Là hợp tác xã gần trung tâm Hà Nội và góp phần cung cấp thực phẩm cho thủ đô, lúc cao điểm hợp tác xã (HTX) Tiên Dương có thể nuôi khoảng hơn 1000 con lợn và 65ha diện tích trồng rau. Hằng ngày, các hộ nông dân ở HTX Tiên Dương thường phải đối mặt với mùi hôi đặc trưng từ chất thải của gia súc, rau củ quả phế phẩm chất đống. Phân của vật nuôi chứa nhiều chất chứa nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, Asen, Niken (kim loại nặng)… và các vi sinh vật gây hại khác không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, làm rối loạn độ phì đất, mặt nước mà cả nguồn nước ngầm.
HTX Tiên Dương xây dựng mô hình chăn nuôi – trồng trọt khép kín. Ảnh: thoibaokinhdoanh.vn
Để giải quyết bài toán này, chế phẩm vi sinh vật hữu ích (chế phẩm EM) đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong xử lý các chất thải nhưng do trong chế phẩm vi sinh hữu ích gốc có mật độ vi sinh vật lớn và các chủng vi sinh vật được phối trộn từ chủng thuần, nên thường xảy ra cạnh tranh. Một số loài vi sinh vật tạp nhiễm sản sinh ra chất độc tiêu diệt vi sinh vật hữu ích khiến chế phẩm trở nên mất tác dụng, thậm chí gây độc.
Vườn cà chua sử dụng chế phẩm sinh học ở HTX Tiên Dương. Ảnh: Tiên Duong Organic
Chị Phạm Thị Lý cho biết: ‘Về bản chất, do hàm lượng protein trong thức ăn không phân hủy hết qua quá trình hấp thụ của vật nuôi lớn nên men vi sinh của chúng tôi có mục tiêu phải thúc đẩy quá trình này, giúp thức ăn phân hủy hết, con vật hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng”.
Để giải bài toán này, chị Phạm Thị Lý cùng cộng sự nhờ sự tư vấn của GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, GS Nguyễn Lân Dũng - Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Dương Văn Hợp – Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu ra chế phẩm vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Trong đó, PGS TS Dương Văn Hợp và các học trò đã dạy chị Phạm Thị Lý cách phân lập 7 vi sinh vật bản địa bao gồm Bacillus subtilis, Pseudomonas alcaligenes, Bifidobacterium thermophilus, Clostridium pastenisium, Nirosomonas europaea, Saccharomyces cereviseae và Lactobacillus casei với nồng độ mỗi loài từ 106 đến 107 CFU/ml. Các loài này không đối kháng hoàn toàn mà hỗ trợ tương sinh cùng nhau phát triển.
Sản phẩm rau organic do bà con HTX Tiên Dương sản xuất. Ảnh: Tiên Dương Organic
Đây là dòng vi sinh vật bản địa nên có thể dễ dàng thu nhận được từ Trung tâm giống và bảo tồn nguồn gene vi sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam hoặc Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc được phân lập ngoài tự nhiên, miễn là đảm bảo về dòng thuần, có hoạt lực và khả năng sinh trưởng trong điều kiện nuôi cấy chuẩn.
Để tạo ra chế phẩm vi sinh, chị Phạm Thị Lý và cộng sự xay mịn chuối chín rồi lần lượt bổ sung rỉ đường, cám gạo, tinh bột, dịch chiết nấm men vào dịch nền pha môi trường, khuấy trộn đều với 10% vi sinh gốc trong 1 giờ ở điều kiện yếm khí. Với hỗn hợp thu được, tiếp tục cho bột cây xuyến chi và bột cây đỗ tương và phần chế phẩm vi sinh gốc còn lại đã được hấp phụ lên than hoạt tính vào rồi ủ trong điều kiện yếm khí nhiệt độ từ 20 đến 25°C từ 5 đến 7 ngày. Trước khi thu hoạch chế phẩm, trộn đều vào hỗn hợp lá xả xay nhuyễn rồi tiếp tục ủ trong 1 ngày.
Chế phẩm thu được ở dạng lỏng, đậm đặc, có màu nâu vàng, màu trắng sám với mùi thơm dễ chịu đặc trưng của nguyên liệu, nếm có vị chua ngọt, độ pH nhỏ hơn 4,5 được Công bố hợp chuẩn VN 6168- 2002 vào tháng 2/2017 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0019371 được công bố vào ngày 25/7/2018.
“Chế phẩm vi sinh của chúng tôi có thể sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như trộn vào thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, ủ vào chất thải để rút ngắn thời gian hoai mục, pha trộn với nước ao, hồ nuôi tôm, cá để giảm ô nhiễm nguồn nước, bón tưới cho cây để diệt trừ bệnh hại” – chị Phạm Thị Lý hào hứng nói.
Thực tế, hiện nay bà con Hợp tác xã Tiên Dương đang thực hiện ủ trộn cám ngô, cám gạo, đậu tương với men vi sinh trước khi cho gia súc, gia cầm ăn. Với mỗi kilogram cám, bà con có thể tiết kiệm từ 7.000 - 8.000 đồng nhờ tác động của men vi sinh thúc đẩy quá trình phân hủy protein trong thức ăn, giúp vật nuôi hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn. Vì thế, cứ sử dụng 25 kg cám, các hộ chăn nuôi sẽ giảm được 20.000 - 25.000 đồng, tương đương giảm được 300.000 - 350.000 đồng/đầu lợn. Việc này giúp lợn chất lượng thịt ngon hơn, chất thải không có nhiều protein nên giảm được 70-80% mùi hôi, phân hủy nhanh, chỉ từ 15-30 ngày thay vì ba tháng so với phương pháp ủ truyền thống.
Chị Phạm Thị Lý nói: “Nhờ men vi sinh mà tất cả trở thành một vòng tuần hoàn chặt chẽ, cây cối vật nuôi phát triển tốt mà không cần phải có sự tham gia của bất kỳ chất hóa học nào. Bà con nông dân không chỉ ở Tiên Dương mà còn ở nhiều hợp tác xã khác sẽ lấy lại được vị thế của mình với một nền nông nghiệp sạch và minh bạch”.
Hiện Hợp tác xã Tiên Dương phân phối chế phẩm vi sinh gốc với giá 150.000 đồng/lít. Từ chế phẩm này, bà con sẽ được hướng dẫn quy trình làm chế phẩm vi sinh bằng cách tạo ra 150-200 lít thành phẩm.
Chính mong mỏi giúp đỡ người nông dân có được quy trình sản xuất sạch nên chị Phạm Thị Lý không giấu bí quyết mà chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm cho bà con chủ động. Giờ đây không chỉ ở Tiên Dương mà nhiều hợp tác xã lân cận khác, VBIO 5n1 đã trở thành sản phẩm thân quen khi trồng trọt, chăn nuôi.
“Nếu như trước kia, người nông dân được chào bán 800 nghìn đến 1 triệu đồng một lít chế phẩm sinh học xuất xứ Mỹ, Thái Lan, thì không ai dám mua và sử dụng trên cánh đồng của mình. Cái giá ấy quá đắt đỏ để giá rau, thịt thành phẩm phù hợp với túi tiền đại bộ phận người tiêu dùng. VBIO 5n1 là câu trả lời của Việt Nam cho thấy, nông dân xứng đáng với hình ảnh đẹp đẽ khi xưa, có thể sản xuất được thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng và giá cả đảm bảo” – chị Lý nói thêm.