Thứ ba, 02/06/2020 15:30 GMT+7

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu sản xuất phân bón lá và phân vi sinh dạng hạt, đánh giá ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển của cây rau và triển vọng phát triển sản phẩm”

Chiều ngày 13/5/2020, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN) đã tổ chức Hội thảo đánh giá các kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công bức xạ trong sản xuất vi sinh dạng hạt và phân bón lá”, mã số ĐTĐL.CN. 19/16 do TS. Trần Minh Quỳnh làm chủ nhiệm.

Đến dự Hội thảo có Lãnh đạo Trung tâm CXHN, các thành viên tham gia thực hiện đề tài, các nghiên cứu viên của viện Thổ nhưỡng nông hóa, đơn vị thực hiện khảo nghiệm đánh giá chất lượng phân bón, các cán bộ trong Trung tâm và khách mời.
 

Quang cảnh buổi hội thảo

Sau khi ông Nguyễn Đình Dương - Trưởng phòng Hành chính giới thiệu sơ lược về mục đích Hội thảo, các thành viên và khách mời, ông Đặng Quang Thiệu - Chủ trì Hội thảo trình bày một số khó khăn và thuận lợi trong việc thực hiện nghiên cứu, nhất là việc phối hợp kiểm tra chất lượng phân bón tạo được từ việc ứng dụng công nghệ bức xạ và khảo nghiệm đánh giá hiệu quả sản phẩm đối với cây rau. Mặc dù có 8 báo cáo đăng ký, song do hạn chế về thời gian nên cơ quan chủ trì chỉ chọn 5 báo cáo trình bày và các báo cáo còn lại được gửi cho người tham gia để thảo luận.

ThS. Hoàng Đăng Sáng đã trình bày báo cáo “Ảnh hưởng của chitosan và chitosan cắt mạch đến sinh trưởng và phát triển của cây rau”. Báo cáo đưa ra những kết quả của nhóm nghiên cứu về tác dụng kích thích sinh trưởng của chitosan biến tính trên cà chua, cải bắp và củ cải ở giai đoạn cây non. Qua đó tìm được liều chiếu và nồng độ chitosan phù hợp để cho tác dụng kích thích sinh trưởng cây rau là lớn nhất, cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Báo cáo nhận được sự quan tâm của các thành viên có mặt trong hội thảo.

Trong báo cáo thứ hai, ThS. Nguyễn Văn Bính trình bày về “Nghiên cứu sử dụng xanthan cắt mạch bức xạ như thành phần chính của phân bón lá”. Báo cáo đưa ra những nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài về ứng dụng của xanthan cắt mạch. Như đã được chứng minh từ nghiên cứu trước xanthan cắt mạch giúp tăng khả năng bám dính của phân bón lá lên bề mặt lá. Qua đó gián tiếp tăng hiệu quả của phân bón lá. Nghiên cứu này cho thấy xanthan chiếu xạ cũng có thể sử dụng như chất phụ gia, giữ ẩm cho lá và có thể kéo dài thời gian lưu giữ các chất dinh dưỡng để tăng khả năng hấp thụ của cây trồng.

Để đảm bảo khả năng bảo quản lâu dài của phân vi sinh, CN. Nguyễn Thị Thơm đã trình bày báo cáo “Nghiên cứu tạo bào tử giả Azotobacter và bào tử Bacillus trong sản xuất phân bón vi sinh”. Sau khi giải thích việc lựa chọn các chủng vi sinh vật Bacillus Azotobacter để sản xuất phân bón vi sinh cho cây rau, cũng như việc cần thiết phải tạo bào tử để tăng khả năng tồn tại và duy trì hoạt lực của phân vi sinh trong quá trình bảo quản, CN. Nguyễn Thị Thơm đã trình bày kết quả nghiên cứu tạo bào tử Bacillus và bào tử giả Azotobacter do vi khuẩn này không có cơ chế hình thành nội bào tử như Bacillus. Kết quả nghiên cứu tạo bào tử giả là điều kiện tiên quyết và quan trọng giúp Azotobacter tồn tại trong hạt phân bón vi sinh. Báo cáo cũng đưa ra những so sánh về quá trình hình thành bào tử của hai chủng vi sinh vật.
 

ThS. Hoàng Đăng Sáng trình bày báo cáo

Trong báo cáo tiếp theo, ThS. Trần Xuân An trình bày về “Xây dựng dây chuyền công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón dạng hạt”. Báo cáo là kết quả quá trình nghiên cứu tối ưu hóa quy trình sản xuất phân bón dạng hạt. Báo cáo chỉ rõ những điểm cần lưu ý để lựa chọn thiết bị phù hợp cho ứng dụng sản xuất quy mô pilot. Báo cáo cũng đưa ra thông số kỹ thuật để vận hành dây chuyền thiết bị, cũng như tính toán được chi phí dự kiến để sản xuất mẻ phân bón 20kg. Báo cáo nhận được sự quan tâm của các thành viên tham gia hội thảo.

Với chủ đề “Nghiên cứu xây dựng công thức phân bón lá vi lượng và ảnh hưởng của nó tới sinh trưởng của cây rau”, TS. Trần Minh Quỳnh - chủ nhiệm đề tài đã trình bày chi tiết về nhu cầu dinh dưỡng của cây rau. Những ảnh hưởng tiêu cực của việc thiếu vi lượng ở những vùng đất trồng rau lâu năm, cũng như tác dụng kích thích sinh trưởng của chitosan và đặc biệt là sản phẩm cắt mạch bức xạ khối lượng phân tử thấp của nó. Trên cơ sở đó, các tác giả đã xây dựng công thức phân bón lá vi lượng với sự bổ sung thành phần chitosan cắt mạch như chất kích thích sinh trưởng, kích kháng bệnh, và xanthan cắt mạch như chất hỗ trợ tăng hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng của cây nhằm tạo ra sản phẩm phân bón mới hiệu quả. Thay mặt nhóm thực hiện, TS. Trần Minh Quỳnh cũng trình bày sơ lược về việc thực hiện khảo nghiệm đánh giá tác động của phân vi sinh và phân bón lá đến sinh trưởng và phát triển của cây cà chua, cải bắp và cải củ như trình bày trong 3 báo cáo còn lại của Viện Thổ nhưỡng nông hóa.  

Trong quá trình thảo luận, các thành viên và khách mời trong hội thảo đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài của nhóm nghiên cứu. Sau khi thảo luận sôi nổi về những khó khăn, thách thức trong việc giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, ông Đặng Quang Thiệu, chủ trì hội thảo đã tổng kết những kết quả đạt được, mong muốn nhóm đề tài tiếp tục theo đuổi nghiên cứu để đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ trong nông nghiệp và sinh học.

Kết thúc Hội thảo, thay mặt nhóm thực hiện đề tài, TS. Trần Minh Quỳnh trình bày những khó khăn, thách thức mà nhóm nghiên cứu đã và đang phải đối mặt, cũng như chia sẻ về triển vọng ứng dụng thực tiễn của sản phẩm phân bón tạo ra. Ngoài việc hiểu thêm về các công việc của đề tài, khả năng ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất chất mang, cũng như các chất có hoạt tính sinh học dùng trong nông nghiệp, thông qua Hội thảo, các nhà khoa học và khách mời có cơ hội học tập, trao đổi và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2647

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)