Đô thị thông minh là sự tổng hợp công nghệ và các giải pháp hữu ích
Tại nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam, đô thị thông minh ra đời như một giải pháp giảm thiểu áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ công cộng phát sinh từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5% và số lượng lên tới hơn 813 đô thị. Đây được coi là dấu hiệu đáng mừng cho mức độ phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra vấn đề lớn về nhiều mặt như môi trường, giao thông, xây dựng,...Với sự phát triển công nghệ, thành phố thông minh được coi là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề trên.
Ảnh minh họa.
Xu hướng tiếp theo của quá trình đô thị hóa là thành phố thông minh, nơi các vấn đề đô thị được giải quyết nhờ công nghệ, tạo nên môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn. Một thành phố thông minh bền vững là một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động – dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Cụ thể hơn, theo Frost & Sullivan, đô thị thông minh là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên các công nghệ và giải pháp thông minh với từ 5 – 8 thành phần: công dân thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di động thông minh, cơ sở hạ tầng, công nghệ và điều hành thông minh của chính quyền và giáo dục thông minh. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho cộng đồng khởi nghiệp khi nghiên cứu, xây dựng và phát triển các giải pháp đáp ứng các yêu cầu trên.
Làng Đô thị thông minh - không gian gắn kết cộng đồng khởi nghiệp từ đô thị
Nhận thấy sự cần thiết của việc kết nối các startup với các nhà phát triển, doanh nghiệp, tổ chức và các chuyên gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quyết định tổ chức ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Việt Nam 2019. Techfest Việt Nam 2019 nói chung và Làng Đô thị thông minh nói riêng sẽ là một một sân chơi lớn, một môi trường thân thiện để gắn kết, tạo cơ hội giao lưu giữa các bên.
Ông Trần Quang Hưng, người đồng sáng lập Up Coworking Space.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Quang Hưng, người đồng sáng lập Up Coworking Space (Chuỗi không gian làm việc chung lớn nhất Việt Nam với chi nhánh tại Thái Lan và Malaysia, nhận đầu tư từ quỹ Signum Capital (Singapore) và Axiom (Hàn Quốc) đồng thời là trưởng Làng Đô thị thông minh tại Techfest Viet Nam 2019, cho biết: “Với sự kết hợp đa dạng của các lĩnh vực công nghệ tổng hòa thành một nền tảng ứng dụng cho đời sống trong khu vực đô thị từ an ninh, quản lý, môi trường, giáo dục, tiết kiệm năng lượng, góp phần làm cho cuộc sống đơn giản và tiện nghi hơn. Do đó, cộng đồng khởi nghiệp sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức về việc giải quyết bài toán giao thông thông minh, chính quyền điện tử và mạng xã hội trong đô thị thông minh. Đây cũng là một thị trường tiềm năng có tính ứng dụng toàn cầu.”
Hiện nay, UP Coworking Space là một trong những đơn vị cung cấp giải pháp văn phòng cao cấp hàng đầu, sở hữu hơn 50.000 m2 mặt bằng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sứ mệnh tạo ra không gian tồn tại hệ sinh thái toàn diện giúp cá nhân, startup, doanh nghiệp đều nhận được mọi hỗ trợ cần thiết để phát triển, sáng tạo và đổi mới.
|