Thứ bảy, 04/04/2020 11:49 GMT+7

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan: Góp phần thay đổi thực hành hỗ trợ sinh sản

Với nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan trở thành một trong số các nhà khoa học được đề cử giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, đề cử giải chính giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.
 

Nhằm giải đáp một câu hỏi tồn tại trong quá trình hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (Trưởng Bộ môn Phụ sản – trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) và đồng nghiệp ở Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang và xuất bản nghiên cứu trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM). Với công trình này, chị trở thành một trong số bốn nhà khoa học được đề cử giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. Báo Khoa học và Phát triển đã trao đổi với chị về nghiên cứu này.

Vì sao chị lại muốn tập trung vào nghiên cứu về việc chuyển phôi đông lạnh và phôi tươi trên phụ nữ không mắc hội chứng đa nang?

Kể từ khi được thực hiện thành công đầu tiên trên giới vào năm 1978, việc áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) trong hỗ trợ sinh sản đã đi kèm với sự phát triển của nhiều kỹ thuật mới. Trước đây, kỹ thuật đông lạnh phôi chưa tốt, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân thường được chuyển phôi tươi và chuyển nhiều phôi cùng lúc đưa đến nguy cơ quá kích buồng trứng và đa thai cho bệnh nhân điều trị. Sau đó, khi kỹ thuật đông lạnh phôi được cải thiện, khi thực hiện TTTON tạo ra phôi, chuyển phôi tươi thường được thực hiện trong chu kỳ điều trị và số phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng tiếp nếu chuyển phôi tươi thất bại.

Vào năm 2011, kết quả chuyển phôi đông lạnh được ghi nhận có vẻ tốt hơn chuyển phôi tươi. Từ đó, nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trên thế giới đã chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này có thể làm kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân cũng như có thể tăng thêm chi phí cho quy trình đông lạnh – rã đông phôi mà thật ra hiệu quả của nó chưa được chứng minh và công bố rộng rãi.

Hiệu quả của chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh là vấn đề nổi cộm và được tranh luận nhiều trong các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Một nghiên cứu ở Trung Quốc trên đối tượng là bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang đã ghi nhận việc chuyển phôi trữ có hiệu quả hơn chuyển phôi tươi đã được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) vào năm 2016. Tuy nhiên, cho đến năm 2017, vẫn chưa có câu trả lời liệu rằng chuyển phôi trữ có hiệu quả hơn chuyển phôi tươi cho các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang hay không? Đa số các nghiên cứu được công bố về vấn đề này đều có thiết kế hồi cứu hoặc là những nghiên cứu tiến cứu nhưng có cỡ mẫu nhỏ và không đồng nhất.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi nộp bài cho tạp chí NEJM. Với sự hỗ trợ của GS Robert Norman và GS Ben Mol ở Úc, chúng tôi phải sửa bản thảo nội bộ tổng cộng 17 lần trong khoảng 10 tháng để có một bản thảo hoàn chỉnh nhất nộp cho tạp chí.

Quá trinh bình duyệt của tạp chí có nhiều vòng, chúng tôi lần lượt vượt qua từng vòng. Sau vòng bình duyệt bởi các chuyên gia, chúng tôi nhận được 14 trang A4 câu hỏi và ý kiến nhận xét yêu cầu trả lời.Thú thật.lần đầu tiên tôi nhận được phản hồi nhiều và chi tiết đến như vậy. Tôi mất 2 tháng để trả lời toàn bộ các câu hỏi, yêu cầu và điều chỉnh bản thảo để nộp lại.Sau đó, thêm 2 lần điều chỉnh, sửa chữa cùng với một thành viên của ban biên tập, bài báo của chúng tôi được chính thức chấp nhận.Như vậy, với tổng cộng 20 lần sửa chữa trong khoảng thời gian hơn một năm, bài báo của chúng tôi được công bố.Đó là một hành trình dài, căng thẳng nhưng cũng đầy thú vị. Điều quan trọng nhất là bản thân tôi và các đồng nghiệp đã học và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho hành trình nghiên cứu và công bố tiếp theo của mình”.

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan

 

Vậy đây là vấn đề được cả các nhà nghiên cứu Việt Nam và trên thế giới quan tâm?

Đúng vậy, đây là một vấn đề mà các bác sĩ ở các trung tâm TTON trên thế giới và ở Việt Nam phải đặt ra hằng ngày để chọn lựa phương pháp chuyển phôi cho bệnh nhân. Trên thế giới, có khoảng 10 nhóm nghiên cứu ở các nước khác nhau gồm Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch, Hồng Kông,… thực hiện nghiên cứu về vấn đề này cùng lúc với chúng tôi nhưng nghiên cứu của chúng tôi hoàn thành trước các nhóm khác và cùng lúc với nhóm nghiên cứu của Chen và cộng sự ở Trung Quốc.
 

