Đây cũng là năm thứ 2 có một nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhà khoa học đoạt giải thưởng được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng KH-CN và tiền thưởng theo quy định.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Sau bảy năm ra đời, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một sự kiện trọng đại trong cộng đồng khoa học ở Việt Nam. Điều này đạt được chính bởi vì các công trình được trao tặng giải thưởng thực sự tiêu biểu cho những thành tựu trong nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam, trở thành nguồn khích lệ và động viên lớn lao đối với các nhà khoa học Việt Nam tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học”.
Năm 2020 chúng ta có 48 đề cử trong 8 liên ngành. Các hội đồng liên ngành đã đánh giá các đề cử và chỉ có năm liên ngành đề xuất năm công trình cho giải thưởng chính và ba công trình cho giải thưởng trẻ. Hội đồng giải thưởng, trong đó có hai nhà khoa học ở nước ngoài, đã xem xét và bỏ phiếu trao tặng hai giải thưởng chính cho PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan ở ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh trong Y học, PGS, TS Phạm Tiến Sơn ở ĐH Đà Lạt trong Toán học và giải thưởng trẻ cho TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu ở ĐH Tôn Đức Thắng trong Vật lý.
“Các công trình được giải thưởng năm nay cho thấy dù nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hay về các vấn đề lý thuyết của quốc tế ở ngay cả những đại học địa phương vẫn có thể đạt được những kết quả xuất sắc được thế giới công nhận”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá.
Bộ trưởng cũng cần nhắc đến vai trò của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia NAFOSTED đã hỗ trợ nghiên cứu cơ bản hết sức hiệu quả trong hơn mười năm qua. Điều này thể hiện ở sự phát triển nhảy vọt không những về số lượng công bố quốc tế của Việt Nam mà còn về chất lượng nghiên cứu mà tiêu biểu là các công trình được giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Sự thành công của Quỹ NAFOSTED cho thấy chỉ cần có cơ chế đầu tư khoa học “vượt rào” theo đúng thông lệ quốc tế thì Việt Nam sẽ có những bước tiến “thần kỳ” trong khoa học, Bộ trưởng nói.
Nữ PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Nữ PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận giải thưởng chính với công trình nghiên cứu so sánh phương pháp chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh cho bệnh nhân hiếm muộn không có hội chứng buồng trứng đa nang (IVF transfer of fresh or frozen embryos in women without polycystic ovaries) đăng trên Tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) năm 2018.
Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên 782 phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), so sánh tỷ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ trẻ sinh sống của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi. Kết quả cho thấy chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương chuyển phôi tươi, do đó, có thể thực hiện đông lạnh phôi để giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giảm biến chứng đa thai của thụ tinh trong ống nghiệm.
Phát biểu tại lễ trao giải, PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết đây là một vinh dự lớn lao khi được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu – một giải thưởng được xem là danh giá nhất dành cho các nhà khoa học Việt Nam. Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học lớn của nước ta, là người đã đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam. Giáo sư đã để lại những dấu ấn sâu sắc đối với nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Việc nhận giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu là vinh dự và niềm tự hào của các nhà khoa học.
“Được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, bên cạnh vinh dự, tôi hiểu rằng đây còn là một trách nhiệm và kỳ vọng mà các lãnh đạo Bộ KH-CN, giới khoa học và cộng đồng đã giao cho tôi. Trách nhiệm đó là làm sao phát huy hơn nữa, làm tốt hơn nữa những công trình nghiên cứu có chất lượng, có tính ứng dụng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; đó là làm sao xây dựng được đội ngũ nghiên cứu có chất lượng; đào tạo các thế hệ kế thừa; truyền lửa và nhân rộng hơn nữa tấm gương của nhà khoa học được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu”, nữ PGS nói.
Giải thưởng chính thứ hai được trao cho PGS, TS Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt với công trình khoa học: “Các tính chất phổ quát của quy hoạch nửa đại số” (Generic properties for semialgebraic programs). Công trình nghiên cứu một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó, đó là bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. Đây là bài toán “NP-khó” và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học. Dựa trên một vài ý tưởng của Lý thuyết kỳ dị và sử dụng các công cụ của Hình học nửa đại số, công trình chỉ ra tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số.
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận Giải thưởng trẻ với công trình khoa học: “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu”. Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất một phương pháp tổng quát nhằm xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Tác giả cho thấy rằng quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử có thể được xác định trong hệ hình thức điện môi với độ chính xác tương đương với các tính toán nguyên lý đầu sử dụng phép xấp xỉ GW trong lý thuyết hệ nhiều hạt. Đồng thời, phương pháp được đề xuất là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng (một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh).
Liên kết nguồn tin: