"Ở hầu hết các bệnh viện, khi một bệnh nhân mắc bệnh nặng không thể ăn uống, họ sẽ được nuôi dưỡng hoàn toàn qua ống thông trực tiếp vào dạ dày” – PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai (Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM) giải thích. Nhưng không phải muốn truyền bao nhiêu cũng được, mỗi ngày một bệnh nhân sẽ chỉ truyền đúng 1,5 lít sữa để hạn chế nguy cơ thừa dịch; chính vì vậy lượng sữa phải có giá trị sinh học cao. “Nhưng 1,5 lít sữa mà có đủ độ đạm thì thường rơi vào khoảng 500.000 đồng, đó là một số tiền quá lớn đối với nhiều gia đình, chưa kể bệnh nhân sẽ phải truyền liên tục mỗi ngày.”
Để cân bằng khả năng tài chính, nhiều thân nhân đã phải chuyển sang mua các loại sữa phổ biến trên thị trường có giá khoảng 250.000 đồng/1,5 lít. Nhưng các loại sữa này chỉ phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh nhẹ hoặc không bệnh, không phù hợp cho việc nuôi dưỡng bệnh nhân nặng do hàm lượng đạm cũng như một số vi chất như vitamin, khoáng không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi dưỡng. Khi nuôi qua ống thông bằng các sản phẩm trên, để cung cấp đủ đạm cho bệnh nhân, bác sĩ điều trị phải nuôi bổ sung thêm qua đường tĩnh mạch hoặc phải nuôi bệnh nhân bằng thể tích lớn hơn 1,5 lít (có thể lên đến 2-2,5 lít/ngày), dẫn đến nguy cơ thừa dịch, vỡ thành mạch, tử vong. Thậm chí, nhiều người còn thuê dụng cụ làm cháo xay rồi cho qua ống thông nuôi bệnh nhân. Cách làm này không đảm bảo đủ dưỡng chất và vệ sinh.
Tình trạng này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở những bệnh viện trên khắp cả nước. Theo thống kê, có trên 17% số bệnh nhân tại bệnh viện Nhân dân Gia Định cần có loại sữa đảm bảo tính sinh học và khả năng hỗ trợ điều trị. Tại các bệnh viện ở Việt Nam, tỷ lệ này là 10%. Trong số đó, có rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không thể chi trả phí điều trị lâu dài. Thêm vào đó, không phải bệnh nhân nào cũng có thể dễ dàng hấp thụ đường có trong sữa, chính vì vậy cần có một loại sữa có thể giúp người bệnh kém dung nạp đường (lactose) dùng được mà không bị tiêu chảy. Từ những suy nghĩ này, BS Mai đã ấp ủ ý tưởng tìm ra một công thức sữa hoàn chỉnh giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, có thể dùng được không chỉ cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, mà còn cho người bệnh kém dung nạp đường.
Thử nghiệm trên người bệnh kém dung nạp lactose
Sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí để nghiên cứu, sản xuất, BS Mai cùng các đồng nghiệp đã tiến hành xây dựng công thức, so sánh mức đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng theo khuyến nghị cho bệnh nhân nặng. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành dinh dưỡng, BS Mai đã tạo ra được một công thức gồm sữa đậu nành, sữa bột nguyên kem không đường, nước, trực khuẩn có lợi (Probiotic) và các dưỡng chất bổ sung khác.
Cụ thể, nước và sữa đậu nành 3,1% đạm sẽ được cho vào gia nhiệt ở nhiệt độ 50°C, sau đó trộn với sữa bột nguyên kem không đường và whey demin 40 và đạm sữa (milk protein) trong bồn trộn có cánh khuấy để khuấy đều các thành phần này rồi đun nóng ở nhiệt độ 60°C với thời gian thực hiện là 20 phút cho đến khi hỗn dịch này được hòa tan hoàn toàn.
Tiếp đến, cho các dưỡng chất bổ sung còn lại vào hỗn dịch để đồng hóa bằng máy đồng hóa áp lực 200 bar rồi lấy hỗn hợp ra, đem đi thanh trùng ở nhiệt độ 90 đến 95°C trong 5 phút bằng thiết bị trao đổi nhiệt dạng bảng mỏng hay ống lồng ống. Tiếp theo, làm nguội hỗn dịch ở nhiệt độ từ 22 đến 24°C rồi cho vào thiết bị trộn là bồn có cánh khuấy, sau đó đưa trực khuẩn sống có lợi dạng vi nang vào dung dịch rồi khuấy trộn tiếp trong vòng từ 10 đến 15 phút và làm lạnh dung dịch trong thiết bị trao đổi nhiệt dạng ống lồng ống để đưa hỗn hợp về nhiệt độ từ 5 đến 8°C, thu được hỗn hợp thực phẩm dạng nước.
