Thứ bảy, 18/04/2020 23:20 GMT+7

Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo

Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm nay (26-4) có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, nhằm tôn vinh các nhà sáng chế, sáng tạo nỗ lực tạo ra công nghệ sạch cho tương lai. Đồng thời, tôn vinh những người sử dụng hệ thống SHTT để hỗ trợ hoạt động của các nhà sáng chế, sáng tạo. Thời gian qua, các sáng chế của Việt Nam tăng dần qua các năm, nhiều sáng chế đã được thương mại hóa, góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Kết quả đó một phần là nhờ các hoạt động của Cục SHTT trong thúc đẩy phát triển SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học.

 


Cục Sở hữu trí tuệ tập trung nguồn lực đẩy nhanh thủ tục cấp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, các trường đại học, viện nghiên cứu đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các công bố quốc tế, các bài báo trên tạp chí ISI tăng nhanh. Năm 2019, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là 75.742 đơn, tăng 16,7% so với năm 2018, trong đó có 8.119 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích. Cục SHTT đã cấp 40.715 đối tượng sở hữu công nghiệp, tăng 40,6% so với năm 2018, trong đó có 2.922 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, điểm hạn chế của các viện nghiên cứu, trường đại học là chưa quan tâm đến việc biến các kết quả nghiên cứu thành tài sản trí tuệ, số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp, nhất là sáng chế còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm trong thương mại hóa tài sản đó. Nguyên nhân do các viện nghiên cứu, trường đại học thiếu cán bộ có chuyên môn về SHTT, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của SHTT đối với đổi mới sáng tạo.

Để hỗ trợ giải quyết những bất cập nêu trên, Cục SHTT đã phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam (thông qua Chương trình TISC và IP-HUB do WIPO khởi xướng, hỗ trợ). Triển khai hoạt động, Cục SHTT đã thành lập Ban điều phối mạng lưới để xây dựng và phát triển các kênh kết nối, truyền thông; đào tạo, tuyên truyền, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tư vấn cho các thành viên trong mạng lưới; nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển mạng lưới. Đồng thời tổ chức nhiều khóa tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên mạng lưới... Hiện, có gần 60 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước đăng ký tham gia mạng lưới để được hỗ trợ quá trình đăng ký sáng chế. Trong số đó có 12 viện nghiên cứu, trường đại học được lựa chọn để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật có giá trị của đơn vị, gắn hoạt động nghiên cứu - triển khai của đơn vị với doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp về SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Mô hình hoạt động của mạng lưới là Cục SHTT đóng vai trò “trục xoay”, các trường đại học, viện nghiên cứu là “nan hoa”, Cục SHTT sẽ hỗ trợ và điều phối các trung tâm từ phát triển công nghệ, đăng ký bảo hộ sáng chế đến thiết lập liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với nhau và với các nhà đầu tư, góp phần hỗ trợ thương mại hóa sáng chế.

Đến nay, các thành viên mạng lưới đã thành lập bộ phận hoặc nhóm cán bộ chuyên trách về SHTT để tham gia các hoạt động hỗ trợ của Cục SHTT, nghiên cứu xây dựng quy chế hoặc chính sách về SHTT trong đơn vị. Đáng chú ý, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tập hợp, khuyến khích được nhu cầu đăng ký sáng chế từ các nhà khoa học của đơn vị để đồng hành với Cục SHTT hỗ trợ đăng ký sáng chế. Nhiều viện, trường đã chủ động phối hợp với Cục SHTT tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên mạng lưới, như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân,...

PGS. TS Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được Cục SHTT hỗ trợ tích cực, nhất là tập huấn cho các nhà khoa học về kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế, viết bản mô tả sáng chế, đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế và các kỹ năng cơ bản trong thương mại hóa công nghệ; đồng thời Cục SHTT hỗ trợ theo dõi quá trình đăng ký sáng chế để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo động lực trong nghiên cứu cho các nhà khoa học. Bên cạnh đó, các cán bộ chuyên trách SHTT của đơn vị được đào tạo chuyên sâu về quản lý, hiểu được xu thế của thế giới về SHTT, đổi mới sáng tạo để vận dụng ở đơn vị. Nhờ sự hợp tác đó, cùng với việc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành các chính sách thúc đẩy đăng ký SHTT, các nhà khoa học, nhà quản lý của Viện đã nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT đối với đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Hai năm qua, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tăng nhiều, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về số sáng chế được cấp bằng độc quyền. Năm 2018, Viện có 50 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, năm 2019 có 52 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng 25% so với năm 2017.

PGS. TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế nhận định, việc hỗ trợ của Cục SHTT trong việc đăng ký quyền SHTT và chuyển giao công nghệ là rất cần thiết. Hiện, Đại học Huế có nhiều kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao, tạo ra các sản phẩm trên thị trường, nếu được hỗ trợ tốt để đăng ký quyền SHTT và chuyển giao thì sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Cục SHTT cho biết, mô hình mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu, trường đại học đã được xây dựng và phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, dưới sự chủ trì của WIPO. Nhiều quốc gia đã có những bài học thành công có thể tham khảo để áp dụng ở Việt Nam. Do đó, nếu quan tâm phát triển đúng hướng thì sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường SHTT của Việt Nam, nhất là thúc đẩy việc nộp đơn đăng ký sáng chế đối với các công nghệ được tạo ra từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục SHTT sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để mạng lưới các trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học vận hành ổn định, giúp cho các đơn vị này tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện việc nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam.


Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/44128502-tang-cuong-nang-luc-doi-moi-sang-tao.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3737

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)