Thứ tư, 25/12/2019 14:45 GMT+7

Hội thảo chuyên đề về hiện trạng phóng xạ môi trường và thủy động lực Vịnh Bắc Bộ

Viện Nghiên cứu hạt nhân là một trong những Viện nghiên cứu đang thực hiện các đề tài, dự án thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ năng lượng”.

Ngày 18 tháng 12 năm 2019, trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia thuộc Chương trình KC.05 về "Đánh giá hiện trạng phông phóng xạ môi trường biển Việt Nam, nghiên cứu khả năng phát tán và ảnh hưởng phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành gần lãnh thổ Việt Nam", mã số KC.05.17/16-20 do TS. Nguyễn Trọng Ngọ làm chủ nhiệm; Viện Nghiên cứu hạt nhân đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Hiện trạng phóng xạ môi trường và Thủy động lực Vịnh Bắc Bộ”. Tham dự Hội thảo về phía cơ quan chủ trì có TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, các thành viên Hội đồng Khoa học công nghệ & Đào tạo và các thành viên tham gia thực hiện đề tài; về phía đơn vị phối hợp có PGS. TS. Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường biển cùng các thành viên tham gia thực hiện chính thuộc Viện Tài nguyên & Môi trường biển, Viện Khoa học & Kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp.
 

TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân khai mạc Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Ngọ, Chủ nhiệm đề tài trình bày các kết quả của đề tài về Hiện trạng Phóng xạ môi trường biển Vịnh Bắc Bộ. Qua các kết quả thu nhận được, cho thấy hoạt độ các đồng vị phóng xạ nhân tạo (Sr-90, Cs-137, Pu-239,240 và H-3) trong các đối tượng môi trường biển (nước, trầm tích và sinh vật) tại các vị trí khảo sát (Trà Cổ - Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ - Hải Phòng và Kỳ Anh - Hà Tĩnh) thuộc Vịnh Bắc Bộ có xu hướng thấp hơn hoặc tương đương so với các số liệu cùng loại của các tác giả khác đã công bố tại một số vị trí khảo sát (Móng Cái, Bạch Long Vĩ và Hạ Long) thuộc Vịnh Bắc Bộ, Ninh Thuận cũng như trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các kết quả phân tích hoạt độ Cs-137, Sr-90, Pu-239,240 và H-3 trong các đối tượng môi trường biển thuộc Vịnh Bắc Bộ có thể nói là lần đầu tiên được công bố và các giá trị này có thể được xem là giá trị nền phục vụ cho đánh giá tác động môi trường của việc sử dụng năng lượng hạt nhân xung quanh Vịnh Bắc Bộ. Có thể nhận xét rằng các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành xung quanh Vịnh Bắc Bộ chưa ảnh hưởng đến chất lượng nước biển về mặt phóng xạ của Vịnh Bắc Bộ nói riêng và biển Việt Nam nói chung.
 

 TS. Nguyễn Trọng Ngọ, Chủ nhiệm đề tài trình bày về Hiện trạng Phóng xạ môi trường biển Vịnh Bắc Bộ.
 

Cũng tại Hội thảo, TS. Vũ Duy Vĩnh, thành viên thực hiện chính của đề tài trình bày các kết quả về Thủy Động lực Vịnh Bắc Bộ. Qua các kết quả thu nhận được, có thể nhận xét là các quá trình thủy động lực có vai trò ảnh hưởng rất quan trọng đến vận chuyển vật chất ở các vùng biển. Trong khuôn khổ thực hiện đề tài này, các quá trình thủy động lực khu vực vịnh Bắc Bộ đã được nghiên cứu đánh giá dựa trên các số liệu khảo sát quan trắc và bộ công cụ mô hình Delft3D.

Mô hình đã được thiết lập với miền tính bao phủ toàn bộ khu vực vịnh Bắc Bộ và các vùng biển khác của Việt Nam, độ phân giải của lưới tính ngang từ 48 đến 1954m, hệ tọa độ sigma được sử dụng cho chiều thẳng đứng với 8 lớp. Các quá trình được tích hợp trong mô hình bao gồm thủy triều, sóng, dòng nước từ các sông ven bờ đưa ra, các quá trình nhiệt độ, độ muối, ảnh hưởng của các trường khí tượng (gió, mây, bức xạ mặt trời, nhiệt độ không khí, áp suất).

Các kết quả mô phỏng điều kiện thủy động lực của khu vực vịnh Bắc Bộ cho năm 2018 phù hợp với các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đã được công bố, cho thấy các trường dòng chảy, độ muối, nhiệt độ có sự phân hóa mạnh theo không gian, luôn biến động theo thời gian (dưới ảnh hưởng của thủy triều, các trường khí tượng và dòng nước từ sông đưa ra) và thể hiện những sự thay đổi rõ rệt theo mùa. Các kết quả mô phỏng, tính toán này là cơ sở để thiết lập các mô hình mô phỏng, dự báo phát tán phóng xạ khi xảy ra sự cố từ các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực.

Trong phần thảo luận mở, các chuyên gia đều đánh giá cao về các kết quả đạt được của đề tài: 1) Về bộ số liệu phóng xạ tự nhiên và nhân tạo (Ra-226, Th-232, U-238, Sr-90, Cs-137, Pu-239,240 và H-3) trong các đối tượng môi trường biển Vịnh Bắc Bộ được đánh giá là khá đầy đủ nhất từ trước tới nay và có thể xem là bộ số liệu nền phục vụ cho đánh giá tác động môi trường của Vịnh Bắc Bộ; 2) Về Thủy động lực học môi trường biển Vịnh Bắc Bộ cũng được đánh giá đã đạt được nhưng kết quả quan trọng, đây là cơ sở để thiết lập các mô hình mô phỏng, dự báo phát tán phóng xạ khi xảy ra sự cố từ các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực.

Những khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện các chuyên đề để trình các cấp quản lý phê duyệt.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3338

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)