Chủ nhật, 26/04/2020 23:11 GMT+7

Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng thay thế

Năng lượng thay thế được đánh giá sẽ là những nguồn năng lượng quan trọng vì một tương lai xanh, do đó việc nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng này cũng là xu hướng mà Việt Nam rất cần quan tâm trong thời gian tới.

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, nhằm tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra các công nghệ thân thiện với môi trường và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho sự đổi mới đó. Sở hữu trí tuệ được sử dụng trong nhiều khía cạnh khác nhau của nỗ lực tạo ra một tương lai sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Đứng trước nguy cơ nguồn năng lượng hóa thạch có hạn trên trái đất đang dần đi đến cạn kiệt, cũng như gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do quá trình khai thác và sử dụng ồ ạt, những nguồn năng lượng mới đã và đang dần được giới khoa học và con người quan tâm hơn. Không chỉ là nguồn năng lượng thay thế, chúng còn là những nguồn năng lượng sạch với lượng phát thải thấp, hạn chế ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Năng lượng thay thế được đánh giá sẽ là những nguồn năng lượng quan trọng vì một tương lai xanh, do đó việc nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng này cũng là xu hướng mà Việt Nam rất cần quan tâm trong thời gian tới.

Năng lượng thay thế (Alternative energy) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nguồn năng lượng thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch. Đây là nguồn năng lượng phi truyền thống và ít tác động đến môi trường. Hầu hết các định nghĩa đều cho rằng “năng lượng thay thế” không gây hại cho môi trường, đây là điểm khác biệt với năng lượng tái tạo là có thể hoặc không gây tác động đáng kể đến môi trường (IEA, 2014). 1

Theo định nghĩa của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC), các nguồn năng lượng thay thế bao gồm:2

Nhiên liệu sinh học;

Công nghệ khí hóa tích hợp (IGCC);

Nhiên liệu hydro và pin nhiên liệu hydro; 

Nhiệt phân hoặc khí hóa sinh khối;

Khai thác năng lượng từ chất thải nhân tạo;

Năng lượng thủy điện;

Chuyển đổi năng lượng nhiệt đại dương;

Năng lượng gió;

Năng lượng mặt trời;

Năng lượng địa nhiệt;

Một số dạng năng lượng thay thế khác.

Sử dụng các cơ sở dữ liệu về thông tin sáng chế đã được công bố của quốc tế và của Việt Nam, báo cáo tra cứu thông tin sáng chế dưới đây sẽ đưa ra bức tranh sơ bộ về xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng thay thế trên toàn cầu và ở Việt Nam.


Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng thay thế trên toàn cầu

Lĩnh vực tra cứu: Tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xác định bởi nhóm chuyên gia về IPC của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, được đăng tải ở địa chỉ: https://www.wipo.int/classifications/ipc/en/green_inventory/ . 

Phạm vi không gian: Toàn cầu

Phạm vi thời gian: Từ 01/01/2006 trở đi.

Ngày thực hiện tra cứu: 11/4/2020

Công cụ tra cứu: công cụ Orbit của Questel.

Kết quả tra cứu:



Ảnh 1: Kết quả tra cứu

 

Có tổng số 1.210.636 tài liệu sáng chế được tìm thấy liên quan đến các phân loại nêu trên, trong đó có 45,3% sáng chế trong số đó đã được cấp bằng.


Ảnh 2: Phân tích các họ sáng chế theo tình trạng kỹ thuật

 


Phân tích theo lĩnh vực công nghệ



Ảnh 3: Phân tích tổng quan theo các lĩnh vực công nghệ


Biểu đồ này dựa trên mã phân loại sáng chế quốc tế (IPC) có trong tập hợp sáng chế đang được phân tích. Các mã IPC đã được nhóm trong 35 lĩnh vực công nghệ, được trình bày ở đây. Biểu đồ này giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn. Hình minh họa này cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của chủ thể này. Biểu đồ này rất hữu ích trong việc xác định sáng chế trong một khu vực và trong một lĩnh vực có thể có nhiều mục đích sử dụng. Nó có thể là một cách tốt để xác định việc sử dụng mới cho các sáng chế đã được nộp. Theo biểu đồ nêu trên, từ năm 2006 cho đến nay các lĩnh vực chính có sáng chế liên quan đến năng lượng thay thế chủ yếu vẫn là các thiết bị điện, năng lượng; quy trình và thiết bị nhiệt; vật liệu, luyện kim; vật liệu bán dẫn. Các nhóm công nghệ liên quan đến năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt … vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với các lĩnh vực nêu trên.



