Thứ sáu, 01/11/2019 18:45 GMT+7

Hợp tác KH&CN Việt - Đức: Làm điều hợp lý tại nơi cần làm

Từ những dự án góp phần giải quyết các thách thức về nước và môi trường, mối quan hệ hợp tác KH&CN Việt Nam – Đức đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ hứa hẹn mang lại những hiểu biết và công nghệ mới mà còn cả nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố quan trọng cho Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số.

Các chuyên gia Việt Nam và Đức đang lắp đặt thiết bị cho dự án Kawatech. Nguồn: Văn phòng Hợp tác Đức – Việt.
 

Diễn ra một ngày trước “Ngày hội Khoa học Việt Đức” – một hoạt động thường niên nhằm giới thiệu rộng rãi các dự án hợp tác giữa hai quốc gia, cuộc gặp gỡ giữa Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Đại học và nghiên cứu Đức Kathrin Meyer dường như mang tính “nội bộ” với một phạm vi hẹp hơn. Tuy nhiên những trao đổi và thảo luận trong cuộc gặp gỡ này lại đề cập đến các vấn đề “xương sống” của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Đức: cơ chế đầu tư cho các dự án mà hai bên quan tâm, đánh giá một số dự án đã thực hiện, triển vọng và sự cam kết đầu tư cho các dự án trong tương lai… Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, “với sự quan tâm của Đức, Việt Nam đã có được những giải pháp cho vấn đề nguồn nước, môi trường cho một số địa phương… Do đó, chúng tôi sẽ sẵn sàng chung sức và chung nguồn lực để có thể thực hiện nhiều dự án phát triển bền vững, hiệu quả như Đồng Văn”.

Giải quyết những thách thức ở Việt Nam

Trong công việc, người Đức coi trọng tính hiệu quả và sự chính xác. Điều đó dường như không sai với TS. Christian Alecke, người phụ trách lĩnh vực tài nguyên tuần hoàn và tài nguyên nước ở Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Đại học và Nghiên cứu Đức. Ngay sau khi đặt chân tới Việt Nam vào vài ngày trước, ông đã kịp vượt qua chặng đường dài từ Hà Nội lên tới cao nguyên đá Đồng Văn, không phải chỉ để chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo của thiên nhiên nơi này mà để tận mắt chứng kiến những thành quả mà dự án “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu ​cao nguyên đá Đồng Văn” (Kawatech, 2013-2019), mang lại cho người dân nơi này. “Dự án kéo dài trong 6 năm nhằm đảm bảo khả năng cung cấp nước cho hơn 10.000 người. Do địa hình là cao nguyên đá nên dự án đã đặt ra nhiều thách thức cho các chuyên gia”, ông nói.

Người Việt Nam không xa lạ với thực trạng thiếu nước ở cao nguyên đá Đồng Văn, kể cả những tháng có mưa. Vì thế, Hà Giang từng xây dựng hàng nghìn bể nước mưa, lu chứa nước cùng với hệ thống dẫn nước tự chảy. Theo TTXVN, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư cho Đồng Văn 30 hồ chứa nước (hồ treo) với tổng kinh phí 137 tỷ đồng nhưng cách làm này chưa thực sự hiệu quả khi mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nước sạch của người dân. Để góp phần giải quyết vấn đề, dự án Kawatech được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức, Bộ KH&CN và tỉnh Hà Giang phối hợp triển khai, tập trung vào phát triển và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo về cung cấp nước tại vùng núi đá.

Sau 6 năm triển khai, Kawatech đã biến điều không thể thành có thể - giải quyết thực trạng thiếu nước từ ngàn đời nay của người dân ở cao nguyên đá Đồng Văn, là một ví dụ điển hình về hiệu quả của sự hợp tác KH&CN Việt – Đức trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản về nước ở Việt Nam.

Dự án thu hút một lượng lớn các bên tham gia, gồm nhiều trường/viện và doanh nghiệp hai nước, đặt dưới sự điều phối của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Viện Quản lý nước và lưu vực sông – Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường, Đức, với bốn hợp phần: thăm dò, khảo sát và quan trắc; bơm nước và sức nước; phân phối nước; bảo vệ tài nguyên nước. Việc ứng dụng công nghệ bơm kết hợp turbine, không dùng điện thông qua việc kết nối với các nhà máy thủy điện công suất nhỏ (pump as turbine PATs), giải pháp công nghệ độc đáo từ những năm 2000 của KSB Aktiengesellschaft – một trong những nhà sản xuất máy bơm hàng đầu thế giới của Đức, đã dẫn được nước lên bể chứa ở đỉnh Ma Ú cao 700m – nơi gần nhà máy thủy điện Séo Hồ công suất 21MW, qua đó cấp nước cho thị trấn Đồng Văn và các khu lân cận. Dù khiêm tốn nói nguyên tắc thành công là “làm điều hợp lý tại nơi cần làm”, TS. Christian Alecke cũng tự hào về nguyên nhân thành công, “đã tập hợp được những chuyên gia và kỹ sư giỏi nhất của Đức đến làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam”.

