Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ.
PGS.TS. Lê Thị Luyến, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đồng thời có gánh nặng về tình trạng bệnh nhân đa kháng thuốc trên toàn cầu. Mặc dù bệnh lao vẫn được coi là bệnh có thể phòng bệnh và điều trị khỏi. Đồng thời, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong phát hiện và điều trị bệnh nhân, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân mắc mới vẫn cao kèm theo có tỷ lệ đáng kể bệnh nhân tái phát, trong số đó có nhiều bệnh nhân đa kháng thuốc.
Đặc điểm của điều trị bệnh lao là phải phối hợp nhiều thuốc và thời gian điều trị kéo dài. Các phác đồ điều trị hiện nay được áp dụng điều trị cho bệnh nhân lao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới với liều dùng được dự kiến từ những năm các thuốc mới ra đời và chỉ dựa trên cơ sở các thử nghiệm lâm sàng. Những bệnh nhân lao tái trị không xác định đa kháng thuốc được điều trị bằng những thuốc chống lao hàng 1 đã từng được điều trị trước đó mà thất bại hoặc tái phát, do đó tỷ lệ thành công chỉ khoảng 80%. Những nghiên cứu trong khoảng một thập kỷ nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố về dược động học và dược lực học liên quan đến hiệu quả điều trị bệnh lao. Nghiên cứu này được tiến hành với mong đợi có thể áp dụng các thông số dược động học và dược lực học trong dự kiến điều trị tối ưu cho bệnh nhân lao tại Việt Nam nhằm góp phần vào chiến lược Kết thúc bệnh lao đến năm 2030.
Trong khuôn khổ Chương trình Newton Fund Việt Nam, nhiệm vụ nghiên cứu này được nhóm nghiên cứu tại Việt Nam phối hợp với Liverpool School of Troical Medicine, Vương quốc Anh đề xuất, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai từ năm 2016.
Mục tiêu chủ yếu của nhiệm vụ là xác định được nồng độ thuốc chống lao hàng một trong huyết tương bệnh nhân lao phổi điều trị thất bại và/hoặc tái phát không đa kháng thuốc ở Việt Nam; Xác định được sự khác biệt về đáp ứng dược lực học đối với thuốc chống lao hàng một của các chủng vi khuẩn lao phân lập từ những bệnh nhân lao phổi thất bại và/hoặc tái phát không đa kháng thuốc để dự toán đáp ứng điều trị.
Nhiệm vụ nghiên cứu hợp tác phân tích dược động học – dược lực học để lựa chọn liều điều trị tối ưu cho bệnh nhân lao phổi điều trị thất bại và tái phát không đa kháng thuốc đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu dược động học của thuốc chống lao; Các quy trình nghiên cứu dược lực học của thuốc chống lao; Các dữ liệu dược động học – dược lực học ở bệnh nhân lao phổi tại Việt Nam; có 06 bài đăng báo và tạp chí trong nước, 02 bài đăng tạp chí quốc tế; Hỗ trợ các nghiên cứu sinh, đào tạo cao học và đại học.
Kết quả của nhiệm vụ cho thấy, cùng với đặc điểm của chủng vi khuẩn lao gây bệnh ở bệnh nhân có nồng độ ức chế tối thiểu cao hơn breakpoint, nồng độ thuốc trong huyết tương thấp hơn phạm vi điều trị, đặc biệt là RMP và INH là 2 thuốc chủ yếu trong phác đồ thuốc chống lao hàng 1. Điều này có thể dẫn tới tỷ lệ kháng thuốc và đa kháng thuốc cao ở những bệnh nhân lao tái trị (thất bại hoặc tái phát) và có nguy cơ thất bại điều trị cao với thuốc chống lao hàng 1.
Các kết quả nghiên cứu là minh chứng cho những điểm hạn chế trong phác đồ điều trị lao thực tế hiện nay từ đó ứng dụng trong xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả bệnh nhân lao – một vấn đề thách thức toàn cầu và gánh nặng đối với chương trình chống lao quốc gia và ngành y tế nói chung.
Nhiệm vụ này góp phần quan trọng và xây dựng chiến lược, thử nghiệm điều chỉnh liều và phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân lao phù hợp với xu thế cá thể hóa điều trị, nhằm tăng tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân lao tái trị cũng như bệnh nhân lao của Việt Nam trong chiến lược kết thúc bệnh lao vào năm 2030.
PGS.TS. Trịnh Văn Quý, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Bộ Y tế cho biết, các báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt đã trình bày rõ ràng, hợp lý về tổng quan vấn đề nghiên cứu, sự cần thiết nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng, tác động của hiệu quả nghiên cứu, mức độ sẵn sàng chuyển giao áp dụng. Các sản phẩm của nhiệm vụ đều có chất lượng tốt, tiên tiến và tin cậy.
Nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiện thu đánh giá đạt loại xuất sắc.