Ảnh 4: Tương quan giữa lĩnh vực công nghệ và việc nộp đơn đăng ký sáng chế

 

Biểu đồ này giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn. Hình minh họa này cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của  chủ thể này.

Dựa vào biểu đồ có thể thấy, trong lĩnh vực công nghệ năng lượng thay thế thì các quá trình trao đổi nhiệt vẫn chiếm ưu thế, tiếp đến là khí sinh học. Các dạng năng lượng khác như năng lượng điện từ mặt trời, năng lượng gió hay sinh khối xuất hiện với tỉ lệ nhỏ hơn nhiều.


Phân tích theo chủ đơn và tác giả sáng chế chính



Ảnh 5: Phân tích theo chủ đơn chính


Biểu đồ này cho thấy danh mục đầu tư của chủ đơn và các đồng chủ đơn chính của họ. Đó này là một chỉ báo tốt về xu hướng hợp tác của người nộp đơn và cũng xác định các đối tác ưa thích của họ. Đồng thời, để nghiên cứu các sáng chế của một chủ đề cụ thể, biểu đồ này thể hiện các chủ đơn hàng đầu theo số đơn đã nộp trong lĩnh vực. Điều này thể hiện các chủ đơn có số lượng sáng chế lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ trong lĩnh vực đang được phân tích.

Trong 3 chủ đơn hàng đầu, TOYOTA MOTOR đã có 12.308 họ sáng chế, CHINA PETROLEUM & CHEMICAL có 7.895 họ sáng chế, JFE STEEL có 7.748 họ sáng chế.



Ảnh 6: Phân tích theo chủ đơn chính và tình trạng kỹ thuật


Biểu đồ này minh họa tình trạng pháp lý của nhóm các sáng chế của các chủ đơn hàng đầu. Thông tin này cho phép xác định những sáng chế nào còn và không còn hiệu lực.

Từ biểu đồ này có thể thấy, mặc dù trong 3 chủ đơn hàng đầu, TOYOTA MOTOR dẫn đầu với 12.308 họ sáng chế nhưng lại có đến 5.712 sáng chế đã hết hiệu lực, trong khi tỷ lệ tương ứng của CHINA PETROLEUM & CHEMICAL  và JFE STEEL thấp hơn đáng kể.


Phân tích xu hướng nộp đơn và xu hướng đầu tư



Ảnh 7: Phân tích theo số lượng họ sáng chế theo năm nộp đơn đầu tiên


Biểu đồ phác họa sự phát triển của các đơn nộp theo thời gian, cho thấy động lực sáng tạo của danh mục đầu tư được nghiên cứu.

Lưu ý: Do khoảng thời gian luật định cho việc công bố là tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn, do đó cho số liệu công bố đầy đủ nhất sẽ thuộc về các đơn được có ngày nộp đơn đầu tiên từ tháng 10 năm 2018 trở về trước. Các số liệu năm 2019 và 2020 chưa đưa vào phân tích do các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên trong giai đoạn này phần lớn chưa được công bố.

Nhìn vào biểu đồ ta thấy, lượng đơn có xu hướng tăng từ năm 2010 và đạt số lượng lớn vào năm 2017 với 118.932 họ đơn. Lượng đơn nộp vẫn có xu hướng tăng, chứng tỏ đây là lĩnh vực vẫn đang thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và đầu tư.