Ấn tượng trước kết quả của dự án, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, “sau 6 năm triển khai, Kawatech đã biến điều không thể thành có thể, đem lại cơ hội tiếp cận nước sạch cho người dân”. Ông cho rằng, thành công ở Đồng Văn là một ví dụ điển hình về hợp tác KH&CN Việt – Đức trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản về nước ở Việt Nam và lưu ý nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cũng có nhiều bài toán tương tự, tuy không thách thức như vậy. Là người theo dõi dự án, TS. Christian Alecke cũng đồng tình với nhận định đó và bổ sung thêm, “chúng tôi coi đây là dự án điển hình cho hợp tác giữa hai bên. Dù dự án Đồng Văn với cách giải quyết của mình không thể áp dụng 100% ở địa phương khác do mỗi nơi có một đặc thù địa hình khác nhau, nhưng có thể đem lại gợi ý cho nhiều nơi khác thực hiện”.

Nguyên tắc “làm điều hợp lý tại nơi cần làm” và “hai bên làm việc cùng nhau để cùng giải quyết vấn đề quan trọng của Việt Nam” mà TS. Christian Alecke đúc rút cũng là cách mà các dự án hợp tác Đức Việt đã và đang tiếp tục triển khai như “Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững thích ứng với xâm nhập mặn vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long (DeltAdapt). ...

Không hợp tác một chiều

Những dự án này đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia, giữa một bên sẵn có nhiều công nghệ, giải pháp và những chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực với một bên là một quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng có “một đội ngũ các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có tinh thần học hỏi và cầu thị” như nhận xét của Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
 

Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, rất cần những công nghệ mới về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, tự động hóa…, vốn là những lợi thế của Đức. Đó là điểm thuận lợi lớn trong hợp tác KH&CN giữa hai nước trong thời gian tới, theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN. Ảnh: KH&PT.
 

Mối quan hệ hợp tác này sẽ không diễn ra một chiều giữa một bên chỉ tiếp nhận thành quả một cách thụ động và một bên trao đi những gì mình có. Trong một cuộc trao đổi năm 2017, GS. TS Phạm Hùng Việt, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm (ĐHQGHN), người từng học ở Đức và Thụy Sĩ, đã giải thích nguyên nhân vì sao ông duy trì được mối quan hệ hợp tác bình đẳng với các đồng nghiệp quốc tế: những vấn đề ở Việt Nam cũng là vấn đề của nhiều quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Việc cùng với mình giải quyết những vấn đề ấy cũng là cách họ kiểm nghiệm, phát triển và tối ưu công nghệ để sau đó có thể áp dụng trên quy mô rộng, thậm chí đôi khi có những sản phẩm làm ra cũng có thể quay trở lại ứng dụng ngay tại quốc gia họ. Do đó theo quan điểm của ông thì “mình cần họ và họ cũng cần mình”.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà các dự án hợp tác Việt – Đức được triển khai một cách khá suôn sẻ và “cùng đẳng cấp”, theo cách nói của TS. Christian Alecke. Ở góc độ nhà quản lý và người từng tiếp xúc với các du học sinh Việt Nam từ những năm 1980, TS. Kathrin Meyer cho rằng, “việc hợp tác với Việt Nam của Đức rất có ý nghĩa bởi Việt Nam là quốc gia hợp tác quan trọng bậc nhất của Đức tại Đông Nam Á. Hiện hai quốc gia có trên 220 dự án ở nhiều quy mô đang được thực hiện, ví dụ ViWat Mekong, dự án lớn nhất mà chúng tôi từng tài trợ, bao gồm 15 dự án liên quan: bảo vệ và tái tạo đất bờ biển, sử dụng nguồn nước, cấp nước, xỷ lý nước thải”.

Với mong muốn tìm thêm những điểm quan tâm chung, “trong chuyến sang Việt Nam lần này, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức cũng cử một đoàn khá đông chuyên gia, hướng tới mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ sinh học, đa dạng sinh học đến quản lý nguồn nước, môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị xanh, năng lượng…”, TS. Kathrin Meyer nói.
 

Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Đại học và nghiên cứu Đức Kathrin Meyer và đoàn chuyên gia Đức tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt – Đức. Ảnh: Hoàng Nam

Được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở hợp tác truyền thống giữa Bệnh viện trung ương quân đội 108 và trường đại học Tổng hợp Tubingen (Đức), Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt – Đức (VGCare) do TS. Thirumalaisamy P Velavan (ĐH Tubingen) và PGS. TS Lê Hữu Song (PGĐ Bệnh viện 108) điều hành đã tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và ung thư. Trung bình mỗi năm, Trung tâm có được 10 công bố trên các tạp chí ISI.

