Thứ bảy, 16/05/2020 19:56 GMT+7

Tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho sinh viên - Chắp cánh đổi mới sáng tạo

Cuộc thi và Hội nghị về sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) tổ chức hàng năm đã vượt xa khỏi giới hạn của hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hướng tới việc xây dựng một thế hệ hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ (SHTT) - một trong ba trụ cột của thương mại quốc tế hiện đại, đã và đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm, gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm. Chính vì thế, trang bị kiến thức, kỹ năng và cao hơn là hình thành thái độ tôn trọng quyền SHTT trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi “công dân toàn cầu”, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về SHTT như tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT, tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo hộ quyền SHTT,… đã được chú trọng tổ chức ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong đó, cần phải kể đến sự phối hợp của Cục SHTT với các trường đại học trong việc tuyên truyền về SHTT cho sinh viên trong nhiều năm qua.


Sân chơi bổ ích, lý thú về sở hữu trí tuệ

Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác về SHTT giữa Cục SHTT và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) do Lãnh đạo hai bên ký ngày 05.8.2010, kể từ năm 2010 tới nay, Nhà trường phối hợp cùng Cục SHTT tổ chức thường niên Cuộc thi về SHTT và Hội nghị khoa học sinh viên về SHTT cho sinh viên các trường đại học tham gia nhằm gắn kết đào tạo với thực tế hoạt động SHTT, khuyến khích tìm hiểu và nâng cao hiểu biết của sinh viên về SHTT. Hoạt động này thường được tổ chức nhân ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26.4 và ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5.



Cuộc thi "Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ" tổ chức năm 2019

 

Hai hoạt động này đã thu hút được đông đảo sinh viên tới từ các trường đại học tham gia như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Trường Đại học Thương mại, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN. Theo thời gian, hai hoạt động này được phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô, trở thành hoạt động được sinh viên mong chờ hằng năm. Điều này cho thấy, Cuộc thi và Hội nghị về SHTT đã “kích hoạt” được sự quan tâm đối với một công cụ không thể thiếu được của hội nhập quốc tế là sở hữu trí tuệ.

Không những vậy, Cuộc thi và Hội nghị khoa học sinh viên về SHTT này còn tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng khi thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc tài trợ cuộc thi, các cơ quan truyền thông đại chúng tới đưa tin như VTV, HTV, các báo đài,… để cùng truyền tải các thông điệp về sở hữu trí tuệ.

Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về SHTT dành cho sinh viên được Cục SHTT phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN  tổ chức hàng năm là sự thi đấu giữa sinh viên đại diện cho các trường tham gia với các phần thi cơ bản như Chào hỏi, Đấu trí IP, Xử lý tình huống SHTT, Khởi nghiệp với SHTT và các phần thi dành cho khán giả đã hấp dẫn, lôi cuốn người tham gia với các câu hỏi xoay quanh SHTT. Chính việc sân khấu hóa cuộc thi đã phát huy tác dụng trong việc giúp sinh viên hứng thú tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng cũng như quy định pháp luật hiện hành về SHTT. Bên cạnh đó, Hội nghị khoa học về SHTT được hai bên phối hợp tổ chức lại là nơi các sinh viên hăng say trổ tài nghiên cứu và thuyết trình về các vấn đề SHTT. Rất nhiều câu hỏi được sinh viên tham dự đặt ra làm khó không chỉ các tác giả báo cáo tại hội nghị mà cả các giám khảo. Hội nghị đã trở thành một diễn đàn cho sinh viên tự do trao đổi học thuật về một lĩnh vực rất mới như SHTT.


Khích lệ sáng tạo và khai thác hiệu quả kiến thức về sở hữu trí tuệ

Các phần thưởng từ Ban tổ chức cũng như các nhà tài trợ tuy chưa nhiều nhưng việc ghi danh rất trang trọng trong Giấy chứng nhận tham gia, Giấy chứng nhận giải thưởng đã khích lệ sinh viên đam mê nghiên cứu. Số lượng các báo cáo nghiên cứu khoa học nộp về tăng theo từng năm cũng như chất lượng các báo cáo ngày càng được nâng cao chứng tỏ sự nỗ lực của các tác giả dành cho nghiên cứu. Từ đó, một vấn đề vốn dĩ “khô và khó” như SHTT đã được sinh viên hào hứng vận dụng để tìm ra những phát hiện mới, những áp dụng mang lại giá trị cao trong thực tiễn. Đơn cử có thể kể tới các nghiên cứu như: Các điều khoản linh hoạt của hiệp định TRIPS với việc tiếp cận dược phẩm vì sức khỏe cộng đồng (Lê Minh Trang, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch của thành phố Nha Trang (Trần Thị Thanh Thủy, Trường Đại học Ngoại thương), Ứng dụng sáng chế số “ US3861053A Method for drying and preserving plant material” để nâng cao hiệu quả sấy và bảo quản thảo quả sau thu hoạch tại huyện Sa Pa (Vũ Thị Nga, Trường Đại học KHXH&NV), Quyền tác giả đối với chương trình phát sóng nhìn tự vụ tranh chấp bản quyền đối với tác phẩm “ĐẤU SĨ THIÊN VƯƠNG” (Nhóm tác giả Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Bảo hộ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo - Những thách thức và giải pháp hoàn thiện pháp luật (Nhóm tác giả Trường Đại học Luật Hà Nội),…



Cuộc thi "Sở hữu trí tuệ - Cầu nối sinh viên với doanh nghiệp" tổ chức năm 2015



Tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các đội thi

 

Xây dựng một thế hệ hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ

Trên thực tế, Cuộc thi và Hội nghị về SHTT được Cục SHTT phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN  tổ chức hàng năm đã vượt xa khỏi giới hạn của hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hướng tới việc xây dựng một thế hệ hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động đào tạo, huấn luyện và tư vấn được tiến hành song song trong khuôn khổ của hai hoạt động này. Thông qua đó, sinh viên hình thành nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng và thái độ tôn trọng quyền SHTT. Với cách thức này, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn bảo hộ quyền SHTT sẽ được thu hẹp. Trong suốt mười năm qua, các hoạt động này đã có sức lan tỏa rộng rãi và cần được tiếp tục phát triển để xây dựng một hệ sinh thái, một môi trường SHTT kiến tạo.



Hội nghị khoa học về sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên năm 2014

Nguồn: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

Lượt xem: 2868

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)