Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hoàng Nam.
Tham dự buổi Lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và lãnh đạo các địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội; các doanh nghiệp, viện, trường, tập đoàn kinh tế trong và ngoài Ngành KH&CN; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ.
Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban KH Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04 tháng 3 năm 1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1959), Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 cho đến nay là Bộ KH&CN.
Xã hội tồn tại bởi niềm tin và phát triển nhờ khoa học
Nhìn vào lịch sử 60 năm qua có thể thấy một bề dày những đóng góp mà ngành KHCN đã đạt được, gồm “3 mục tiêu quốc gia trong những ngày cả dân tộc đấu tranh để thống nhất đất nước, bao gồm: ‘Sản xuất - Dân sinh - Quốc phòng’; sự dấn thân mạnh mẽ của toàn giới khoa học Việt Nam cho những ‘công trình thế kỷ’ của thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, như: Dầu khí Biển Đông, Thủy điện Hòa Bình, hay đường dây 500 KV Bắc-Nam…; đó là những chương trình khoa học lớn về Công nghệ cao, Dữ liệu lớn, Hệ tri thức Việt số hóa, chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia... góp phần đặt nền móng vững chắc cho đất nước phát triển trội vượt và hội nhập quốc tế sâu rộng trong thế kỷ XXI”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, phó hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội nhận định.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, hoàn toàn không cường điệu khi nói rằng Ủy ban Khoa học Nhà nước của ngày hôm qua - Bộ KH&CN của ngày hôm nay không chỉ ‘kiến tạo khoa học’ để đất nước phát triển và hội nhập mà còn góp phần quan trọng trong việc ‘củng cố niềm tin’ cho xã hội Việt Nam ổn định và thịnh vượng. Ảnh: TTTT.
Với những thành tựu đó, nhìn vào mệnh đề “xã hội tồn tại bởi niềm tin và phát triển nhờ khoa học” đã được khẳng định bởi triết gia Henri Frédríc Amiel (1821-1881), GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, hoàn toàn không cường điệu khi nói rằng Ủy ban Khoa học Nhà nước của ngày hôm qua - Bộ KH&CN của ngày hôm nay không chỉ ‘kiến tạo khoa học’ để đất nước phát triển và hội nhập mà còn góp phần quan trọng trong việc ‘củng cố niềm tin’ cho xã hội Việt Nam ổn định và thịnh vượng”. Thay mặt những người làm khoa học, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói “cộng đồng các nhà khoa học hôm nay đã sẵn sàng dấn thân, tiếp bước các thế hệ tiền bối, chung tay xây dựng cơ đồ chung, mong muốn được góp phần khiêm nhường nhưng thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO khẳng định các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đã tạo tiền đề cho doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc.
Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn ô tô Trường Hải (THACO) khẳng định: “thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp không chỉ được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ mà còn được đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; tạo lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đã tạo tiền đề cho doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc”. THACO là một ví dụ điển hình cho điều đó: từ năm 2014, THACO đã tham gia thực hiện Dự án KH&CN cấp Nhà nước, đầu tư các phần mềm thiết kế và tính toán mô phỏng hiện đại, đào tạo đội ngũ kỹ sư R&D,… qua đó góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nâng tỉ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%; xe tải lên 35%-40%.
Do đó, ông với tư cách đại diện cộng đồng doanh nghiệp rất mong “tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua việc ban hành các chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc tham gia nghiên cứu, phát triển, đổi mới và ứng dụng KH&CN trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh…”.
Trong giai đoạn hiện nay, nhìn một cách tổng quát nhất về bức tranh KH&CN trong cả nước, có thể thấy rõ những đóng góp quan trọng của ngành, như chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% trong giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,5% vào giai đoạn 2016-2020, khoa học đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Trong tổng chi cho KHCN, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước so với doanh nghiệp đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực, từ tỉ lệ 70/30 cách đây 5 năm hiện nay đã dịch chuyển thành 52/48. Hệ thống các tổ chức KHCN phát triển mạnh, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức KHCN ở mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/1 vạn dân, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín đã được thế giới công nhận.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Ảnh: TTTT
Những đòi hỏi đổi mới
Nhưng không thể chỉ dừng lại ở những kết quả đó, mà bước sang giai đoạn phát triển mới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới quản lý để thực hiện được những nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH&CN trong bối cảnh đất nước ta hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới..., Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ.
Cụ thể, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với các trường đại học, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc trong các trường đại học. Đối với các viện nghiên cứu, thực hiện trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời các biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.
Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:trong trăm việc, nghìn việc để đổi mới sáng tạo, thì việc đầu tiên cần làm là trọng dụng trí thức. Ảnh: TTTT
Để đổi mới sáng tạo, việc đầu tiên cần làm là trọng dụng trí thức
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, “qua 60 năm hình thành và phát triển, Bộ KH&CN luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật, thúc đẩy nền KH&CN nước nhà”, Thay mặt Đảng và nhà nước, ông “đánh giá cao hoạt động của Bộ trong thời gian qua”.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tới đây, như Thủ tướng nhận định là đất nước ta đang ở “bước ngoặt trong quá trình phát triển”, mà thực tiễn đã cho thấy, không chỉ các nước giàu có tài nguyên mới phát triển được, mà nhiều nước không hề có tài nguyên vẫn đạt được sự tăng trưởng nhờ vào KHCN, trong khi đó Việt Nam có tài nguyên vô tận là chất xám và sự sáng tạo của con người.
Do đó, hơn bao giờ hết cần phải “xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KHCN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Để làm được điều đó, ông chỉ đạo Bộ KH&CN thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là:
Thứ nhất, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KHCN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ hai là tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu, tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ mà doanh nghiệp cần và cải tiến phương thức giáo dục, ứng dụng lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho KHCN, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN. Cơ cấu lại các chương trình, các nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN tại gian hàng trưng bày kết quả dự án trọng điểm "Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu Compzit cacbon-cacbon ứng dụng trong động cơ tên lửa nhiên liệu rắn tổng hợp" của Viện Hàn lâm KHCN trong triển lãm thành tựu 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hoàng Nam.
Thứ ba là tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, nâng cao hơn nưa vai trò của các tổ chức trung gian trong môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ. Nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KHCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.
Thứ tư là đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, thu hút nhà KH, chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài – chính là nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới. Hơn bao giờ hết nền tảng công nghệ hiện nay có thể giúp các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối và hợp tác với các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài hết sức thuận lợi và nhanh chóng.
Thứ năm là xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và phát huy công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, đổi mới sáng tạo để làm căn cứ hoạch định chính sách, có cơ chế, chính sách đột phá để nâng cao năng lực và chất lượng nhân sự làm việc trong khu vực công về đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Và trong trăm việc, nghìn việc để đổi mới sáng tạo, thì việc đầu tiên cần làm là trọng dụng trí thức, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thay mặt cho ngành KHCN sẽ lĩnh hội, quán triệt và triển khai 5 ý kiến chỉ đạo, nhằm đưa KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.
Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/nganh-khcn-phat-huy-thanh-qua-qua-khu-doi-moi-huong-toi-tuong-lai/20191130035440379p882c918.htm