Tham dự Hội thảo về phía cơ quan, đơn vị chủ trì có TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT; TS. Đào Minh Đức, Viện trưởng Viện Quản trị TSTT Minh Đức; ThS. Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý SHTT, Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh; về phía đại biểu có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp…
Toàn cảnh Hội thảo.
Trình bày tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT đã có những đánh giá cụ thể về chất lượng sáng chế được bảo hộ ở Việt Nam từ góc độ thương mại hoá. Theo thống kê, tỉ lệ chấp nhận bảo hộ sáng chế tại nước ta còn rất thấp, xu hướng bảo hộ chủ yếu là giải pháp hữu ích, phạm vi áp dụng sáng chế còn ít, tuổi đời thực tế của sáng chế ngắn, mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp còn hạn chế… Từ thực trạng đó, TS. Nguyễn Hữu Cẩn cũng đã nêu ra một số hàm ý về mặt chính sách, cụ thể: Việt Nam cần thúc đẩy động lực, nâng cao chất lượng hoạt động sáng chế, chú trọng tính hữu ích; tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động sáng tạo và nhu cầu của thị trường/ngành công nghiệp; tăng cường khai thác thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển TSTT và quản trị TSTT (sử dụng công cụ IPPlatform do Viện KHSHTT xây dựng và phát triển).
TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT trình bày tại Hội thảo.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện KHSHTT đã chỉ ra những đóng góp của nhãn hiệu vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, có 61 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều nhãn hiệu, trong đó cao nhất là ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều nhãn hiệu đóng góp 8,31% GDP ở Việt Nam. Theo bà Hằng, để nâng cao vai trò của nhãn hiệu đối với nền kinh tế thì việc cấp thiết nhất chính là thúc đẩy sử dụng nhãn hiệu cho các ngành công nghiệp. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng của hệ thống SHTT về nhãn hiệu: tạo môi trường pháp lý thuận lợi; tăng cường năng lực của bộ máy SHTT; đảm bảo thực thi quyền đối với nhãn hiệu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nhãn hiệu của mỗi doanh nghiệp: việc sử dụng nhãn hiệu phải đi liền với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc đăng ký, sử dụng nhãn hiệu cần phải có chiến lược rõ ràng để nhãn hiệu thực sự trở thành công cụ phát triển kinh tế đắc lực cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cần có nhân lực về quản trị nhãn hiệu.
ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện KHSHTT trình bày tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các diễn giả đến từ khối doanh nghiệp và tổ chức tư vấn, hỗ trợ về SHTT chia sẻ về các chủ đề: Từ bảo hộ đến thương mại hóa sáng chế: một số kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đơn đăng ký; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế tại Hoa Kỳ: một số kinh nghiệm thực tiễn; Phát triển tập nhãn hiệu trong kinh doanh…
Các đại biểu đánh giá cao chủ đề, nội dung và các thông tin được chia sẻ tại Hội thảo. Phần thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi, bình luận… với chủ đề tập trung vào đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu góp phần phát triển kinh tế.
Ông David Martin Nguyễn – Giám đốc R&D của Tập đoàn Schlumberger, Cố vấn cao cấp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các quản trị viên tài sản trí tuệ đã được trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.
TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT trao Giấy chứng nhận cho các quản trị viên TSTT.
TS. Đào Minh Đức, Viện trưởng Viện Quản trị TSTT Minh Đức trao Giấy chứng nhận cho các quản trị viên TSTT