Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận và công bố 299442 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu có chủ đơn là chủ thể Việt Nam; trong đó chủ yếu là đơn nhãn hiệu với 278144 đơn (chiếm 92,9%), 14084 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (chiếm 4,7%), 4705 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 1,57%) và giải pháp hữu ích là 2509 đơn (chiếm 0,83%).
Tỷ lệ nộp đơn đăng ký các đối tượng SHCN trong giai đoạn 2011-2019
Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp với 117943 đơn (chiếm 39,4%), đứng thứ hai là Hà Nội với 92110 đơn (chiếm 30,8%). Trong danh sách 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nhiều nhất, ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có sự xuất hiện của hầu hết các tỉnh/thành phố kinh tế năng động của Việt Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký SHCN nhiều nhất tại Việt Nam
Về tình hình đăng ký sáng chế, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sáng chế với 2098 đơn, đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh với 1301 đơn. Tiền Giang tuy không nằm trong TOP 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký sáng chế nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019, nhưng cũng đã cho thấy xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây (với 13 đơn năm 2018 và 22 đơn năm 2019).
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký sáng chế nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là ba địa phương có số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích nhiều nhất trong cả nước với tổng số 1959 đơn, chiếm 78% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích của các chủ đơn Việt Nam.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Về số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng đơn đăng ký nhiều nhất với 6051 đơn, tiếp theo lần lượt là Hà Nội và Bình Dương với 3411 và 629 đơn trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2019.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Nhãn hiệu là đối tượng sở hữu công nghiệp được nộp đơn nhiều nhất, chiếm xấp xỉ 93% tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu trong việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên khoảng cách về số lượng đơn nhãn hiệu của các tỉnh/thành phố khác so với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần thu hẹp hơn so với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác là kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và giải pháp hữu ích trong những năm gần đây.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Về số văn bằng đã được cấp, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng là hai địa phương có số lượng bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhiều nhất cả nước, với lần lượt là 910 và 406 văn bằng, chiếm khoảng 74% tổng số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của cả nước.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có số lượng bằng độc quyền sáng chế nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Về số lượng bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong TOP 10 tỉnh/thành phố có số lượng văn bằng nhiều nhất, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có tốc độ tăng trưởng về số lượng văn bằng khá cao trong những năm gần đây, từ khoảng 20 văn bằng các năm 2016 đến 2018 và 69 văn bằng trong năm 2019.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có số lượng bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Tương tự số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng là đối tượng sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng nhiều nhất. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự gia tăng đột biến về số lượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong năm 2019 so với các năm trước, từ khoảng 5000 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp mỗi năm lên hơn 8000 giấy chứng nhận được cấp trong năm 2019 đối với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng từ khoảng 4000 giấy chứng nhận hằng năm lên gần 7000 giấy chứng nhận.
Biểu đồ 10 tỉnh/thành phố có số lượng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2019
Qua số liệu thống kê, có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của đa số các tỉnh/thành phố trong cả nước còn khá chậm, đặc biệt là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chủ yếu tập trung ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, điều này có thể lý giải, vì đây là hai trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn nhất cả nước, tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, trường đại học và viện nghiên cứu. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng đăng ký sở hữu công nghiệp của các tỉnh/thành phố trong những năm gần đây, chúng ta cũng nhận thấy cần phải có các biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các địa phương có số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp còn khiêm tốn, góp phần gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp từ các khu vực này./.