gian qua, những đảng bộ, chi bộ nào phối hợp chặt chẽ giữa công tác đảng và công tác chính quyền tốt thì chắc chắn đều thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một vài nơi tổ chức đảng không mạnh dẫn tới có sự bất đồng, mất đoàn kết trong đơn vị.
Tới đây, để đảm bảo nguồn lực con người cho việc thực hiện tất cả những chỉ đạo, định hướng mới này, Đảng ủy Bộ KH&CN cùng tất cả các tổ chức Đảng cơ sở phải đề cao quán triệt việc xây d ựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, luôn đảm bảo công tác chỉnh đốn đảng, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và đảng viên phải tiên phong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong một bối cảnh mới rất nhiều biến động khó lường.
Trong nhiệm kỳ năm năm vừa qua có thể nói Bộ KH&CN đã tham mưu và xây dựng nhiều chính sách đổi mới quan trọng nhằm “gỡ rào cản” trong cả khu vực KH&CN công lập cũng như khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn những khó khăn, thách thức?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại Triển lãm Techfest 2019. Ảnh: VKIST.
Nhìn toàn cảnh thì chúng ta có thể thấy là chủ trương cởi trói về cơ chế được thể hiện xuyên suốt trên nhiều lĩnh vực của ngành KH&CN, nhiều nghị định. Ví dụ như đối với khối KH&CN công lập thì có các nghị định về tự chủ, với khối doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đã có những quy định rất mới về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp khuyến khích đầu tư mạo hiểm, hoặc trong việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có sự đầu tư của nhà nước... Mặc dù các chính sách này được đưa ra với rất nhiều kỳ vọng lúc đầu, nhưng trên thực tế khi đưa vào thực hiện thì còn vấp phải một số rào cản nhất định. Ví dụ, những dự định ban đầu về cơ chế tự chủ trong hoạt động của các tổ chức KH&CN đã cho phép mức độ tự chủ cao nhất là quyền đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp, và trao cho thủ trưởng đơn vị quyền quyết định biên chế, quyết định mức lương dựa trên căn cứ vào năng lực, sự đóng góp của cán bộ KH&CN, nguồn lực của tổ chức... Nhưng các nội dung này lại không được thể hiện trong nghị định 54/2016/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, do Nghị định này còn phải tuân theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Do đó,Bộ KH&CN đang đề xuất xây dựng riêng một nghị định về tự chủ cho sự nghiệp KH&CN có định hướng ứng dụng, với mong muốn lấy lại tinh thần tự chủ như đã đề xuất, còn đối với các đơn vị làm nghiên cứu cơ bản sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn lực của nhà nước, vì nghiên cứu cơ bản rất quan trọng, là nền tảng cho nghiên cứu ứng dụng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của khoa học.
Tương tự, cách thức chúng ta thúc đẩy phát triển startup còn có những điểm chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm. Chẳng hạn các nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian chuyển tiền vào Việt Nam để đầu tư muốn thoái vốn và chuyển tiền ra nước ngoài sẽ phải qua rất nhiều thủ tục, quy trình và nhiều khi những quy định này không rõ ràng. Quan điểm của nước ta là phải quản lý thật chặt dòng tiền này để tránh những trường hợp rửa tiền, tuy nhiên vô hình trung điều đó gây ra những khó khăn cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Hay việc đánh thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng là một vấn đề. Ai cũng biết rằng, đầu tư mạo hiểm mười dự án thì chín dự án thất bại, chỉ một dự án thành công nhưng những quy định về thuế của chúng ta không tính đến những điều kiện như vậy. Với một dự án thành công, nhà đầu tư được lãi mười đồng nhưng với chín dự án thất bại, họ có thể đã mất đi chín đồng. Rốt cục, họ chỉ lãi một đồng nhưng hiện nay bị đánh thuế trên cả mười đồng.
Tương tự, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước lúc đầu cũng được đánh giá là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều, vì các kết quả nghiên cứu nào được nhà nước tài trợ dưới 30% sẽ được giao luôn cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp không cần nộp lại bất cứ một khoản nào vào ngân sách. Còn doanh nghiệp sẽ phải mua lại kết quả nghiên cứu hoặc coi nhà nước góp vốn vào đầu tư cho doanh nghiệp nếu nguồn ngân sách hỗ trợ chiếm trên 30% dự án nghiên cứu. Nhưng thực tế khi triển khai lại có vướng mắc là kết quả nghiên cứu ấy còn phải qua giai đoạn thăm dò thị trường, làm đi làm lại các mẫu thử, xem thực sự thị trường có chấp nhận không... thì doanh nghiệp mới có thể xác định có thể đầu tư mua kết quả nghiên cứu đó hay không. Do đó, thời gian tới đây sẽ cần nghiên cứu, xây dựng lại quy định này trên tinh thần nhìn nhận rằng đầu tư cho KH&CN là đầu tư mạo hiểm, không thể đòi hỏi đều đạt kết quả tất cả 100%.
