Đạt mục tiêu và kỳ vọng
Thưa Bà, mục tiêu mong muốn của NHTG khi hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án này là gì?
Bà Đào Thị Thùy Dung – Chuyên gia NHTG, đồng Chủ nhiệm Dự án FIRST. Ảnh: Hạnh Nguyên.
Bà Đào Thị Thùy Dung: Dự án FIRST là dự án hợp tác đầu tiên giữa Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN thực hiện thông qua Bộ KH&CN, vì vậy dự án đã lựa chọn tên viết tắt rất có nghĩa là FIRST, nghĩa là đầu tiên. Dự án đặt mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển KH, CN&ĐMST ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thí điểm các chính sách KH,CN&ĐMST, tăng cường hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu công lập, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ ĐMST.
Dự án muốn thúc đẩy yếu tố ĐMST trong KH&CN bằng cách thí điểm các mô hình đầu tư, tuy mới ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng tại các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới. Bên cạnh việc hỗ trợ nhằm đẩy nhanh quá trình tự chủ trong nghiên cứu và điều hành quản lý của các tổ chức nghiên cứu công lập, Dự án chú trọng thử nghiệm các mô hình chính sách mới như mô hình hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua matching grants (khoản hỗ trợ có đối ứng) nhằm đưa các nghiên cứu đến gần hơn với nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục…
Dự án còn hỗ trợ tài chính cho các nhóm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học/viện nghiên cứu nhằm thu hút hợp tác chuyển giao công nghệ với các trường đối tác, các chuyên gia giỏi ở nước ngoài, trong đó bao gồm rất nhiều chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành các mối quan hệ hợp tác, thu hút nhân tài và tăng cường năng lực nghiên cứu trong nước. Về mặt chính sách, Dự án còn hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu KH,CN&ĐMST cũng như phát triển khung giám sát đánh giá nhằm năng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị nghiên cứu công lập trong nước dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Bà đánh giá như thế nào về kết quả triển khai các tiểu dự án thuộc Dự án FIRST? Bà có thể chia sẻ một vài kết quả để lại ấn tượng sâu sắc?
Qua 5 năm thực hiện, Dự án đã gần kết thúc (đóng ngày 31/12/2019), phần lớn các hoạt động của các tiểu dự án đã hoàn thành và đang bước vào giai đoạn nghiệm thu thanh quyết toán. Mặc dù có những khó khăn trong thời kỳ đầu thực hiện, nhưng những kết quả Dự án nói chung và các tiểu dự án đã đạt được đến nay đều rất ấn tượng và đáng tự hào. Các kết quả đạt được ở cấp tiểu dự án đều ấn tượng và có những kết quả vượt ngoài mong đợi của Dự án.
Quá trình hoàn thiện sản phẩm chỉ khâu nano – sản phẩm được Dự án FIRST đầu tư của Công ty CP Nhà máy Thiết bị y học và vật liệu sinh học. Ảnh: Hạnh Nguyên.
Ví dụ, khi chúng tôi đến thăm tiểu dự án của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, nhóm thực hiện tiểu dự án nói rằng họ rất tự hào về các kết quả đạt được. Nhờ thực hiện tiểu dự án FIRST, họ được tiếp cận, làm chủ công nghệ mới nhất trong sản xuất chip điện tử, thiết lập được quan hệ đối tác với các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực này tại Nhật bản. Sau khi tiểu dự án kết thúc, mối quan hệ hợp tác này tiếp tục được duy trì và mở rộng, từ 1 sản phẩm trong tiểu dự án, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu thị trường và đã có khách hàng, thậm chí nhiều đơn đặt hàng lớn, là cơ sở để nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển, mở rộng.
Mô hình nhóm hợp tác giữa các viện trường và doanh nghiệp tư nhân là mô hình mới nhất, gặp nhiều khó khăn nhất nhưng cũng cho ra những kết quả và các bài học kinh nghiệm đáng giá cho việc xây dựng chính sách phát triển ĐMST ở Việt Nam. Vì những khó khăn này mà đã có không ít nhóm hợp tác bỏ cuộc giữa chừng. Điều này hết sức bình thường trong quan niệm của NHTG. Nhiều nhóm hợp tác đã nghiên cứu, làm chủ quy trình công nghệ và đưa sản phẩm thương mại hóa mạnh mẽ như nhóm hợp tác về tạo tinh thể thạch anh, chỉ khâu, tảo xoắn, v.v… từ nguyên liệu trong nước thay thế sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng trong nước, đồng thời sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Hay đơn vị sản xuất các sản phẩm từ các phụ phẩm của tôm.