Hướng dẫn học viên nước ngoài đến học về TTON. Nguồn: NVCC
 

Mặt khác, đây là vấn đề có ý nghĩa ứng dụng cao nên tạp chí NEJM đã đăng tải kết quả của cả hai công trình nghiên cứu, một của chúng tôi ở Việt Nam và một của nhóm Trung Quốc trong cùng một số báo.

Khi thực hiện nghiên cứu này, chị và cộng sự mong muốn tập trung vào giải quyết vấn đề gì?

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào bốn điểm chính là: 1) Nghiên cứu chứng minh được chuyển phôi đông lạnh hiệu quả và an toàn như chuyển phôi tươi, do đó, các cặp vợ chồng điều trị TTTON không cần chuyển nhiều phôi tươi một lúc mà có thể giảm số phôi chuyển xuống, số còn dư được đông lạnh để sử dụng sau đó, tránh việc phải kích thích buồng trứng trở lại nếu thất bại; 2) Trữ phôi và giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ đa thai, từ đó, hạn chế các biến chứng thai kỳ cho mẹ và con, cải thiện sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON; 3) Các phụ nữ điều trị TTTON có nguy cơ quá kích buồng trứng, có thể thực hiện đông lạnh phôi toàn bộ, sau đó thực hiện chuyển phôi rã đông, sẽ giúp giảm biến chứng quá kích buồng trứng; 4) Cả 2 phương pháp chuyển phôi đều hiệu quả như nhau, do đó, các bác sĩ không nên chuyển sang thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả bệnh nhân vì sẽ làm kéo dài thời gian từ lúc bắt đầu điều trị đến lúc có thai và tăng chi phí của bệnh nhân.

Kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm vào thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Ước tính cả thế giới mỗi năm có hơn hai triệu cặp vợ chồng thực hiện TTTON và có gần ba triệu lượt chuyển phôi đông lạnh; ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện TTTON và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Việc trả lời câu hỏi khi nào thực hiện kiểu chuyển phôi nào giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Chắc hẳn trong quá trình thực hiện nghiên cứu, chị và cộng sự cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh?

Khi xây dựng đề cương nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã suy tính đến các tình huống khác nhau, các vấn đề có thể gặp phải trong nghiên cứu và hướng giải quyết. Do đó, không có nhiều trục trặc xảy ra trong quá trình nghiên cứu. Khó khăn gặp phải lớn nhất là nghiên cứu thực hiện trên một số lượng lớn bệnh nhân, gần 800 bệnh nhân và phải theo dõi tất cả bệnh nhân trong một khoảng thời gian dài từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi sinh em bé. Toàn bộ quá trình khám thai, theo dõi các biến chứng trong thai kỳ và kết cục sinh của em bé cần phải được ghi nhận trong khi không phải tất cả bệnh nhân đều sống tại TP.HCM hay khám và theo dõi thai tại bệnh viện Mỹ Đức.

Để có thể có được đầy đủ kết cục của nghiên cứu cũng như đảm bảo giá trị và chính xác của kết quả nghiên cứu, chúng tôi phải thiết lập các kênh liên lạc khác nhau. Cả nhóm nghiên cứu chia nhau để liên hệ với bệnh nhân, cập nhật kết quả khám và sinh của toàn bộ các lần khám thai trong suốt 9 tháng thai kỳ và kết cục sinh em bé. Do đó hoàn thành việc thu thập dữ liệu nghiên cứu trên 800 bệnh nhân là một nỗ lực lớn của nhóm nghiên cứu.

Các đồng nghiệp ở bệnh viện Mỹ Đức, nơi nghiên cứu được tiến hành chủ yếu, chắc hẳn đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nghiên cứu này?

Các đồng nghiệp ở bệnh viện Mỹ Đức có đóng góp rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu này khi tham gia vào nhiều công đoạn của nghiên cứu, ví dụ như tham gia trong quá trình thiết kế và xây dựng đề cương nghiên cứu, thực hiện thu thập dữ liệu, quản lý dữ liệu, phân tích số liệu và các thảo luận liên quan đến bài công bố của nghiên cứu.

Rất may mắn là tôi đã từng hợp tác với Bệnh viện Mỹ Đức trong việc thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân và tôi tư vấn cũng như chủ trì một số đề tài nghiên cứu lâm sàng tại đây nên mọi người rất hiểu và chia sẻ với nhau trong công việc.