Ảnh 8: Biểu đồ thể hiện mật độ sáng chế về công nghệ năng lượng thay thế trên thế giới


Biểu đồ trên thể hiện chiến lược bảo vệ của người nộp đơn và do đó giúp xác định thị trường mục tiêu. Có thể thấy trên biểu đồ rằng, sáng chế này được bảo hộ chủ yếu ở khu vực Châu Á, từ đó nhà đầu tư sẽ có chiến lược tìm kiếm thị trường thích hợp.



Ảnh 9: Các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng thay thế


Biểu đồ tiếp theo thể hiện rõ hơn các quốc gia hàng đầu trong mảng công nghệ này. Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 03 quốc gia đứng đầu với số lượng đơn nộp lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng thay thế.


Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng thay thế ở Việt Nam

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển công nghệ năng lượng thay thế ở Việt Nam trong thời gian qua, các số liệu về đơn sáng chế được tra cứu dựa trên sơ sở dữ liệu Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IPLIB) của Cục sở hữu trí tuệ.



Ảnh 10: Công cụ tra cứu sáng chế IP-LIB của Cục SHTT (iplib.noip.gov.vn)

 

Tra cứu theo phân loại IPC đã được xác định bởi WIPO, phạm vi toàn thời gian thu được kết quả là 1404 đơn sáng chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng thay thế, chứng tỏ đây cũng là một trong những mối quan tâm của các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chứng tỏ tiềm năng chưa được khai phá đối với thị trường năng lượng thay thế ở Việt Nam vì mật độ sáng chế trong lĩnh vực này còn thấp.

Có thể nói, đối với Việt Nam - đất nước sẽ chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, lại có tiềm năng nguồn năng lượng thay thế (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt, đang biến đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng tịnh thành nước nhập khẩu tịnh thì việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng thay thế có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.3


Nhận xét chung  

Bằng việc phân tích thống kê dữ liệu từ thông tin sáng chế, tình hình đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng thay thế đã được minh họa một cách tương đối rõ ràng và đầy đủ. Trên bản đồ công nghệ năng lượng thay thế thế giới, có thể thấy rõ rằng đứng đầu trong lĩnh vực này là TOYOTA MOTOR đã có 12.308 họ sáng chế, CHINA PETROLEUM & CHEMICAL có 7.895 họ sáng chế, JFE STEEL có 7.748 họ sáng chế. Dựa vào danh sách các chủ đơn đứng đầu cũng như cá nhân có lượng đơn lớn nhất thì có thể thấy Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là ba quốc gia đứng đầu trong công nghệ năng lượng thay thế. Trên thực tế, đây cũng là các quốc gia có lượng đơn bảo hộ sáng chế nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Thống kê cũng đưa ra những lĩnh vực công nghệ đã có nhiều họ sáng chế nhất (cụ thể là các thiết bị điện, năng lượng; quy trình và thiết bị nhiệt; vật liệu, luyện kim; vật liệu bán dẫn), đặc biệt chỉ ra sự thống trị của quá trình trao đổi nhiệt trong mảng năng lượng thay thế. Từ đó, giúp các nhà đầu tư xây dựng chiến lược hoạch định đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách hiệu quả, thiết lập hướng nghiên cứu và phát triển cũng như chiến lược sáng chế để thâm nhập thành công vào thị trường, giảm thiểu cạnh tranh với những đối thủ lớn. Bên cạnh đó, nhờ thông tin đưa ra về các chủ đơn lớn, các nhà đầu tư có cơ sở giám sát hoạt động của đối thủ, có danh mục đầu tư vào bằng sáng chế của các công ty - phân tích các công ty hàng đầu và tập trung vào công nghệ, xác định các đối tác/cộng tác viên tiềm năng, cũng như các đối thủ cạnh tranh và phân bổ nguồn lực có hiệu quả./.

 

Bài viết và kết quả tra cứu: Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp

------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng luận Số 5 – 2015, TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO Ở VIỆT NAM, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

2.  https://www.wipo.int/classifications/ipc/en/green_inventory/

3. http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/tong-quan-tiem-nang-va-trien-vong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-viet-nam.html

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2887

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)