Thứ sáu, 24/04/2020 16:59 GMT+7

Duy trì hoạt động an toàn các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu mới đối với các cơ sở y tế trên toàn thế giới là cần phải điều chỉnh các hoạt động thường ngày nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virut trong khi vẫn đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Tại Việt Nam, song song với những thành công bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công tác chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị của nước ta vẫn được duy trì, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sỹ trên cả hai phương diện về an toàn bức xạ, hạt nhân và an toàn trong phòng tránh lây nhiễm virut.

Xạ hình PET/CT cho bệnh nhân ung thư tại cơ sở y học hạt nhân.
 

Các cơ sở y học hạt nhân (YHHN), xạ trị có vai trò hết sức quan trọng, phục vụ chẩn đoán, điều trị nhiều loại bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến nhanh như ung thư, tim mạch, thần kinh…Tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, ung thư và tim mạch đã trở thành các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vừa qua, Cục Năng lượng nguyên tử đã liên hệ, trao đổi thông tin với cán bộ đầu mối, chuyên gia của một số cơ sở YHHN, xạ trị trong nước, Viện nghiên cứu hạt nhân và tổng hợp thông tin về hoạt động của các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị của nước ta như sau:

Trong tình hình dịch bệnh và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hoạt động của các cơ sở YHHN, xạ trị trong nước vẫn được duy trì, đảm bảo an toàn cho người bệnh và đội ngũ y bác sỹ trên cả hai phương diện an toàn bức xạ, hạt nhân và an toàn trong phòng tránh lây nhiễm virut. Một yếu tố quan trọng giúp duy trì hoạt động của các cơ sở YHHN, xạ trị là nguồn cung dược chất phóng xạ (DCPX) phục vụ chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở vẫn được đảm bảo. 

Đối với DCPX sản xuất trên lò phản ứng: Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) đã áp dụng nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất, bảo dưỡng thiết bị, tăng ca vận hành… nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung DCPX cho 25 cơ sở y học hạt nhân, xạ trị trong nước. Do diễn biến của dịch làm ngừng trệ hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, gây khó khăn và kéo dài thời gian nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến tăng chi phí sản xuất DCPX. Hiện nay, Viện tiếp tục cung cấp DCPXcho các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị theo giá của các hợp đồng đã ký kết và chấp nhận bù lỗ quá trình sản xuất.

Đối với DCPX sản xuất trên cyclotron: từ tháng 3/2020, sản lượng sản xuất dược chất phóng xạ F18-FDG của các trung tâm cyclotron trong nước có sự sụt giảm do nhu cầu về xạ hình PET/CT giảm khi cả nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các trung tâm cyclotron tiếp tục được duy trì để phục vụ những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị tại các cơ sở YHHN.

Trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, vấn đề được đặc biệt quan tâm là đảm bảo duy trì hoạt động của các khoa YHHN, xạ trị trên toàn thế giới một cách an toàn. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong tuần qua đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với chủ đề “Cách thức để các khoa y học hạt nhân, xạ trị có thể hoạt động an toàn trong đại dịch COVID-19” với nội dung tập trung vào việc kiểm soát phòng chống nhiễm virut tại các khoa y học hạt nhân, xạ trị. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của trên 4000 chuyên gia, bác sỹ khắp thế giới. Theo khuyến cáo của IAEA, các thiết bị điện quang như X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hiện là công cụ hữu hiệu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý và các biến chứng liên quan đến COVID-19. Thiết bị CT không chỉ được trang bị tại các khoa điện quang, đồng thời cũng là cấu phần quan trọng của hệ thống xạ hình PET/CT, SPECT/CT có tại các khoa YHHN. Bên cạnh việc sử dụng cho chẩn đoán, điều trị ung thư, tim mạch và một số bệnh lý khác, các khoa YHHN có thể hỗ trợ các khoa điện quang trong việc sử dụng tính năng chụp CT của các thiết bị xạ hình để chụp phổi cho bệnh nhân nhiễm (hoặc nghi nhiễm) COVID-19, giúp giảm tập trung đông người tại các khoa điện quang, góp phần thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

 

- Lò phản ứng hạt nhân (Đà Lạt) là loại lò phản ứng nghiên cứu TRIGA-MARK II có công suất danh định 500kW. Lò được Viện nghiên cứu hạt nhân vận hành, khai thác hiệu quả từ năm 1984 đến nay. Các DCPX chính được sản xuất trên lò bao gồm P-32, I-131, Tc-99m… với sản lượng tăng hàng năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần để hỗ trợ cho Campuchia.

- Cả nước hiện có 5 trung tâm cyclotron (3 ở Hà Nội, 1 ở Đà Nẵng và 1 ở Tp.HCM) sản xuất, cung cấp DCPX F18-FDG cho 13 hệ thống xạ hình PET/CT tại các cơ sở YHHN. Trung tâm máy gia tốc cyclotron 30MeV đặt tại Bệnh viện TW quân đội 108 là trung tâm cyclotron lớn nhất cả nước.

- Cả nước hiện có khoảng 40 cơ sở y học hạt nhân, xạ trị, tập trung ở các bệnh viện tuyến trung ương và các tỉnh/thành lớn, có trang thiết bị hiện đại với 13 PET/CT, trên 50 SPECT, SPECT/CT và khoảng 70 thiết bị xạ trị trong đó phần lớn là xạ trị gia tốc LINAC. Một số máy xạ trị - xạ phẫu đa mức năng lượng hiện đại như Truebeam Stx, Elekta Infinity, Versar HD… cũng đã được trang bị ở các cơ sở YHHN, xạ trị đầu ngành.

- Ngày 04/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1958/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 với mục tiêu tăng cường ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế; tập trung phát triển các kỹ thuật hiện đại sử dụng tính ưu việt của bức xạ và đồng vị phóng xạ để phục vụ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Triển khai thực hiện quy hoạch, giai đoạn 10 năm qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong y tế trên cả 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, điện quang. Nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến, tương đương trình độ thế giới và khu vực đã được triển khai thành công ở nước ta.

- Cục Năng lượng nguyên tử là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT đến năm 2030, tầm nhìn dự kiến đến năm 2050 theo Nghị định số 41/2019/NĐ-CP quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT, đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/5/2019.

Hiện nay, Cục NLNT đang chủ trì, phối hợp với Hội điện quang và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiên cứu xây dựng Bản đồ và lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế nhằm góp phần tiếp tục phát triển lĩnh vực điện quang, xạ trị và y học hạt nhân của Việt Nam giai đoạn sau năm 2020.

 

 

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3678

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)