Thứ năm, 09/07/2020 15:12 GMT+7

Quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại một số tỉnh phía Bắc năm 2016

Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở nước ta đã và đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và diến biến dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Điển hình mấy năm gần đây là dịch bệnh đốm trắng và dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện ở tôm nuôi nước lợ trên phạm vi toàn quốc; dịch bệnh Streptococcosis trên cá rô phi, bệnh sữa trên tôm hùm và hiện tượng ngao nuôi chết hàng loạt. Bên cạnh vấn đề dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm nguồn nước NTTS do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp cũng như hoạt động NTTS gây ô nhiễm và suy thoái đối với môi trường xung quanh cũng đang là vấn đề bức thiết, đòi hòi cần được giải quyết. Do vậy việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi trường và dịch bệnh là rất cần thiết và cấp bách.


Hình ảnh cá nuôi lồng chết tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày 7/4/2016

 

Quan trắc môi trường vùng NTTS sẽ cung cấp diễn biến môi trường vùng nuôi giúp người nuôi chủ động trong công tác quản lý chất lượng nước trong ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả, đồng thời là nguồn cơ sở dữ liệu làm căn cứ giúp cơ quan quản lý xây dựng lịch mùa vụ, nắm được xu hướng diễn biến môi trường NTTS phục vụ chỉ đạo sản xuất và quản lý NTTS hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững.

Năm 2015, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã triển khai hoạt động quan trắc trên đối tượng tôm nuôi nước lợ tại Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An và trên đối tượng ngao nuôi tại Thái Bình và Thanh Hoá. Đồng thời triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi tôm tập trung thuộc Móng Cái- Quảng Ninh, Quỳnh Lưu- Nghệ An và tại vùng nuôi ngao tập trung tại Tiền Hải- Thái Bình.

Với mục tiêu quan trắc môi trường và giám sát chủ động tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và ngao nuôi tại một số vùng nuôi tôm nước lợ và ngao tập trung tại các tỉnh phía Bắc nhằm phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, có hiệu quả, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Thị Lụa cùng thực hiện đề tài.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Quan trắc và giám sát định kỳ vùng nuôi tôm

+ Quan trắc và giám sát định kỳ vùng nuôi tôm tập trung tại Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An và Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh đã kịp thời cảnh báo và khuyến cáo các hộ nuôi và địa phương về chất lượng nguồn nước, sự xuất hiện của mầm bệnh AHPND, WSSV và EHP trên tôm.

+ Việc giám sát sự biến động của Vibrio tổng số và tầm soát vi khuẩn gây bệnh AHPND trong nước nuôi tôm được địa phương đánh giá rất cao.

+ Đã cảnh báo và khuyến cáo biện pháp khắc phục về: giá trị COD, TSS, H2S, pH cao, Vibrio tổng số vượt GHCP trong nguồn nước cấp và nước ao nuôi.

+ Đã cảnh báo và khuyến cáo khi phát hiện vi khuẩn gây bệnh AHPND trong nguồn nước (tại Nghệ An), AHPND trong nguồn nước và trên tôm, EHP trên tôm (tại Hà Tĩnh).

Quan trắc vùng nuôi ngao Thái Bình

+ Quan trắc vùng nuôi ngao đã cảnh báo về yếu tố độ mặn vùng nuôi ngao giảm xuống thấp vào các thời điểm mở cống xả nước nội đồng và sau các đợt bão có khả năng gây chết ngao do sốc độ mặn.

+ Kết quả quan trắc đã được cơ quan quản lý địa phương sử dụng cảnh báo cho các vùng nuôi khác trong vùng và chỉ đạo sản xuất.

Quan trắc đột xuất các vùng NTTS

+ Quan trắc đột xuất vùng ngao nuôi Hải Hà, Quảng Ninh (tháng 4/2016) đã góp phần xác định nguyên nhân ngao chết từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 là do mật độ nuôi quá cao dẫn tới cạnh tranh thức ăn và do ô nhiễm môi trường cục bộ do khâu xử lý ngao chết không triệt để.

Quan trắc đột xuất vùng nuôi cá lồng biển chết hàng loạt tại Nghi Sơn, Thanh Hoá (Tháng 9/2016) đã góp phần khẳng định cá chết không phải do dịch bệnh, cảnh báo về yếu tố NH4-N, Vibrio trong nước cao và phát hiện thấy sự có mặt của tảo độc Ceratium fucar.

Quan trắc đột xuất cá chết Hồ Tây (Tháng 10/2016) đã góp phần khẳng định cá chết không phải do dịch bệnh, nguyên nhân cá chết có thể liên quan đến chất lượng nước ô nhiễm và tảo phát triển quá mức.

Quan trắc đột xuất cá biển nuôi lồng chết bất thường, hàng loạt tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Tháng 4/2016) đã góp phần khẳng định cá chết không phải do dịch bệnh, yếu tố môi trường nuôi cơ bản, tảo độc hại. Khuyến cáo địa phương cần xem xét các nguồn xả thải có thể là nguyên nhân gây chết cá.

Quan trắc tăng cường 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển. Một số yếu tố được xác định là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển (Phenol, CN-, Fe…) hiện vẫn biến động không tuân theo quy luật biển tự làm sạch và giảm dần theo thời gian.

+ Yếu tố S2- giảm rõ rệt theo thời gian.

+ Phenol có xu hướng giảm dần theo thời gian nhưng rất chậm.

+ Fe trong nước giảm dần theo thời gian nhưng tăng sự tích tụ trong trầm tích.

+ CN- trong nguồn nước tăng giảm bất thường

Tổng số 79 báo cáo, bản tin cảnh báo các loại đã được kịp thời được chuyển tải tới người nuôi, địa phương và cơ quan quản lý trong quá trình triển khai nhiệm vụ, phục vụ chỉ đạo sản xuất.

*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14001/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2498

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)