Theo tài khoản trên ResearchGate thì chị công bố rất đều đặn, thậm chí trong những tháng đầu năm 2020 đã có ba công bố quốc tế. Bí quyết gì để chị có được nhiều công bố như vậy?

Nhìn chung, nhiệm vụ của một nhà khoa học và của một nhóm nghiên cứu là phải có công bố khoa học. Với lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi, kết quả của những công bố khoa học có thể là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo hoặc được ứng dụng để cải thiện hiệu quả điều trị. Do đó, việc phải duy trì mạch nghiên cứu và công bố là điều tiên quyết. Tôi may mắn được làm việc cùng một nhóm nghiên cứu được tổ chức một cách chuyên nghiệp, tuân theo các chuẩn mực khoa học, làm việc có chất lượng và đầy nhiệt huyết. Muốn duy trì được khả năng công bố khoa học đều đặn, chúng tôi cũng phải hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm, sự phối hợp đồng bộ, làm đúng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm.

Các nghiên cứu của chị đều rất có ý nghĩa thực tiễn.Vậy đó có phải là động lực để chị có thêm công bố?

Đối với các nhóm nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu thường xuất phát từ thực tiễn lâm sàng. Do đó, kết quả nghiên cứu cần được công bố để có thể cải thiện hiệu quả và thay đổi phác đồ điều trị lâm sàng. Ngay cả nghiên cứu có kết quả âm tính cũng cần được công bố để các đồng nghiệp tránh các biện pháp điều trị, can thiệp không hiệu quả. Nói chung, nghiên cứu khoa học phải luôn đi kèm với công bố khoa học.

Mẹ chị, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, và chồng chị, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, cũng là những người cùng hướng phát triển với chị. Vậy điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào với việc định hướng phát triển của chị?

Cùng lúc làm nhiều công việc như điều trị bệnh nhân, giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học nên quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp. Ngoài ra, là một phụ nữ, việc chăm sóc con cái cũng rất quan trọng đối với tôi. Vì cùng hướng phát triển, cùng chuyên ngành, mẹ tôi và chồng tôi rất thấu hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện và hỗ trợ cho tôi hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Đa số các bữa cơm gia đình là thời gian để thảo luận và trao đổi công việc. Mẹ tôi và chồng tôi có những góp ý và định hướng quan trọng cho sự phát triển của tôi.

Cảm ơn chị và chúc chị sức khỏe.

Hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan là y học sinh sản (Thụ tinh trong ống nghiệm: chuyển phôi tươi so với chuyển phôi trữ lạnh; Kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm); Sản phụ khoa (Dự phòng sinh non; Thai kỳ nguy cơ cao: đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật).

Công trình đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” xuất bản trên The New England Journal of Medicine.

“Chúng tôi phân ngẫu nhiên 783 phụ nữ vô sinh không bị hội chứng buồng trứng đa nang, những người đang được điều trị với chu kỳ IVF đầu tiên hoặc lần thứ hai, để được chuyển phôi đông lạnh hoặc chuyển phôi tươi vào ngày thứ 3 sau IVF. Ở nhóm chuyển phôi đông lạnh, tất cả phôi độ 1 và 2 đều được đông lạnh, sau đó tối đa 2 phôi sẽ được chọn rã đông và chuyển vào tử cung ở tháng tiếp theo. Ở nhóm chuyển phôi tươi, tối đa 2 phôi tươi sẽ được chọn để chuyển vào tử cung ngay trong chu kỳ kích thích buồng trứng. Kết quả chính là tỉ lệ có thai diễn tiến sau lần chuyển phôi đầu tiên.

Sau khi kết thúc chu kỳ điều trị đầu tiên, thai diễn tiến có được 142 trường hợp trên 391 phụ nữ (36,3%) ở nhóm chuyển phôi đông lạnh, và có được 135 trường hợp trên 391 phụ nữ (34,5%) ở nhóm chuyển phôi tươi (tỉ số nguy cơ trong nhóm chuyển phôi đông lạnh là 1.05; 95% khoảng tin cậy [CI], 0,87 to 1,27; P=0,65). Tỉ lệ thai sinh sống sau lần chuyển phôi đầu tiên tuần tự là 33,8% và 31,5% (tỉ số nguy cơ, 1,07; 95% CI, 0,88 to 1,31).

Do đó, đối với phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang, khi thực hiện IVF, chuyển phôi đông lạnh không làm tăng có ý nghĩa tỉ lệ thai diễn tiến hay tỉ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi”. (PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan).


 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 6370

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)