Tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ
Quang cảnh buổi Lễ.
Thời gian qua giới khoa học Việt Nam đã triển khai các hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ, trên tinh thần khoa học mở trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vius SARS-CoV-2 gây ra. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng ngành KH&CN trong năm qua đã luôn nỗ lực, kế thừa thành tựu đã có, tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng mừng trong phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
Điều đó được thể hiện qua số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của thế giới; các giải thưởng, các sáng kiến hữu ích để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Đặc biệt quan trọng là ngành khoa học và công nghệ đã cùng nhau đóng góp xây dựng, đề xuất, kiến nghị về các định hướng, chính sách phát triển khoa học - công nghệ đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc tới đây.
Theo Phó Thủ tướng, trong khó khăn, thách thức, ngành khoa học và công nghệ đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình động lực vươn lên. Cụ thể, trong bối cảnh đất nước cùng cả thế giới phải phòng, chống đại dịch COVID-19, bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu, ứng dụng tiếp tục được triển khai thì giới khoa học đã tự đặt ra những bài toán, thách đố mới, cùng nhau giải quyết.
“Chúng ta đã nói rất nhiều xu thế khoa học mở của thế giới, nhưng có lẽ thời gian vừa qua là một thời gian rất đáng nhớ với giới khoa học Việt Nam khi tinh thần khoa học mở thực sự được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phòng, chống đại dịch COVID-19”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong số rất ít ỏi các nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Trong kết quả đó, vai trò giới khoa học, công nghệ càng ngày càng được khẳng định. Tuy phấn khởi nhưng những người làm khoa học chưa thể hài lòng. Bởi “với truyền thống và phẩm giá, người dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được sống một cuộc sống thịnh vượng, hoà bình, chan hoà yêu thương”.
“Tất cả chúng ta, trong đó có các nhà khoa học, hãy coi người dân là những người thầy, nguồn động lực để tất cả các ngành, các cấp, trong đó giới khoa học phấn đấu nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn các quốc gia bè bạn, tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học, các giáo sư, những người thầy quốc tế đã luôn đồng hành và giúp đỡ cho nền khoa học Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin rằng với sự đoàn kết, cùng chung một mục tiêu cao cả là đem khoa học phục vụ nhân dân, phục vụ loài người thì nhất định khoa học, công nghệ sẽ góp phần đưa Việt Nam và cả thế giới vượt qua được những khó khăn, trực tiếp nhất là đại dịch COVID-19 vẫn còn đang hoành hành trên toàn cầu. Góp phần làm cho thế giới hoà bình, phát triển, môi trường không bị huỷ hoại.
Cho biết thêm về thành tựu của các nhà khoa học, tổ chức Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Các kết quả khả quan từ việc nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn như vừa qua cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Một mặt, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học của Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài trước đây cũng đã góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệvà các nhà khoa học của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu Khai mạc Lễ kỷ niệm.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trạng thái bình thường mới ở Việt Nam và toàn thế giới sau dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành khoa học và công nghệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện pháp luật về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc đồng bộ với pháp luật về kinh tế, đầu tư, tài chính nhằm đẩy mạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ xã hội cho khoa học và công nghệ và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm tạo động lực cho việc ứng dụng các thành tựu, kết quả của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn của quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025…
Vinh danh 3 nhà khoa học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 GS.TSKH Ngô Việt Trung phát biểu tại buổi Lễ.
Cũng tại buổi Lễ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho 3 nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học Y Dược, Toán học và Vật lý. Đây cũng là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhà khoa học đoạt giải thưởng được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và tiền thưởng theo Quy định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 cho các nhà khoa học.
Cụ thể, 02 Giải thưởng chính được trao cho PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt (Ngành Toán học). Giải thưởng trẻ được trao cho TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ngành Vật lý).
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, là sự ghi nhận và tôn vinh đối với các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Từ năm 2014 đến nay, 14 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 3 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 270 hồ sơ đăng ký tham dự.
Tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi Lễ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tặng hoa chúc mừng và trao Bằng khen cho các cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc,tặng hoa chúc mừng và trao Bằng khen các cá nhân.
Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tặng hoa và trao Bằng khen cho các cá nhân.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, lên sân khấu tặng hoa chúc mừng và trao Bằng khen cho các cá nhân.
Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch. Tiêu biểu như:
Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19: Xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế. Tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu số 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020; Tổ chức Y tế thế giới cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta. Bên cạnh đó, bộ KIT đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonexia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước.
Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế (do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện). VIBOT – 1a được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 (do Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà, nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu đáp từ.