Có thể nói việc tháo gỡ những điểm vướng về cơ chế chính sách là vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng nhằm tạo đà cho phát triển nguồn nội lực KH&CN đúng với kỳ vọng. Đây là những nội dung Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục báo cáo Chính phủ để nỗ lực thực hiện trong giai đoạn tới.
Xin ông chia sẻ về một số điểm nhấn trong dự kiến phương hướng hoạt động của Đảng bộ giai đoạn tới đây?
Phương hướng hoạt động của Đảng bộ trong năm năm tới đã được hoạch định và cụ thể hóa, với một số điểm nhấn quan trọng trong các nhiệm vụ chính trị như phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia trong đó phát huy hiệu quả hơn nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho KH&CN. Ví dụ cụ thể như trước đây, tỉ lệ đầu tư cho KH&CN giữa nhà nước và tư nhân là 70 – 30, đến giai đoạn gần đây nhất đã bắt đầu có sự thay đổi lên mức 48 – 52, nhưng dần dần chúng ta sẽ hướng tới mức 30-70. Có như vậy nguồn lực đầu tư cho KH&CN để phục vụ các mục tiêu phát triển mới tăng lên vì thực tế tiền chi ngân sách cho KH&CN dù chiếm 2% tổng chi ngân sách nhưng hiện nay chủ yếu mới dành cho chi lương và bộ máy, còn chi cho các nhiệm vụ lớn, các chương trình dài hơi, được đầu tư bài bản vẫn đang có hạn.
Bên cạnh các định hướng đã được thực hiện trước đây, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung thêm vào những chương trình dài hơi, góp phần đem lại nền tảng cho đổi mới sáng tạo ví dụ như chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) và Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là những chương trình mang tính nền tảng bởi mọi quốc gia khi phát triển trí tuệ nhân tạo và tiến hành chuyển đổi số đều phải có cơ sở dữ liệu được xây dựng khoa học, bài bản, tin cậy, kết nối toàn bộ cả nước, bao phủ các lĩnh vực khác nhau. Bộ KH&CN đã quán triệt với các sở KH&CN là ít nhất xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành KH&CN, sau đó xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối cho các sở, ban ngành của từng tỉnh. Điều đã và đang làm được là hệ tri thức Việt số hóa – tích hợp các kết quả nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật - hướng tới trở thành một cơ sở dữ liệu lớn tích hợp trí tuệ của người Việt Nam từ trước tới giờ.
Tất cả những định hướng về công tác quản lý của Bộ KH&CN đều sẽ được quan tâm, đưa vào nội hàm hoạt động của Đảng bộ trong thời gian tới, dưới mọi mặt công tác của Đảng bộ, từ công tác tổ chức, công tác xây dựng đảng, công tác dân vận, công tác tuyên giáo... Đảng bộ Bộ KH&CN tiếp tục được xây dựng và phát triển đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh, gắn liền với thực hiện các nghị quyết của trung ương, như nghị quyết trung ương IV về xây dựng đảng, Chỉ thị 05 về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác chỉnh đốn đảng, luôn luôn nhìn lại công tác xây dựng Đảng, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cần phải được làm thường xuyên, là yêu cầu thường trực của tất cả các tổ chức đảng.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Sự đoàn kết, thống nhất, kịp thời chia sẻ thông tin và làm việc một cách dân chủ công khai là những bài học rút ra từ thành công trong hoạt động của Đảng ủy và Ban thường vụ năm năm vừa qua.
Công tác chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng chi bộ và sinh hoạt chi bộ được Đảng ủy Bộ đặc biệt chú trọng. Đảng ủy Bộ đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK ngày 19/8/2016 “về nâng cao chất lượng chi bộ trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương” và thường xuyên chú trọng triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương về chi bộ và sinh hoạt chi bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng. Chất lượng đảng viên tham gia sinh hoạt ngày càng cao, dân chủ trong sinh hoạt đảng được tăng cường. Nội dung sinh hoạt chi bộ có nhiều đổi mới, đặc biệt chú trọng sinh hoạt chuyên đề. Phương pháp, hình thức sinh hoạt chi bộ ngày càng phong phú, hấp dẫn. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên tại chi bộ và kiểm tra, giám sát các chi bộ được quan tâm.
Trích Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Trong 5 năm qua, tiềm lực KH&CN không ngừng được nâng cao. Đến nay, cả nước có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian - TFP (đạt 7 người/vạn dân). Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư như Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Viện R&D Viettel, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech và hình thành 2 Trung tâm khoa học quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ. Hạ tầng thông tin KH&CN có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng rộng rãi mạng Internet, các mạng tiên tiến và công nghệ số. Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa được triển khai toàn diện. Ba khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực (52/48) so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN trên toàn quốc.
Hợp tác quốc tế về KH&CN được mở rộng với trên 70 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ, góp phần thu hút nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia. Các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ, Úc,... đã có tác động tích cực tới sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, giúp hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
|