Từ những điều đã thực hiện thông qua hai cơ quan điều phối là Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức và Bộ KH&CN, một triển vọng hợp tác lớn hơn về KH&CN giữa hai quốc gia đang trong tầm tay. Người Đức quan tâm đến tính hiệu quả và sự chắc chắn trong triển khai công việc nên theo TS. Kathrin Meyer, những yếu tố đảm bảo cho thành công đã được chuẩn bị bài bản: Đức đã thành lập Văn phòng hợp tác Đức – Việt đặt tại Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ phát triển hợp tác KH&CN giữa hai Bộ; phát triển trường Đại học Đức – Việt theo hướng trường đại học nghiên cứu với hi vọng đem lại những mối liên kết cho ngành công nghiệp Đức – Việt về công nghệ và nguồn nhân lực…

Những cam kết hỗ trợ hợp tác

Câu chuyện hợp tác giữa hai quốc gia có những khác biệt về quản lý và điều hành bộ máy hành chính sẽ dẫn đến một số khúc mắc không tránh khỏi trong quá trình thực hiện các dự án. Đó cũng là vấn đề mà những dự án hợp tác Đức – Việt đang gặp phải, ví dụ như chậm trễ trong việc lựa chọn và cấp vốn đối ứng cho các dự án chung. Giải đáp về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, “Chúng tôi đã rà soát, đánh giá quy trình của Việt Nam với mong muốn tìm điểm chung, tìm cách cho nó có thể khớp với quy trình thủ tục của các quốc gia khác. Qua đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình thủ tục để việc cấp kinh phí [cho các dự án] được thúc đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ thực hiện tại Việt Nam mà được Đức lựa chọn hỗ trợ”.

Điểm thuận lợi lớn nhất để thúc đẩy các dự án hợp tác, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy là hiện nay Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, rất cần những công nghệ mới về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, tự động hóa…, vốn là những lợi thế của Đức. Do đó, ông cũng tin rằng, ý tưởng thúc đẩy trường đại học Việt – Đức theo hướng trường đại học nghiên cứu có thể góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để “không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tìm được công nghệ phù hợp để chuyển đổi, đặc biệt với các công nghệ ở phía Nam”. Để hỗ trợ quá trình này ở trường Đại học Đức - Việt, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt vấn đề “Bộ KH&CN có thể hỗ trợ với nhiều cơ chế khác nhau, như qua việc tài trợ thực hiện các đề tài nhiệm vụ KH&CN, cử cán bộ sang làm việc ngắn hạn với các đối tác của Đức và đầu tư về cơ sở vật chất”. Trong nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động KH&CN, Bộ KH&CN có thể hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm và với cơ hội này, trường có thể đề xuất ý tưởng thành lập trung tâm xuất sắc hoặc phòng thí nghiệm hợp tác ở một số lĩnh vực như tự động hóa, công nghệ 4.0…

Triển khai từ năm 2018 đến năm 2021, ViWat Mekong nhằm góp phần bảo vệ bờ biển, quản lý nước và phòng chống sụt lún đất thông qua việc xây dựng các hướng dẫn, công nghệ và biện pháp đối phó trong các lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất và nước trong khu vực (Quy hoạch ViWat), kiểm soát xói mòn, cải tạo đất, tăng cường giám sát đất, nước và sụt lún đất (ViWat-Engineering) và điều hành các dịch vụ về môi trường và nước ở địa phương (ViWat-Operations).
 

ViWat Mekong tìm hiểu các biện pháp bảo vệ bờ biển.


Để triển khai dự án bền vững, tiêu điểm của các dự án là đánh giá các biện pháp bảo vệ bờ biển hiện có, kiểm tra tính bền vững của các công trình chống xói mòn dọc theo bờ biển, thử nghiệm thủy lực trong phòng thí nghiệm nhằm xác định kích thước của các cấu trúc chống xói mòn, phát triển vật liệu xây dựng sáng tạo từ các nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, đảm bảo các hệ sinh thái ven biển và chất lượng nước biển ven bờ, lựa chọn giải pháp kỹ thuật cho việc phân phối tài nguyên nước mặt bền vững để giảm thiểu, đánh giá các giải pháp kỹ thuật tích trữ làm giàu tài nguyên nước ngầm, mô tả các quá trình tương tác giữa trầm tích-nước.


Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hop-tac-khcn-vietduc-lam-dieu-hop-ly-tai-noi-can-lam/2019103109138159p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)