Thứ ba, 18/02/2020 18:11 GMT+7

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Magie Stearat làm tá dược quy mô 50 tấn/năm

Xuất phát từ việc một số công ty dược trong nước đã đến Trung tâm Công nghệ sinh học - Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đặt hàng nghiên cứu và sản xuất Magie stearat chất lượng cao, mong muốn chủ động nguồn nguyên liệu trong nước và giảm được giá thành, Công ty cổ phần dược phẩm Hòa Phát và công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech đặt hàng đề tài: “Nghiên cứu quy trình sản xuất magiê stearat chất lượng cao dùng làm tá dược trơn” theo Hợp đồng Nghiên cứu Khoa học và sản xuất số 01/2012/HĐKHCN tháng 01 năm 2012, đề tài này do KS Hoàng Danh Dự làm chủ nhiệm. Nội dung chính tập trung nghiên cứu quy trình sản xuất magie stearat chất lượng cao, dùng cho dược, và tiến hành sản xuất thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm 5kg/mẻ, sản xuất thử 200kg sản phẩm Magie sterarat Việt Nam đạt tiêu chuẩn dược điển Việt Nam IV.


Hệ thiết bị làm sạch nước

Trước đây, Trung tâm Công nghệ sinh học đã từng sản xuất thử nghiệm magie stearat dùng cho thú y (hàm lượng magie đạt 3 - 3,2%), trên hệ thiết bị tự đầu tư không khép kín, thô sơ, không có biện pháp thích hợp để đánh giá nguyên liệu đầu vào và khâu tinh chế sản phẩm chưa được xử lý triệt để. Từ thực tế đó nhóm dự án quyết tâm cải tiến quy trình công nghệ sản xuất magie stearat, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua khảo sát thấy hầu hết các công ty trên thế giới sử dụng công nghệ khá phức tạp để sản xuất magie stearat trực tiếp từ dầu thực vật, trong khi đó tại Việt Nam không có công ty nào sản xuất magie stearat.

Do đó, nhóm Dự án Cơ quan chủ trì Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chủ nhiệm dự án Hoàng Danh Dự thực hiện lựa chọn công nghệ sản xuất Magie sterarat chất lượng cao dùng cho dược bằng công nghệ phản ứng liên tục, sử dụng nguyên liệu là axit béo công nghiệp và muối kim loại magie. Đây là công nghệ phù hợp cho việc triển khai sản xuất ở điều kiện trong nước. Mục tiêu là hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất magie stearat chất lượng cao dùng cho dược (hàm lượng magie từ 4-5%, đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam 4), quy mô 50 tấn/năm.

Sau hai năm thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất magiê stearat làm tá dược, quy mô 50 tấn/năm” đã hoàn thiện được:

1. Đã hoàn thiện quy trình xử lí và làm sạch nguyên liệu muối magie công nghiệp đạt yêu cầu của Dự án bằng cát thạch anh và than hoạt tính.

2. Đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Magie stearate và hiệu chỉnh các thông số công nghệ như sau:

- Phản ứng xà phòng hóa (giai đoạn 1) ở quy mô pilot : nhiệt độ phản ứng 90-95oC (tương đương áp suất 0,9 at-1,1at); pH= 10-11; thời gian 90 phút, tỉ lệ xút/axit stearic (v/w) bằng 1/2, nồng độ xút 25%, tốc độ nạp liệu 1,1kg axit béo/phút, tốc độ khuấy 130 vòng/phút.

- Phản ứng tạo sản phẩm ( giai đoạn 2) ở quy mô pilot : nhiệt độ phản ứng 80-85oC; pH=7-7,5, thời gian: 90 phút; tỉ lệ dung dịch magie sulfat và dung dịch xà phòng là 1/2 (v/v); nồng độ dung dịch magie sulfat: 30%; tốc độ nạp dung dịch muối magie 1,8 lít/phút; tốc độ khuấy 130 vòng/phút.

3. Đã đưa ra quy trình công nghệ sản xuất Magie stearat dược dụng (Magie stearat VN) quy mô 50 tấn/ năm (100 kg/mẻ) phù hợp với điều kiện sản xuất ở VN, tạo ra sản phẩm có chất lượng đạt yêu cầu làm tá dược. Quy trình ổn định. Hiệu suất đạt 90%.

4. Đã đưa ra quy trình phân tích hàm lượng magie trong sản phẩm.

5. Đã đưa ra quy trình phân tích hàm lượng axit béo trong sản phẩm.

6. Đã đưa ra dây chuyển công nghệ sản xuất magie stearat dược dụng với hệ thống thiết bị phù hợp với quy mô 50 tấn/ năm (100 kg/mẻ).

7. Đã sản xuất được 11,255 tấn sản phẩm magie stearat đạt tiêu chuẩn dược điển Việt Nam IV.

8. Đã đưa ra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm magie stearat và đã có các phiếu phân tích, kiểm nghiệm sản phẩm magie stearat đạt tiêu chuẩn dược điển Việt Nam IV của cơ quan có thẩm quyền.

9. Đã viết được 25 chuyên đề khoa học.

10. Đã đào tạo 2 cán bộ công nghệ, 4 công nhân vận hành, 2 nhân viên kỹ thuật.

11. Đã viết xong giáo trình “Đào tạo cán bộ công nghệ, nhân viên kỹ thuật và công nhân vận hành” do nhóm Dự án biên soạn.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14202/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4584

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)