Để bảo đảm sữa khi dùng cho người sẽ không có sự cố, bác sĩ đã tiến hành thử nghiệm trên chuột từ 7 - 14 ngày, kết quả cho thấy chuột suy dinh dưỡng được nuôi bằng loại sữa này có chỉ số cải thiện dinh dưỡng tốt hơn các loại sữa chuẩn ngoại nhập. Đáng chú ý, chuột suy dinh dưỡng được nuôi bằng sữa khỏe hơn nhiều so với chuột không suy dinh dưỡng được nuôi bằng thức ăn.
Dù đã đạt được thành công bước đầu, nhưng BS Mai vẫn lo lắng vì các loại vi khuẩn có lợi trong sữa có thể di chuyển qua thành mạch vào mạch máu gây nhiễm trùng máu cho bệnh, nhất là khi đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân nằm ở Khoa Hồi sức Tích cực (ICU) – bệnh nặng và hệ miễn dịch kém. Để đảm bảo an toàn, BS Mai đã cấy máu bệnh nhân để xác nhận chắc chắn rằng trực khuẩn có lợi này chỉ nằm trong đường tiêu hóa, không xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. “Kết quả cho thấy trực khuẩn có lợi không những không không xâm nhập vào máu, mà còn có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa cho bệnh nhân.” – BS Tạ Thị Tuyết Mai khẳng định.
Sau khi thử nghiệm trên chuột và kiểm chứng trong phòng thí nghiệm thành công, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 300 bệnh nhân nằm ở Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Để nhận diện được đâu là bệnh nhân kém dung nạp đường (lactose) bẩm sinh trong số này, các nhà khoa học đã xây dựng quy trình chẩn đoán bằng phương pháp real-time As-PCR.
Kết quả cho thấy, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng theo khuyến nghị dành cho bệnh nhân nặng. Ngoài ra, loại sữa này giàu Omega 3 và vi khuẩn có lợi cho đường ruột, nên có tính kháng viêm cao, góp phần cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân nặng, giúp tăng các loại mỡ máu tốt, cải thiện nguy cơ bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, đề kháng insulin trong bệnh tiểu đường,… Và đặc biệt, điều mà BS lo lắng nhất – trực khuẩn có lợi xâm nhập vào máu – đã không xảy ra. “Kết quả cho thấy trực khuẩn có lợi không những không xâm nhập vào máu, mà còn có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa cho bệnh nhân.” – BS Tạ Thị Tuyết Mai khẳng định. Thêm vào đó, loại sữa này còn giúp cho nhiều bệnh nhân cải thiện dinh dưỡng, hạn chế hoặc không cần phải truyền dịch albumin để hồi phục sức khỏe.
Với sản phẩm này, lượng sữa nuôi cần ít hơn nhưng hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn sữa cao dinh dưỡng trên thị trường. Đặc biệt, giá thành của sản phẩm chỉ bằng ¼ so với sữa nhập ngoại, thậm chí ít hơn, giúp người nghèo có thể trang trải được tiền viện phí. Nhờ những ưu điểm đó, hỗn hợp nguyên liệu để chế biến sữa đậu nành của BS. Tạ Thị Tuyết Mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng giải pháp hữu ích số 2-0002292 được công bố vào ngày 27/4/2020. Sau khi nghiên cứu kết thúc, các nhà khoa học vẫn tiếp tục cung cấp sữa theo nhu cầu của bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và một số bệnh viện lân cận.
Dù nghiên cứu đã được chứng thực thông qua kết quả khả quan của bệnh nhân mắc bệnh nặng và bệnh nhân kém dung nạp lactose, cũng như giành được giải thưởng Kova lần thứ 14, hạng mục “Kiến tạo” – dành cho những nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế xã hội; tuy vậy vẫn còn một chặng đường rất dài để đưa sản phẩm này vào sản xuất đại trà.
Theo BS Mai, vì đây là sản phẩm sữa nước bổ sung Probiotic nên khâu vô khuẩn mà vẫn đảm bảo vi sinh vật sống là khó nhất. “Bệnh viện pha xong chuyển đi sử dụng ngay thì không sao, nhưng muốn ra thị trường thì phải bảo quản được 6-12 tháng, đây mới là vấn đề lớn”. Thêm vào đó, chi phí đầu tư khá cao. Nhà máy sản xuất sữa nước chiếm khoảng 100 tỷ, chưa kể đến chi phí vận hành, vô khuẩn cho mỗi lần sản xuất, vậy nên các nhà đầu tư còn e ngại. “Nhưng nếu đưa vào sản xuất đại trà thành công, loại sữa này sẽ mang lại hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn sữa cao năng lượng trên thị trường, mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều” – PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai cho biết.
PGS.TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai (trái) và sản phẩm sữa cao đạm