Trong hai hội thảo liên tiếp diễn ra tại Hà Nội và TPHCM về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới. Áp dụng chính xác công nghệ mới trong việc vận hành cơ quan sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công nghệ blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, phải thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, vì nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) Đỗ Thiên Hoàng cho biết, theo thống kê, năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến intetnet vạn vật (IoT) đã được nộp tại Cơ quan sáng chế châu Âu và tăng trưởng 54% chỉ trong ba năm 2014-2016.
Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Việc thực thi quyền trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy, các chính sách cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển khoa học và công nghệ, vừa bảo đảm an ninh, bảo mật và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thỏa đáng.
Với kinh nghiệm ở nước sở tại, ông Manabu Niki, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) cho biết ngay từ năm 2017, cơ quan này đã có kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu của lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Quyết định phân loại sáng chế; tra cứu tình trạng kỹ thuật, kiểu dáng, nhãn hiệu… có trước; tra cứu các sản phẩm dịch vụ đã xác định.
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) và mở rộng nhanh chóng thị trường đám mây trong ngành công nghiệp dịch vụ IT, số lượng đăng ký các thiết bị IoT và trình duyệt web ở Nhật Bản đã tăng lên đáng kể hàng năm.
Do đó, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Cơ quan sáng chế Nhật Bản cũng đã bổ sung các ví dụ về công nghệ IoT vào cuốn cẩm nang thẩm định và xuất bản trước các nước khác; đồng thời, thành lập "Đội thẩm định IoT" bao gồm thành viên là những người có kinh nghiệm với những sáng chế IoT để học hỏi và chia sẻ chuyên môn.
Đáng chú ý, GS. Mitsuyyoshi Hiratsuka (Đại học Tokyo, Nhật Bản) nêu quan điểm sở hữu trí tuệ đang dịch chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh. Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho thế giới phẳng hơn, nhỏ hơn và phụ thuộc lẫn nhau hơn. Sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Vì vậy, để tận dụng được các thành tựu khoa học kỹ thuật Việt Nam phải xây dựng và vận hành một hệ thống sở hữu trí tuệ thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu:
- Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
- Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
- Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.
- Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
|
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/So-huu-tri-tue-khong-the-di-sau-cach-mang-cong-nghiep-40/377112.vgp