Hai đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: GS, VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh trao giải Nhất Giải Báo chí về KH-CN năm 2019 cho các tác giả.
Khai mạc Lễ trao giải, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh phát biểu: “Sát cánh cùng ngành KH-CN, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH-CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH-CN. Tôi xin chúc mừng các nhà báo đã có các tác phẩm đạt Giải năm nay. Chúc các nhà báo tiếp tục có nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần tạo được sự đồng thuận, thống nhất ý chí của toàn xã hội và cùng hành động để KH-CN tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh phát biểu.
Tiếp theo thành công của bảy lần tổ chức, Giải thưởng Báo chí về KH-CN lần thứ 8 chính là hoạt động thiết thực của Bộ KH-CN nhằm tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng những tác giả có tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao. Những tập thể, cá nhân có những đóng góp trong công tác tuyên truyền về KH-CN.
Năm 2019, Giải thưởng đã nhận được sự tham gia của các cơ quan báo chí, đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở trung ương và địa phương với gần 500 tác phẩm thuộc bốn loại hình báo chí. Thông qua các tác phẩm báo chí, bức tranh về hoạt động KH-CN có những chuyển động quyết liệt, KH-CN Việt Nam đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt. Minh chứng rõ nét cho sự chuyển động thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của KH-CN.
Cùng tham dự Lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung tuyển Giải thưởng Báo chí về KH-CN năm 2019 đánh giá: “Trong những năm qua, công tác truyền thông KH-CN đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH-CN đã góp phần truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH-CN. Đặc biệt, công tác truyền thông KH-CN đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu.
Giải thưởng năm nay trao tặng ba giải Nhất, bốn giải Nhì, bốn giải Ba và năm giải phụ. Các tác giả đoạt giải được nhận Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức Giải thưởng, Biểu trưng Giải thưởng “Báo chí về KH-CN năm 2019” và phần thưởng đối với giải Nhất, Nhì, Ba và giải phụ theo quy định. Riêng với giải Nhất, các tác giả còn được nhận Cúp và Bằng khen của Bộ trưởng KH-CN.
Các tác giả nhận giải Nhất gồm: lĩnh vực báo điện tử: nhóm tác giả Lê Hồng Vân, Bùi Thị Bông, báo Nhân Dân điện tử với nhóm tác phẩm "10 năm nỗ lực đưa nước sạch về Cao nguyên đá Đồng Văn"; lĩnh vực báo in: nhóm tác giả Vũ Thị Thanh Thủy, Lương Thị Hồng Loan, Vũ Quang Khánh, Báo Đại biểu nhân dân với nhóm tác phẩm "Doanh nghiệp trong vòng xoáy chuyển đổi số"; lĩnh vực truyền hình: nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Việt Linh, Đặng Thị Thùy Linh, Lại Tùng Lâm, Bùi Đức Thọ, Trần Hiếu, Nguyễn Vĩnh Trung, Nguyễn Quang Tuyên, Đài Truyền hình Việt Nam với tác phẩm "Người Việt Nam danh dự".
Được tổ chức từ năm 2012, Giải thưởng Báo chí về KH-CN (do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH-CN làm Cơ quan thường trực) được Bộ KH-CN tổ chức nhằm trao tặng cho các tác giả là công dân Việt Nam, có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH-CN, đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các tác giả nhận giải Nhì Giải Báo chí về KH-CN năm 2019.
Nhân Dân điện tử xin giới thiệu lại loạt bài ba kỳ đã đoạt giải Nhất: 10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn
* Bài 1: Đi tìm nước để phát triển kinh tế
* Bài 2: Gian nan “mở” đường cho nước leo cao
* Bài 3: Không dừng lại ở Đồng Văn