Ngoài việc các nhà nghiên cứu hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp, tạo tiền đề cho quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu, sản xuất và đưa sản phẩm đến với người sử dụng cuối cùng, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là 1 phần rất quan trọng trong thiết kế của dự án. Tuy chỉ tài trợ 3 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng kết quả rất khả quan và NHTG cho đây là hướng đi đúng, cần phát huy. Các đơn vị công lập cũng cho thấy sự tăng cường về năng lực quản lý dự án và quản lý tài chính, khả năng tiếp cận thị trường.
So với mục tiêu đặt ra khi đầu tư, Dự án FIRST có đáp ứng được những kỳ vọng, mục tiêu của NHTG hay không, thưa Bà?
Dự án đang soạn thảo báo cáo đánh giá sau triển khai và NHTG đang chuẩn bị tiến hành đánh giá dự án. Sau khi báo cáo hoàn thành sẽ có kết quả chính xác về việc những kết quả đạt được có đáp ứng được mục tiêu Dự án đã đặt ra hay không. Nhưng đến thời điểm này, đánh giá bước đầu về các kết quả đạt được là rất khả quan. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ NHTG, chúng tôi không chỉ quan tâm đến các kết quả đạt được trước mắt, mà muốn Dự án có được các tác động lâu dài về mặt chính sách nhằm phát triển KH,CN& ĐMST ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng các kết quả Dự án đã đạt được sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy, các bài học kinh nghiệm được chia sẻ và góp phần xây dựng các chính sách mới.
Cần lan tỏa kết quả và các bài học thành công
Ngân hàng Thế giới đang chú trọng đầu tư ĐMST trong lĩnh vực nào, thưa Bà?
ĐMST cần có trong mọi lĩnh vực, tuy nhiên với nguồn lực có hạn, NHTG đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xác định các lĩnh vực chú trọng đầu tư về ĐMST, hiện đang trong quá trình thảo luận nhưng đang hướng đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học.
Theo bà, với điều kiện của Việt Nam, cần có những giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo?
ĐMST cần đến từ rất nhiều khía cạnh, khía cạnh chính sách (thúc đẩy, tạo điều kiện), thực thi chính sách, từ ý thức và ý chí. Sự tham gia của lĩnh vực tư nhân là tất yếu và có vai trò quyết định sự thành công của hoạt động ĐMST. ĐMST gắn liền với các rủi ro, chúng ta cần sẵn sàng đối phó và giảm thiểu rủi ro thay vì né tránh. Bản chất của ĐMST là có thành công và thất bại, chấp nhận thất bại cũng là một yêu cầu của ĐMST.
Cần tăng cường và sử dụng hiệu quả ngân sách cho ĐMST. Hiện tại, ngân sách cho ĐMST vẫn chủ yếu tập trung cho khu vực công lập, hi vọng với những bài học từ FIRST, sẽ có thêm ngân sách cho sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. NHTG sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ trong công cuộc phát triển KH,CN&ĐMST ở Việt Nam.
Việt Nam đã có nhiều dự án về ĐMST, vậy điểm khác biệt của Dự án FIRST là gì, thưa bà?
FIRST được hiểu là dự án đầu tiên có các can thiệp tương đối đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, không chỉ hỗ trợ cho lĩnh vực công lập, lần đầu tiên nguồn vốn Chính phủ được sử dụng để hỗ trợ các đề xuất ĐMST có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân thông qua hình thức hỗ trợ có đối ứng, trong đó các đơn vị được chủ động hoạt động và chịu trách nhiệm giải trình. Nhóm hợp tác có thể nói là điểm đột phá trong thiết kế Dự án và là mô hình thí điểm mang lại nhiều tranh luận. Chúng tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời cũng như sự linh hoạt của lãnh đạo Bộ KH&CN trong việc thực hiện các mô hình mới, khắc phục các khó khăn và đưa Dự án đến đích.
Dự án FIRST sẽ kết thúc trong năm nay, với vai trò là đồng Chủ nhiệm Dự án FIRST của NHTG, theo Bà chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong đầu tư cho ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN sau khi kết thúc Dự án FIRST, đặc biệt trong việc lan tỏa các chính sách đã được thí điểm?
Chúng tôi đã lưu lại các bài học của FIRST và sẽ có kế hoạch chia sẻ rộng rãi. Rất hy vọng các kết quả của Dự án FIRST được duy trì: các mối quan hệ đối tác giữa các nhóm nghiên cứu trong nước và nước ngoài; các mô hình hợp tác giữa viện, trường với các doạnh nghiệp để KH&CN gần hơn với đời sống. Các mô hình thí điểm trong Dự án FIRST có thể được tiếp tục và nhân rộng, trở thành cơ sở để hình thành các chính sách phát triển KH,CN&ĐMST.
Xin trân trọng cảm ơn Bà!